TPP và cuộc họp quyết định

28/07/2015 13:25
28-07-2015 13:25:23+07:00

TPP và cuộc họp quyết định

Nhiều quan chức tin rằng cuộc họp quyết định bắt đầu từ hôm nay (28-7) sẽ đạt được kết quả khả quan bởi áp lực “bây giờ hoặc không bao giờ nữa”.

Người biểu tình phản đối TPP trước nơi họp của các bộ trưởng tại Úc hồi tháng 10-2014. Hành trình của TPP cũng rất gian nan - Ảnh: AFP

Có thể nói khi Tổng thống Barack Obama đặt bút ký ban hành dự luật quyền thúc đẩy thương mại (TPA) vào hôm 29-6, ngay sau khi hai viện quốc hội thông qua, tình hình đàm phán để hoàn tất Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có vẻ sáng sủa hơn nhiều.

TPA trao cho ông quyền “đàm phán nhanh” để hoàn tất các thỏa thuận thương mại và thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua những thỏa thuận này.

Các nước tham gia đàm phán TPP trong đó có Việt Nam sẽ không bao giờ tham gia các thỏa thuận thương mại mà biết rằng sau đó các thỏa thuận này sẽ bị quốc hội thay đổi, vì vậy việc tổng thống Mỹ có được TPA là vô cùng cần thiết.

Cuộc họp này sẽ là cực kỳ quan trọng để quyết định số phận của các cuộc đàm phán TPP

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản AKIRA AMARI

Không để Trung Quốc tự quyết

Cho đến hôm nay, khi các bộ trưởng thương mại và quan chức 12 quốc gia gặp nhau ở Hawaii thì các phát ngôn đã có dấu hiệu khởi sắc của sự lạc quan.

Họ sẽ đàm phán “vòng cuối” từ ngày 28 đến 31-7 trên đảo Maui, với hi vọng cao về việc đạt được một thỏa thuận thương mại tầm cỡ nhất trong một thế hệ của mình và nó cũng sẽ là một di sản xác định thành tích chính trị cho Tổng thống Obama.

Ngay cả việc ông Obama xoay trở để lấy được TPA trong sáu năm cầm quyền cũng đã là một kỳ tích. Việc thông qua TPP có ý nghĩa vô cùng quan trọng với kế hoạch xoay trục sang châu Á của ông Obama.

Đây cũng là động thái để đối phó với việc Trung Quốc đang bành trướng ảnh hưởng ở khu vực này.

Hồi tháng 5 vừa qua, ông cũng không giấu giếm quan điểm đó khi tuyên bố công khai: “Nếu chúng ta không lập ra quy định cho thương mại thế giới thì hãy cứ đoán xem điều gì xảy ra? Trung Quốc sẽ làm điều đó. Và họ sẽ làm theo kiểu có lợi cho doanh nghiệp và người lao động Trung Quốc”.

Hầu hết các nhà kinh tế học và chuyên gia chính sách khắp thế giới đều trông đợi TPP và TPA sẽ có lợi cho tất cả các nước tham gia. Vì lẽ đó, đây sẽ là một thắng lợi lịch sử.

Có lẽ chương trình xoay trục sang châu Á bị đình trệ từ lâu sẽ được tái khởi động và sẽ là một tiền lệ ấn tượng của Tổng thống Obama.

Nhìn lại lịch sử một chút sẽ thấy ý định xuyên suốt của chính sách tái cân bằng của Mỹ. Tháng 12-2009, chính quyền Tổng thống Obama bắt đầu tham gia đàm phán TPP.

Tháng 7-2010, bà Hillary Clinton, khi đó đang là ngoại trưởng, đã có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Việt Nam, công bố cam kết mở rộng của Mỹ cho khu vực này. Đồng thời, nước Mỹ cũng bắt đầu tự giải thoát mình khỏi vũng lầy của hai cuộc chiến kéo dài ở Trung Đông.

Chương trình xoay trục sang châu Á hay tái cân bằng được khởi động làm tâm điểm trong chính sách ngoại giao của ông Obama.

Tháng 11-2012 tại Úc, bà Hillary Clinton lại nhắc đến TPP như “một chuẩn mực vàng của các thỏa thuận thương mại”, dự định sẽ lấy đó làm mô hình nhân rộng cho các khu vực khác. Chương trình xoay trục sang châu Á không chỉ tập trung vào an ninh mà còn cả thương mại, một phần là để đối trọng với lợi ích và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Cho và nhận

Giờ đây, Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb đã bay tới Hawaii với tâm thế rất tự tin về việc đạt được thỏa thuận.

“Chúng tôi đã đến được rất gần (thỏa thuận về TPP) và tôi cảm thấy chúng tôi đang vào vài vấn đề cuối cùng. Mọi người dường như đến đây với tâm thế cố gắng kết thúc vấn đề và tôi rất hi vọng đến cuối tuần này chúng tôi sẽ đạt điều mà tôi nghĩ là thỏa thuận thương mại tốt nhất kể từ vòng đàm phán Uruguay cách đây 20 năm”.

Ông Robb cũng mạnh mẽ bác bỏ những chỉ trích cho rằng các cuộc đàm phán TPP đã được che đậy bí mật, và cam kết các chi tiết của thỏa thuận TPP có thể được công bố ngay trong buổi họp báo của các bộ trưởng vào cuối tuần.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cũng đã nhận định hôm 24-7 trước các nhà báo rằng “cuộc họp này (ngày 28-7) sẽ là cực kỳ quan trọng để quyết định số phận của các cuộc đàm phán TPP. Tôi tin rằng đại diện các quốc gia sẽ đến với cuộc họp với quyết tâm mạnh mẽ theo kiểu đây là cuộc họp cuối cùng”.

Các bên tham gia đàm phán đều hiểu rằng nếu không đạt được những điều chắc chắn thì quá trình đàm phán tiếp theo sẽ rất khó khăn khi chính trường Mỹ bắt đầu tập trung cho cuộc bầu cử tổng thống mới.

Nhưng ngay cả khi các nhà thương thuyết đạt được thỏa thuận, nó vẫn sẽ phải đi qua quá trình phê chuẩn ở mỗi nước, bao gồm cả ở Thượng viện Mỹ.

Gần đây, ông Charles Morrison, chủ tịch của Trung tâm Đông - Tây ở Hawaii, nói rằng kết quả đàm phán có thể sẽ làm thất vọng một số nhóm doanh nghiệp, những nhà hoạt động môi trường... Nhưng nếu không có “cho đi” thì sẽ không có “nhận về” trong bất kỳ cuộc thương thuyết nào.

Ông Morrison nhận định rằng không đạt được một thỏa thuận thì người tiêu dùng ở nhiều nước sẽ không được hưởng những lợi ích như chi phí thấp hơn, thương mại hữu hiệu hơn.

TERRY F. BUSS (viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ)

Việt Nam có lợi nhất?

Các nước tham gia TPP bao gồm Nhật, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru và Mỹ, tổng cộng chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu với 800 triệu người tiêu dùng.

TPP là hiệp định thương mại đa phương nhằm thiết lập một mặt bằng thương mại tự do (cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ các hàng rào thương mại) giữa các quốc gia thành viên và người ta tin rằng điều đó sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia thành viên của TPP tăng trưởng.

Một nghiên cứu về lợi ích của TPP cho biết Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong các quốc gia tham gia TPP.

Nhờ TPP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng khoảng 28%, GDP sẽ tăng khoảng 11%. Theo khảo sát do Viện Nghiên cứu PEW của Mỹ công bố ngày 23-6, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người dân ủng hộ TPP nhiều nhất, với 89% số người cho rằng đây là một thỏa thuận hứa hẹn.

Thúy Đào

tuổi trẻ







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Maersk: Vận tải biển quốc tế gặp khó vì Houthi mở rộng phạm vi tấn công tàu hàng

Theo thông báo của Maersk gửi tới khách hàng được Thời báo New York đăng tải, các tàu vận tải hiện đối mặt với phạm vi nguy hiểm mở rộng, khiến việc giao hàng thêm...

Hậu COVID-19, 3 đại gia vắc-xin làm ăn ra sao?

AstraZeneca báo cáo lợi nhuận sau thuế 2.18 tỷ USD trong quý đầu tiên năm 2024, tăng đáng kể so với mức 1.8 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Đà tăng trưởng này có được...

Châu Âu và "ván cược" ngành chip lần hai

Từng là trung tâm của ngành chip toàn cầu những năm 90, châu Âu giờ đã tụt hậu đáng kể trong ngành so với Mỹ hay các nền kinh tế châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Warren Buffett: Thuế doanh nghiệp có thể tăng để giải quyết thâm hụt ngân sách

Tỷ phú Warren Buffett cho biết thuế doanh nghiệp tại Mỹ có thể sẽ tăng khi các nhà lập pháp tìm cách giảm thâm hụt liên bang.

Mỹ tạo ít việc làm hơn dự báo, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3.9%

Nền kinh tế Mỹ có thêm ít việc làm hơn dự báo trong tháng 4/2024, chấm dứt chuỗi tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trước đó - một yếu tố đã khiến Fed phải tỏ ra cẩn...

OECD nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới

OECD đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới, nhờ sự phục hồi mạnh của kinh tế Mỹ, trong lúc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tụt lại...

Sàn giao dịch điện nở rộ, thu hút nhà đầu tư

Thị trường điện châu Âu có những bước tiến tự do hóa xa hơn. Hợp đồng điện tương lai được giao dịch rộng rãi, ước tính có quy mô gấp bảy lần quy mô thị trường giao...

"Ông lớn" dược phẩm Pfizer với cái kết hậu COVID-19

Giám đốc tài chính của Pfizer bày tỏ hài lòng về mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ 11% của các sản phẩm không liên quan tới COVID-19 trong quý vừa qua của công ty...

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ lên 6,8%

IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại từ 6,5% (được đưa ra hồi tháng Một) lên mức 6,8%, chủ yếu nhờ đầu tư công.

Chủ tịch Jerome Powell: Fed khó nâng lãi suất trở lại

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng lạm phát vẫn còn quá cao và Fed không cảm thấy tự tin về tiến triển lạm phát.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98