Hoạt động nhượng quyền khai thác sân bay: Không lo độc quyền!

05/07/2015 21:41
05-07-2015 21:41:00+07:00

Hoạt động nhượng quyền khai thác sân bay: Không lo độc quyền!

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã trình lên Chính phủ đề án xã hội hóa kết cấu hạ tầng hàng không; trong đó đề xuất thí điểm nhượng quyền khai thác cảng hàng không sân bay Phú Quốc.

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Hoạt động nhượng quyền khai thác sân bay đã được thực hiện rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới còn tại Việt Nam, đây mới là lần đầu tiên triển khai, thực hiện.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường xoay quanh vấn đề này.

- Một số điểm nổi bật của đề án xã hội hóa kết cấu hạ tầng hàng không lần này là gì thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ đề án “Xã hội hóa kết cấu hạ tầng hàng không” và đã được Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành xem xét. Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện tiếp thu tất cả những ý kiến này để có thể trình lại Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Hạ tầng hàng không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư trong khi hàng năm, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được vấn đề duy tu sửa chữa hay đầu tư vào những phần không cơ bản để phát triển trong thời gian tới.

Vì vậy, ngoài việc trông chờ vào nguồn vốn ODA thì chúng ta phải thực hiện xã hội hóa đầu tư. Chúng tôi phải đưa ra được các kế hoạch cụ thể làm thế nào để thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào hạ tầng giao thông, làm thế nào để tạo ra được lợi ích cho các nhà đầu tư cũng như đảm bảo được việc quản lý của nhà nước đối với các hệ thống này. Đồng thời, nhanh chóng đưa được một hệ thống hạ tầng hàng không hiện đại và chất lượng vào phục vụ trong thời gian nhanh nhất và tốt nhất.

- Việc đề xuất nhượng quyền khai thác các cảng biển và cảng hàng không dự kiến sẽ đem lại những lợi ích gì cho kinh tế và xã hội nước ta?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Việc một số nhà đầu tư quan tâm, muốn được tham gia khai thác các cảng hàng không, cảng biển sẽ giúp chúng ta thu hồi được khoản tiền lớn ngay từ thời điểm ban đầu, bằng hoặc thậm chí lớn hơn khoản vốn chúng ta đã đầu tư. Từ đó, chúng ta sẽ có điều kiện dùng nguồn vốn này để đầu tư vào các hạ tầng cảng hàng không cũng như cảng biển khác.

Nhà đầu tư thông qua hình thức nhượng quyền cảng biển, cảng hàng không sẽ có cơ hội tăng cường dịch vụ, tạo tính hấp dẫn và thu hút thêm khách hàng, qua đó các doanh nghiệp này sẽ có thu được mức lợi nhuận mong muốn, bù đắp được khoảng chi phí họ đã bỏ ra ban đầu. Nhà nước cũng sẽ thu thêm được tiền thuế thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT.

- Cơ chế bán, nhượng quyền khai thác cảng biển, hàng không là chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Quy định tỷ lệ chuyển nhượng sở hữu tại các cảng hàng không sẽ được xem xét như thế nào thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Đây là một yếu tố mà các nhà đầu tư hết sức quan tâm. Trước đây, chúng ta thường xây dựng phương án cổ phần hóa; trong đó, các nhà đầu tư tham gia chỉ được quyền sở hữu dưới 51%. Đặc biệt, gần đây, chúng ta có cho phép nhà đầu tư chiến lược tham gia, nhưng tỷ lệ sở hữu cũng không vượt quá 20%. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường vốn chưa cao.

Với đề án lần này, việc nhượng quyền sẽ căn cứ vào từng vị trí cụ thể mà Bộ Giao thông vận tải sẽ trình Thủ tướng cho phép, tỷ lệ nhượng quyền có thể ở mức 51% cho đến 100%. Đây là điều hoàn toàn mới.

Mỗi cảng hàng không có những yếu tố hoàn toàn khác biệt, ví dụ, một số cảng có yếu tố lợi thế về mặt du lịch nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo được cả về mặt quốc phòng và an ninh thì chúng ta phải giữ được một tỷ lệ tương đối để đáp ứng được những điều kiện cần thiết.

Nhưng, một số cảng hàng không khác chủ yếu để phục vụ thương mại, du lịch thì có thể nhượng quyền với tỷ lệ lớn hơn, từ đó tạo điều kiện khai thác tốt hơn. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang trình Chính phủ phương án nhượng quyền cho các nhà đầu tư với tỷ lệ có thể lên tới 70-75%.

- Việc định giá đối với hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không sẽ được xác định như thế nào, thưa ông? Sau nhượng quyền, vấn đề lợi nhuận thu về sẽ được phân bổ ra sao?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Việc định giá sẽ được thực hiện dựa trên các quy định của luật pháp. Dự kiến, Bộ Giao thông vận tải sẽ mời một cơ quan định giá có đủ tư cách pháp nhân tham gia thực hiện. Đó có thể là các đơn vị mà Bộ Tài chính giới thiệu, qua đó đảm bảo định giá một cách chính xác giá trị của cảng biển hay cảng hàng không. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư sẽ hưởng, mua lại quyền khai thác.

- Việc trao quyền khai thác các cảng, sân bay sẽ được dựa trên những tiêu chí như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Hiện nay, một số cảng hàng không, cảng biển rất có lợi thế cho các nhà đầu tư tham gia vào nhượng quyền khai thác. Đã có nhiều hơn một doanh nghiệp đăng ký được nhượng quyền khai thác tại cùng một cảng, sân bay.

Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng phương án thực hiện cụ thể. Đây là một vấn đề hết sức cần thiết, chúng tôi cũng đã đưa ra được dự báo về vấn đề này. Để đảm bảo tính minh bạch và công khai, sau quá trình định giá tài sản, Bộ Giao thông Vận tải sẽ mời các nhà đầu tư tới đàm phán.

Để trở thành các nhà khai thác hay đối tác chiến lược, các nhà đầu tư phải đạt được các tiêu chí do Bộ Giao thông vận tải quy định. Thứ nhất, nhà đầu tư phải có đủ điều kiện về năng lực tài chính và năng lực điều hành, để thực hiện các giải pháp trong việc triển khai các dự án đó hay không. Thứ hai, nhà đầu tư phải đảm bảo năng lực về khả năng để có thể mở rộng đầu tư trong tương lai. Nếu như có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, chúng tôi sẽ kiến nghị đấu giá cạnh tranh. Như vậy, sẽ đảm bảo tìm được nhà đầu tư có chất lượng tốt nhất, đồng thời có giá cao nhất, góp phần thu hồi vốn về cho Nhà nước.

- Thưa Thứ trưởng, việc cho phép các hãng hàng không được sở hữu và kinh doanh sân bay rất dễ gây ra tình trạng độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh. Vậy theo ông, cần phải có những biện pháp gì để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc khai thác cảng hàng không?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Các doanh nghiệp tham gia khai thác các cảng biển, cảng hàng không chỉ được phép kinh doanh dịch vụ tại khu vực các nhà ga và sân bay này. Đồng thời, tất cả các doanh nghiệp đó đều phải cam kết thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về phí, về giá, cũng như là hoạt động quản lý bay.

Cho nên chúng ta không lo lắng các nhà đầu tư độc quyền có thể đưa ra một cái yếu tố nào làm ảnh hưởng tới lợi ích của người dân. Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải có trách nhiệm thẩm tra và có quy định trước khi các nhà đầu tư được phép hoạt động ra công chúng.

- Có nghĩa là chúng ta không nên quá lo lắng tới việc gánh nặng chi phí dịch vụ đối với người dân sẽ tăng cao hơn, đúng không thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Như tôi đã trao đổi, các phí dịch vụ đều phải được các cơ quan thẩm quyền cho phép. Ví dụ như nếu doanh nghiệp kinh doanh muốn tăng phí, họ phải trình lên các cơ quan Nhà nước xem xét và cho phép rồi mới được triển khai.

Trong đó, Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp quản lý phí và giá. Đồng thời, sẽ phải căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng để có điều kiện tăng, giảm phù hợp với kinh tế thị trường. Đây là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng thường xuyên thực hiện.

- Xin cám ơn Thứ trưởng./.

Diệu Linh

vietnam+



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bộ Công Thương thông tin về chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà

Chiều 04/05, phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có những chia sẻ về chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà.

Lập Tổ công tác giúp việc đôn đốc tiến độ triển khai đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải vừa ký quyết định...

Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn

Trong ngành bán dẫn, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ đầu tư...

Lý do loạt địa phương giải ngân đầu tư công thấp dưới mức bình quân

Tỉnh Bình Thuận, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh... nằm trong số các địa phương có mức giải ngân đầu tư công năm 2024...

Cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị khởi tố

Ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bị khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam với cáo buộc có sai phạm liên quan một dự án tại Lâm Đồng.

Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt...

'Nhiều tập đoàn công nghệ lớn muốn đầu tư ngành bán dẫn tại Việt Nam'

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu muốn đầu tư vào ngành điện tử, chip, bán dẫn tại Việt Nam.

Xây dựng Luật khu công nghiệp: Đón dòng đầu tư chất lượng cao

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết khu công nghiệp là khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy gửi đơn tố cáo hành vi thông thầu ở Ninh Thuận

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận có đơn tố cáo hành vi thông thầu trong đấu giá đất công, gây thất thoát tài sản nhà nước

Doanh nghiệp liên quan vụ bán dự án điện mặt trời cho Trung Quốc, đề xuất làm 2 nhà máy điện gió ở Lâm Đồng

Mới đây, CTCP Đầu tư HLP đề xuất đầu tư xây dựng 2 dự án nhà máy điện gió Tà Năng 1 và Tà Năng 2 tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98