Ngân hàng mới của BRICS có thể trở thành đối trọng của WB và IMF

17/07/2014 22:57
17-07-2014 22:57:00+07:00

Ngân hàng mới của BRICS có thể trở thành đối trọng của WB và IMF

Sau hơn hai năm thai nghén, cuối cùng, nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) - gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi - đã chính thức cho ra đời “Ngân hàng Phát triển mới” (NDB) và Quỹ dự phòng chung.

Mặc dù chỉ có số vốn khởi đầu 100 tỷ USD, song NDB và quỹ dự phòng được dự báo có thể trở thành đối trọng với những thể chế tài chính toàn cầu là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo thông báo đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 6 của BRICS diễn ra từ 15-17/7 ở thành phố Fortaleza của Brazil, NDB sẽ được đặt trụ sở tại thành phố Thượng Hải của Trung Quốc. Trong số vốn ban đầu 100 tỷ USD, vốn điều lệ là 50 tỷ USD chia đều cho 5 nước sáng lập. Số tiền còn lại sẽ được huy động thông qua các kênh phát hành trái phiếu.

BRICS tuyên bố mục đích của việc thành lập ngân hàng này là nhằm huy động nguồn lực cho các dự án hạ tầng và phát triển tại các nước thành viên cũng như cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác.

Cũng tại hội nghị, các nước thành viên đã ký thỏa thuận thành lập Quỹ dự phòng chung với quy mô tài chính 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc góp 41 tỷ USD, Nam Phi góp 5 tỷ USD, Nga, Ấn Độ và Brazil mỗi nước góp 18 tỷ USD. Không như NDB, Quỹ dự phòng BRICS có nhiệm vụ giúp các nước thành viên ứng phó với sức ép thanh khoản ngắn hạn.

Trong trường hợp cần thiết, Trung Quốc được quyền yêu cầu Quỹ dự phòng cấp tối đa một nửa mức đóng góp, Nam Phi được nhận gấp đôi mức đóng góp và 3 nước còn lại được nhận mức tương đương số vốn bỏ ra. Theo quy định, số tiền đóng góp sẽ được các nước giữ ngay tại ngân hàng trung ương của mình và được chuyển khoản cho nhau khi một trong các nước thành viên gặp khó khăn về cán cân thanh toán.

Trên thực tế, sự ra đời của NDB và Quỹ dự phòng của khối BRICS không phải là bất ngờ bởi nó đã được các nước thành viên đàm phán hơn hai năm qua nhằm đối phó với tình trạng Mỹ rút vốn ồ ạt khỏi các nền kinh tế mới nổi do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, trong khi những nỗ lực cải tổ IMF theo hướng tăng tiếng nói cho các nền kinh tế đang phát triển không đạt kết quả. Đây cũng là bước đi cụ thể đầu tiên của "câu lạc bộ 5 nước" nhằm tiến tới định hình lại hệ thống tài chính quốc tế đang bị phương Tây chi phối.

Hiện cả WB và IMF bị đánh giá là hoạt động thiếu khách quan và độc lập, chỉ là “công cụ gây ảnh hưởng của Mỹ” khi việc giải ngân cho các dự án nhiều khi phụ thuộc vào "thái độ chính trị của con nợ" đối với Mỹ thay vì dựa trên hiệu quả và tính cấp thiết của các dự án.

Theo đánh giá của các chuyên gia, NDB và Quỹ dự phòng BRICS không chỉ giúp các nước thành viên độc lập hơn về kinh tế và nhu cầu vốn, mà còn tạo ra đối trọng với WB và IMF. Lo lắng đó không phải không có cơ sở khi BRICS chiếm tới 42% dân số thế giới, 25% GDP toàn cầu, 15% tổng kim ngạch thương mại thế giới và có tổng dự trữ ngoại tệ lên tới 4.400 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 3/4.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khẳng định: "BRICS sẽ là công cụ mà thế giới đang phát triển có thể sử dụng để mở tung hệ thống tài chính quốc tế khép kín hiện nay." Tổng thống nước chủ nhà Dilma Russeff cũng nhận định: “NDB sẽ cho phép các nước BRICS tăng cường hợp tác nội khối và độc lập hơn về kinh tế.” Nhà lãnh đạo Brazil ngầm ám chỉ rằng từ nay các nước mới nổi và đang phát triển sẽ không còn phải lệ thuộc quá nhiều vào các yêu sách nghiêm ngặt do WB và IMF đưa ra khi cần tiếp cận nguồn vốn cho các dự án hạ tầng và phát triển bền vững.

Theo kế hoạch, NDB sẽ bắt đầu giải ngân những khoản cho vay đầu tiên từ năm 2016 với tiêu chí dành ưu tiên cho các dự án phát triển không thể vay vốn được từ các tổ chức tín dụng quốc tế khác. Một khi chính thức đi vào hoạt động, NDB và Quỹ dự phòng BRICS sẽ nâng cao tầm ảnh hưởng của các nước đang phát triển trong cấu trúc tài chính toàn cầu, nơi vị thế thống lĩnh lâu nay thuộc về WB và IMF.

Theo lời của các nhà lãnh đạo BRICS, việc khối này thành lập được ngân hàng và quỹ dự phòng chung vào thời điểm hiện nay không chỉ là một thử nghiệm quan trọng đối với sự đoàn kết của khối, giúp nâng cao vị thế cũng như tiếng nói của các nước đang phát triển trong quá trình đưa ra các quyết sách quan trọng của thế giới, mà còn góp phần xây dựng một trật tự tài chính quốc tế mới dân chủ hơn.

Tuy nhiên, do quy mô tài chính ban đầu của NDB và Quỹ dự phòng BRICS khá khiêm tốn, trong khi tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên đang có dấu hiệu chững lại và nội bộ BRICS cũng còn nhiều khác biệt về thể chế và quy mô kinh tế... nên việc biến lời nói thành hành động cụ thể không phải là dễ dàng.

Do đó, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo BRICS là phải mang lại những kết quả cụ thể, phù hợp với lợi ích của các nước thành viên và thúc đẩy BRICS trở thành một thực thể lớn hơn. Nếu không, những mâu thuẫn vốn có từ trước khi BRICS ra đời sẽ trở nên ngày càng khó vượt qua./.

Vũ Hà

vietnam+



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Các đồng tiền châu Á sắp có tuần tăng giá mạnh nhất trong 2 tháng

Các đồng tiền châu Á sắp ghi nhận tuần tăng tốt nhất trong 2 tháng, khi các nhà hoạch định chính sách ở các nước đẩy mạnh can thiệp để hỗ trợ tỷ giá.

Nikkei: Báo động đỏ về biên lãi ròng của các ngân hàng Trung Quốc

Theo kết quả khảo sát 58 ngân hàng thương mại được niêm yết tại Trung Quốc đại lục và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của tờ Nikkei, biên lãi ròng của 39 ngân...

Microsoft cam kết đầu tư 1,7 tỷ USD phát triển hạ tầng AI cho Indonesia

Giám đốc Điều hành Microsoft cho biết hãng sẽ sớm xây dựng các trung tâm dữ liệu ở Indonesia, cũng như giúp quốc gia này đào tạo hàng trăm nghìn lao động trong lĩnh...

Hơn 100 cửa hàng KFC tại Malaysia phải đóng cửa

QSR đã thay đổi chiến lược xây dựng thương hiệu theo hướng mang tính Hồi giáo hơn trên trang web của mình, nhưng nhiều người Malaysia vẫn tiếp tục quay lưng với...

Bất động sản Trung Quốc vẫn gặp khó dù tăng cho vay, nới lỏng hạn chế

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã phải cắt giảm mạnh mẽ lực lượng lao động khi họ phải gánh chịu các nghĩa vụ nợ ngày càng tăng và doanh số bán hàng sụt...

Nhật Bản: Đồng yen tiếp tục trượt dốc, giảm xuống mức thấp kỷ lục mới

Đồng yen tiếp tục trượt dốc xuống mức thấp kỷ lục khi Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) ngày 26/4 duy trì lãi suất hiện nay sau cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày.

Thêm một ngân hàng Mỹ phá sản

Trong ngày 26/04, Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã thông báo về việc đóng cửa ngân hàng Republic First Bank, đánh dấu vụ sụp đổ ngân hàng đầu tiên tại...

Đồng yen của Nhật Bản trượt giá xuống mức thấp nhất trong 34 năm

Giá đồng yen giảm sau khi Mỹ công bố các dữ liệu lạm phát mới cao hơn dự tính, đẩy giá đồng USD lên mức cao nhất trong 5 tháng và càng củng cố niềm tin rằng Fed sẽ...

Indonesia bất ngờ nâng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Indonesia bất ngờ nâng lãi suất trong ngày 24/04 nhằm hỗ trợ đồng Rupiah, sau khi đồng tiền này rơi xuống đáy 4 năm.

Nhiều nước bày tỏ lo ngại trước việc đồng USD tăng giá mạnh

Đồng USD ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 so với các đồng tiền mạnh khác và trên đà tăng tháng thứ tư liên tiếp khiến các nhà hoạch định chính sách từ Nhật Bản...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98