"Không giải quyết lợi ích nhóm, sẽ khó cải cách thể chế kinh tế"

22/12/2014 18:03
22-12-2014 18:03:53+07:00

"Không giải quyết lợi ích nhóm, sẽ khó cải cách thể chế kinh tế"

Tăng trưởng kinh tế và năng suất của Việt Nam đang chậm lại trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC). Điều này đã châm ngòi cho nhiều cuộc tranh luận ngày càng tăng về các mô hình phát triển kinh tế-xã hội phù hợp nhất đối với Việt Nam.

"Lợi ích nhóm" rào cản tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Để tìm kiếm những giải pháp hợp lý, bài học kinh nghiệm quốc tế vận dụng vào phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo“Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh kinh tế hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam,” ngày 22/12, tại Hà Nội.

Lợi ích nhóm chống lại áp lực cải cách

Theo ông Raymond Mallon, Cố vấn cao cấp, Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam, hiện các tranh luận của giới chuyên gia vẫn loanh quanh vào các vấn đề về nền kinh tế chậm chuyển đổi sang kinh tế thị trường cạnh tranh, sự nhận thức vẫn mơ hồ về vai trò của Nhà nước, sự thiếu sáng tạo, đổi mới trong phát triển kinh doanh, bên cạnh đó là sự tăng trưởng chậm đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực doanh nghiệp nói chung.

Ông Raymond chỉ ra: “Việc có quá nhiều quy định điều tiết thị trường đất đai và bất động sản (đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp) đã làm kìm hãm quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc kinh tế tăng trưởng khá ở giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu dường như là lý do cho các nhóm lợi ích (như bộ phận các nhà quản lý có quan hệ với chính quyền, các quan chức có đặc quyền, những người thực thi quyền sở hữu doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân có quan hệ với chính quyền) chống lại áp lực cải cách."

"Trên thực tế, Việt Nam vẫn tiếp tục xếp hạng thấp về Chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới và Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới,” ông Raymond nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, giáo sư Jeongho Kim,Trường Chính sách công và Quản lý, Viện Phát triển Hàn Quốc đã đưa ra một số kinh nghiệm từ quá trình phát triển của Hàn Quốc. Từ một nền kinh tế được Nhà nước điều khiển và kiểm soát bởi các kế hoạch, chương trình, mệnh lệnh của Chính phủ, Hàn Quốc đã có một bước tiến dài sau quá trình chuyển đổi sang nền kinh tự do theo hướng dân chủ và kinh tế thị trường, ở cuối những năm 1980.

Nhờ đó, xã hội Hàn Quốc đã nổi lên những tầng lớp trung lưu thành thị được giáo dục bài bản và hiểu biết về chính trị. Bắt đầu từ giữa thập kỷ 90, quốc gia này cũng tích cực theo đổi những mục tiêu toàn cầu hóa, tư nhân hóa đồng thời giảm thiểu các quy định và giao quyền tự chủ cho các địa phương, thúc đẩy thực hiện các cải cách hệ thống kinh tế, chính trị nhằm đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia có tự do kinh tế nhiều hơn, chính trị-xã hội dân chủ hơn nữa. Thậm chí, quốc gia này đã chấm dứt việc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm cũng như các loại kế hoạch khác, mà dựa nhiều hơn vào các sáng kiến tư nhân.

“Hàn Quốc đang chuyển đổi theo hướng tăng trưởng kinh tế nhờ đổi mới và nền kinh tế sáng tạo, với những bước đi từ công nghiệp nhẹ sang công nghiệp nặng và nay là các ngành công nghiệp có nòng cốt từ khoa học, kỹ thuật và tri thức,” giáo sư Jeongho Kim nói.

Thể chế bao dung

Tại Hội thảo, các diễn giả đồng tình cho rằng, việc tham gia các thỏa thuận hợp tác khu vực theo lộ trình sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội mới để đẩy nhanh quá trình “bắt kịp” với các nước trong khu vực. Do đó, Việt Nam cần xây dựng thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh thuận lợi phù hợp để thu hút đầu tư.

Theo ông Raymond Mallon, những nghiên cứu phát triển gần đây đã nhấn mạnh tới vai trò xây dựng thể chế kinh tế bao dung nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế công bằng và bền vững. Bởi, các thể chế kinh tế bao dung đảm bảo thực thi quyền sở hữu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và khuyến khích đầu tư vào các công nghệ, kỹ năng mới tạo nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế hơn so với các thể chế kinh tế tước đoạt được hình thành để khai thác tài nguyên xã hội bởi thiểu số người.

“Trong khi thể chế tước đoạt (gắn với lợi ích nhóm) kìm hãm sáng tạo và tăng trưởng kinh tế -xã hội, thì thể chế bao dung thúc đẩy 'phá hủy mang tính sáng tạo' là kết quả của cạnh tranh đồng thời dẫn dắt đổi mới, sáng tạo,” ông Raymond nói.

Ông Raymond cũng chỉ ra, hầu hết các doanh nghiệp đều cố gắng tránh trở thành nạn nhân của “phá hủy mang tính sáng tạo,” bởi đối với họ cạnh tranh càng ít càng tốt. Kinh nghiệp quốc tế, các công ty độc quyền gặp khó khăn, doanh nghiệp có đặc quyền tiếp cận các quyết định hành chính, thường sẽ vận động các nhà lãnh đạo chính trị bảo vệ họ khỏi cạnh tranh. Nếu họ thành công thì những hành động như vậy sẽ kìm hãm đổi mới, sáng tạo, đầu tư và tăng trưởng.

“Vấn đề này trở nên ngày càng quan trọng ở Việt Nam, khi các nhóm lợi ích đang ngày càng lớn mạnh và có nhiều ảnh hưởng. Nếu Việt Nam thiếu các thể chế kinh tế bao dung, các doanh nghiệp và cá nhân có quan hệ gần gũi với giới chức chính trị sẽ có xu hướng tích tụ của cải một cách dễ dàng (do có đặc quyền tiếp cận vốn, đất đai và thị trường). Điều này góp phần vào sự bất bình đẳng và có thể dẫn đến bất ổn xã hội,” ông Raymond phân tích.

Đánh giá cao những đóng góp ý kiến từ các chuyên gia kinh tế quốc tế, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cải cách thể chế ở Việt Nam cần đề cập quyền giám sát của người dân trực tiếp và gián tiếp thông qua cơ quan dân cử đại điện, báo chí, hiệp hội, quyền được tiếp cận thông tin; trách nhiệm giải trình, quyền chất vấn, bãi miễn các chức danh được bổ nhiệm.

“Tình trạng lợi ích nhóm nếu không được kiểm soát, nó sẽ làm méo mó động lực kinh tế, hướng khu vực doanh nghiệp tư nhân chạy theo địa tô chênh lệch, khai thác chênh lệch giá đất, đầu cơ bất động sản, khai thác tài nguyên rừng, khoáng sản…

Nếu Việt Nam không giải quyết được những vấn đề cơ bản này thì rất khó đạt được tiến bộ thực sự trong cải cách thể chế kinh tế đồng thời không thể có cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật, chênh lệch giàu nghèo tiếp tục mở rộng, ô nhiễm môi trường tăng lên..., sẽ gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế và kìm hãm quá trình phát triển bền vững,” ông Doanh nói.

Hạnh Nguyễn

Vietnam+



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Những điểm đáng chú ý trong Dự thảo về Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp

Dự thảo Nghị định DPPA tập trung vào việc mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua đường dây truyền tải riêng; giữa đơn vị phát điện và...

Thị trường tín chỉ carbon TP.HCM và những câu hỏi

Nắng nóng bao vây con người mọi lúc mọi nơi. Chưa bao giờ mà người dân khắp cả nước trải qua một kỳ nghỉ lễ 30/04-01/05… cháy bỏng như năm nay. Điều này đã thật sự...

4 tháng đầu năm 2024, cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công hơn 115,000 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tháng 3, ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2024.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang...

Alibaba có thể đầu tư 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam?

Theo Nikkei Asia đối tác của Alibaba trong đầu tư xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là Viettel và VNPT.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng đầu năm 2024

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1.55 triệu lượt, cao hơn 58.2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế...

Số lượng nhà cung ứng cho Apple tại Việt Nam cao thứ 4 toàn cầu

Báo cáo của Apple về danh sách nhà cung ứng toàn cầu cho thấy Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 4 thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt trên 522 ngàn tỷ đồng

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2024 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước nhờ...

Sản xuất công nghiệp tháng 4 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 4/2024 ước tính tăng 0.8% so với tháng trước và tăng 6.3% so với cùng kỳ năm trước.

TP.HCM xin tự quyết định vị trí việc làm đặc thù

TP.HCM phát sinh nhiều vị trí việc làm đối với công chức, viên chức thực sự cần thiết và phù hợp nhưng lại chưa có trong quy định tại thông tư của các bộ, ngành...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98