Cuộc chiến bán lẻ hàng điện tử, khi “ông lớn” FPT và CMG đuối sức

11/08/2015 09:29
11-08-2015 09:29:49+07:00

Cuộc chiến bán lẻ hàng điện tử, khi “ông lớn” FPT và CMG đuối sức

Được đánh giá là thị trường tiềm năng, với dân số trên 90 triệu dân, GPD bình quân 2,000 USD/người, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và sôi động. Tuy nhiên đây cũng sẽ là cuộc chiến vô cùng khốc liệt, rủi ro không hề nhỏ và đã có những “ông lớn" dần đuối sức…

Theo cam kết gia nhập WTO, kể từ ngày 1/11/2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời năm 2015 là năm khu vực kinh tế chung ASEAN chính thức có hiệu lực cho phép hàng hóa, vốn, nhân lực… được tự do dịch chuyển. Bên cạnh đó, với hiệp định TPP khi mà 12 quốc gia tham gia đang đàm phán ký kết, hơn 10,000 hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ thuế quan. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hoạt động bán lẻ, phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam.

Với sản phẩm công nghệ, đặc thù cải tiến và đổi mới từng ngày từng giờ và trong khi công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài còn cần chờ một thời gian nữa mới được phép thành lập thì xu hướng sáp nhập và thâu tóm của đại gia ngoại trong phân khúc này đang được hình thành rõ nét nhất. Có thể thấy từ đầu năm 2015, một số tập đoàn ngoại đã “tấn công” các “ông lớn” Việt như Central Group của Thái Lan đã mua 49% cổ phần CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT – đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim với 21 siêu thị điện máy trên cả nước. Cũng chính tập đoàn Thái này thâu tóm hệ thống điện máy Pico của Việt Nam – Nhà bán lẻ điện máy lớn nhất Hà Nội và nằm trong top 10 nhà bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam. Cùng với đó, báo chí đã đưa tin ít nhiều về khả năng sẽ có thêm một “đại gia” điện máy sẽ bị thâu tóm và liệt kê những tên tuổi như HC, Trần Anh (TAG)....

* Ngành nhựa Việt đang bị “ đại gia ” Thái chiếm lĩnh như thế nào?

Kỳ vọng gì khi dứt tình với bán lẻ?

Nổi bật nhất là động thái của FPT khi chính thức tuyên bố tách riêng hai mảng FPT Retail (bán lẻ) và FPT Trading (phân phối) và sẽ là cơ hội để xem xét khả năng bán mảng Retail.

“Mảng Retail được đánh giá vẫn có tốc độ tăng trưởng cao nhưng so với trước thì tỷ trọng của mảng này mang lại cho FPT đã giảm. Về lâu dài, mảng Retail sẽ gặp phải sự cạnh tranh đến từ nhiều đối thủ và không đạt được tốc độ tăng trưởng như mảng công nghệ”, lãnh đạo FPT cho hay tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 tháng 4 vừa qua khi nói về kế hoạch tách mảng.

Trong những năm qua, mảng Trading và Retail chiếm trung bình trên 60% tổng doanh thu nhưng chỉ khoảng 24% tổng lợi nhuận của FPT. Tốc độ tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận xấp xỉ 15%/năm.

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế mảng phân phối và bán lẻ của FPT
giai đoạn 2011-2015 (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn số liệu: Báo cáo thường niên FPT giai đoạn 2010-2014

Với hoạt động phân phối, FPT sở hữu 100% vốn Công ty TNHH Thương mại FPT chuyên sản xuất và phân phối các linh kiện công nghệ thông tin, điện thoại di động, chế tạo máy tính. Đối với hoạt động bán lẻ có CTCP bán lẻ Kỹ thuật số FPT chuyên bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm, thiết bị viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông, đến cuối năm 2014, FPT đã góp 127.5 tỷ trên tổng số 250 tỷ đồng dự kiến đầu tư vào đây.

Theo tính toán nếu như loại bỏ hoạt động phân phối và bán lẻ trong doanh thu thì FPT sẽ còn 2 mảng kinh doanh chính là viễn thông và công nghệ chiếm trên 90% tổng doanh thu và lợi nhuận.

Đổi lại, FPT kỳ vọng có thể sẽ thu về một khoản tiền không nhỏ nếu như bán Retail đi bởi FPT cho rằng mảng này vẫn trong đà tăng trưởng. Tuy tăng trưởng doanh thu mạnh với 186% trong năm 2014 nhưng tốc độ tăng sẽ giảm xuống còn 78% theo kế hoạch 2015. FPT có 163 cửa hàng tại 63 tỉnh thành trên cả nước vào cuối năm 2014, hầu hết các cửa hàng đều tọa lạc tại những địa điểm trung tâm và có mặt tiền lớn.

Tuy chưa tiết lộ đối tác nào sẽ thế chân FPT trong mảng Retail nhưng cũng có thể thấy sự “chia tay” với Retail đang dần được định hình ở những kế hoạch đầu tư phát triển. Kế hoạch đầu tư năm 2015 của FPT tập trung cho hoạt động viễn thông 1,400 tỷ, công nghệ 400 tỷ, giáo dục và khác 231 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục với mục tiêu M&A từ 1-2 thương vụ tập trung vào các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin  cho các ngành công ích, viễn thông, ngân hàng, thương mại, sản xuất…

Từ bỏ tham vọng vì quá rủi ro

Một ông lớn khác cũng cho thấy sự chuyển dịch trong hoạt động kinh doanh ngành công nghệ là CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG). Không thuận lợi như FPT, hoạt động phân phối trong những năm gần đây của CMG thật đáng thất vọng khi mà lợi nhuận mảng này âm liên tiếp và là nguyên nhân chính khiến công ty không hoàn thành kế hoạch.

Gốc rễ từ một doanh nghiệp chuyên môn dịch vụ tích hợp, phần mềm, viễn thông và là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về các lĩnh vực này tại Việt Nam từ trước năm 2000. CMG cung cấp các giải pháp tích hợp hạ tầng trọng điểm và ứng dụng công nghệ thông tin cho Chính phủ, phủ sóng tại tất cả các ngân hàng thương mại khu vực phía Nam. Qua các năm, những lĩnh vực này luôn có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Cuối năm 2007, CMG tham gia thị trường phân phối với định hướng hợp tác lâu dài cùng các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin – vi tính (CNTT-VT) hàng đầu thế giới, thành lập Công ty TNHH Phân phối CMC – CMC Distribution với vốn điều lệ 100 tỷ đồng do CMG sở hữu 100%. CMC Distribution phân phối máy tính thương hiệu Toshiba, Lenovo, HP, máy in của Fuji Xerox… Kết quả những năm đầu 2008 và 2009 khá khả quan khi doanh thu tăng từ 609 lên gần 1,800 tỷ đồng; lợi nhuận đạt lần lượt 25 và 52 tỷ đồng.

Tiếp nối thành công, năm 2010, CMC thiết lập hệ thống “Kênh phân phối gắn kết” với hơn 250 đại lý phân phối sản phẩm CNTT-VT và hơn 300 đại lý phân phối điện thoại di động khắp cả nước. Tuy nhiên, kết quả năm 2010 không như mong đợi khi mà doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận ghi nhận con số âm đầu tiên - hơn 6 tỷ đồng. Và liên tiếp 4 năm sau đó (2010-2013), không những CMG không có được đồng lợi nhuận nào từ hoạt động phân phối mà lỗ còn ăn mòn kết quả của những lĩnh vực khác.

Lợi nhuận mảng phân phối và tổng lợi nhuận giai đoạn 2010-2015 (Đvt: Tỷ đồng)

Liên tiếp 4 năm 2010-2013 CMG lỗ trong hoạt động phân phối và ăn mòn vào kết quả của những lĩnh vực khác.

Hoạt động phân phối cạnh tranh vô cùng khốc liệt, tỷ lệ biên lợi nhuận thấp và rủi ro cao. Đặc biệt là rủi ro từ hàng tồn kho, khi có đợt cạnh tranh về giá, các đơn vị sẽ tranh nhau phá giá, nếu ai không có khả năng chịu lỗ khi hạ giá bán thì buộc phải rời bỏ thị trường hoặc bán cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Trung Chính – Phó Chủ tịch HĐQT CMG chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của CMG.

CMG đã dịch chuyển từ thương mại sang những dịch vụ cơ bản dựa vào công nghệ, dịch vụ, giải pháp phần mềm. Và năm 2014 ghi nhận thành tích trở lại với 118 tỷ đồng lợi nhuận, kéo giảm lỗ lũy kế từ hơn 116 tỷ thành 15 tỷ đồng.

Theo ông Chính, một trong những rủi ro của lĩnh vực phân phối là nhà sản xuất bán hàng xong rồi “bỏ của chạy lấy người”. Khi đó, công ty “ôm” những hàng hóa chất lượng kém. Ngoài ra, rủi ro cũng có thể xảy ra khi nhà sản xuất vừa bán xong hàng cho công ty thì chỉ trong ngày mai, đối mặt với quá nhiều nhà phân phối, họ tự giảm giá và bán ra ngoài thị trường cạnh tranh với chính CMG.

Trần Hạnh







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (4)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

ĐHĐCĐ BAF: Đại diện IFC tham gia HĐQT, mục tiêu lãi 306 tỷ đồng

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra vào sáng ngày 26/04, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) dự báo có năm kinh doanh thuận lợi, dựa trên việc tổng đàn tăng...

ZaloPay ra mắt giải pháp tăng cường trải nghiệm khách hàng, triển khai đầu tiên cùng The Pizza Company

Nắm bắt lợi thế và tiềm năng của mã thanh toán ZaloPay QR Đa Năng, ZaloPay tiếp tục cho ra đời giải pháp mới, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối hiệu quả với các khách...

TGĐ Nguyễn Văn Bản (FIT): Tương lai tập trung vào dự án bất động sản trung và cao cấp

Không lâu sau khi tổ chức bất thành ĐHĐCĐ thường niên 2024, CTCP Tập đoàn F.I.T (HOSE: FIT) đã tổ chức lại thành công vào sáng ngày 26/04. Các vấn đề thị giá cổ...

ĐHĐCĐ Vietbank: Phấn đấu lãi hơn ngàn tỷ, chia cổ tức 25%, niêm yết HOSE

Sáng ngày 26/04/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, tăng vốn...

Thiếu tỷ lệ tham dự, ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 1 của PET bất thành

Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (HOSE: PET) không thể tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2024 theo kế hoạch vào ngày 26/04, do tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự...

ĐHĐCĐ VietABank: Lợi nhuận quý 1 khoảng 258 tỷ đồng

Sáng 26/04, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, UPCoM: VAB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 để thảo luận, thông qua các tờ trình quan trọng như kế hoạch kinh...

Chủ tịch PDR: Hé lộ đối tác mua đứt block B1 dự án Astral City ở Bình Dương

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức sáng 26/04, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) hé lộ kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường trong năm...

ĐHĐCĐ HDBank: Kế hoạch tăng trưởng năm thứ 12 liên tiếp

Sáng 26/04, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HOSE: HDB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 để thảo luận về kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận và...

ĐHĐCĐ IDC: Kế hoạch chuyển sàn qua HOSE, duy trì cổ tức bằng tiền tỷ lệ 40% trong bao lâu?

Sáng 26/04, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tổng Công ty IDICO – CTCP (HNX: IDC) diễn ra nhằm thông qua kế hoạch lãi trước thuế hơn 2,500 tỷ đồng, cổ tức năm 2023 bằng...

ĐHĐCĐ Eximbank: Chủ tịch Bamboo Capital vào HĐQT

Sáng 26/04, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, tăng vốn, dời trụ sở...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98