Doanh nghiệp nông nghiệp chật vật thoái vốn

03/08/2015 14:35
03-08-2015 14:35:00+07:00

Doanh nghiệp nông nghiệp chật vật thoái vốn

Trong công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ngành nông nghiệp hiện nay, thoái vốn là một trong những khâu khiến không ít DN “ngán” nhất bởi nhiều khi DN mặn mà bán phần vốn Nhà nước mà chẳng đối tác nào “thèm” mua.

Một trong những lý do khiến DNNN không thoái nổi vốn là bởi xác định giá trị DN quá cao. Ảnh: Trần Việt

Bộ NN&PTNT hiện đang được giao đại diện chủ sỡ hữu vốn Nhà nước tại 10 công ty mẹ và các tập đoàn, tổng công ty; 4 công ty TNHH một thành viên độc lập và 8 công ty cổ phần.

Tại thời điểm ngày 31-12-2014, tổng số vốn chủ sở hữu là 57.624 tỷ đồng, tăng hơn 3,7% so với năm 2013. Doanh thu thực hiện 42.391 tỷ đồng, đạt trên 99% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 867 tỷ đồng, đạt gần 64% kế hoạch.

Trong số các đơn vị Bộ NN&PTNT được giao đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước, tổng số nguồn vốn chủ sở hữu của các tập đoàn và tổng công ty năm 2014 là trên 50.761 tỷ đồng; các Công ty TNHH 100% vốn Nhà nước là trên 2.172 tỷ đồng.

Vắng nhà đầu tư

Theo Quyết định số 916/QĐ-BNN-QLDN ngày 2-6-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giao cho 13 tập đoàn, tổng công ty thoái vốn 2.274 tỷ đồng, thực tế các đơn vị này đăng ký thoái vốn lên tới 5.026 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy: Đến ngày 30-6, các đơn vị đã thực hiện thoái vốn theo sổ sách được 1.718 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch so với Quyết định số 916/QĐ-BNN-QLDN và 34% so với kế hoạch thoái vốn các đơn vị đã đăng ký, giá trị thu về 1.825 tỷ đồng. Dự kiến, số vốn các đơn vị vẫn tiếp tục thoái là 3.308 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện tái cơ cấu DNNN 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 30-7, ông Đỗ Văn Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Công tác thoái vốn ngoài ngành, bán tiếp phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần hiện còn chậm theo kế hoạch được phê duyệt. Việc thoái vốn khỏi những ngành nghề kinh doanh không phải là ngành nghề chính gặp khá nhiều khó khăn.

“Đặc biệt, giá trị cổ phiếu đối với các DN trong lĩnh vực nông nghiệp thấp, giá cổ phần chào bán còn thấp hơn mệnh giá, thậm chí khi chào bán cũng không có nhà đầu tư nào mua nên ảnh hưởng đến việc thoái vốn. Việc thoái vốn đầu tư tại các DN kinh doanh thua lỗ cũng gặp nhiều khó khăn mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6-3-2014 nêu ra một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các DN”, ông Nam nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Lê Thế Chỉ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) chia sẻ, Vinacafe cần thoái vốn tại 6 công ty cổ phần với số vốn chỉ khoảng 40 tỷ đồng, tuy nhiên, việc thoái vốn rất khó khăn. Đó là bởi mặc dù số vốn ít nhưng không có nhà đầu tư nào chấp nhận mua. Đối với các DN này, đến giờ Tổng công ty đã tiến hành đầy đủ các bước, từ xác định giá trị DN đến công bố chào bán nhưng hầu như không có nhà đầu tư tham gia.

Theo ông Chỉ, một trong những nguyên do khiến việc thoái vốn chật vật là bởi giá trị DN được xác định quá cao. Tại một số DN, Vinacafe đang dự tính sẽ cho xác định lại giá trị DN với mức hợp lý hơn để vận động cán bộ, công nhân viên trong công ty mua.

Xung quanh câu chuyện thoái vốn, ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc cho biết: Hiện đơn vị này đang gặp khó khăn trong thoái vốn tại các DN mà giá trị chào bán dưới giá trị xác định trong sổ sách. Hiện nay, đã có 6 DN hoàn tất các thủ tục chào bán để thoái vốn nhưng chưa thành công. Hoạt động của các DN này ngày một xấu hơn, nên mặc dù sau hai lần giảm giá xuống chỉ còn khoảng 80% giá trị xác định trong sổ sách, các DN này vẫn không thu hút được nhà đầu tư.

“Hoạt động thoái vốn tại các dự án của các công ty con trực thuộc Tổng công ty có giá trị dự án dưới giá vốn đầu tư hiện nay cũng rất chật vật. Bởi luật chỉ quy định về vấn đề chào bán tài sản thôi chứ chưa có quy định cho bán dự án. Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn về vấn đề này để đơn vị thực hiện”, ông Quế nói.

Sẵn sàng gỡ vướng

Cũng vấp phải vấn đề thoái vốn, đại diện Tổng công ty Lâm nghiệp miền Nam cho biết: Tổng công ty có 7 công ty cổ phần giống mà tháng 3-2010 Bộ NN&PTNT đã giao phần vốn Nhà nước về cho Tổng công ty quản lý. 7 DN này đang có 6.300 ha rừng giữ hộ Nhà nước, địa phương, không thuộc tài sản của các công ty nhưng không được cấp nguồn kinh phí để chăm sóc, gìn giữ. Đến nay, Tổng công ty đã đề nghị thoái vốn ở 4 công ty giống không có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, khó khăn cũng từ việc DN giữ hộ 6.300 ha rừng của Nhà nước mà ra bởi DN không biết giải quyết như thế nào đối với diện tích này.

Đáp lại băn khoăn của các DN trong vấn đề thoái vốn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ tích cực, thường xuyên xem xét kỹ lưỡng các vấn đề để nhanh chóng tháo gỡ. Riêng vướng mắc của Tổng công ty Lâm nghiệp miền Nam về việc các công ty cổ phần phải giữ 6.300 ha rừng hộ Nhà nước, gây khó khăn cho quá trình thoái vốn, Bộ trưởng giao Tổng cục Lâm nghiệp tìm hiểu, làm rõ vấn đề để đưa ra phương án xử lý cho phù hợp. “Quan điểm của Bộ là trước đây Bộ giao đất, giao rừng cho DN quản lý để DN hưởng lợi, nếu đến nay DN cảm thấy không còn nhiều lợi ích, thậm chí phiền hà khi phải giữ thì Bộ cũng sẵn sàng thu lại, giao về các địa phương để địa phương giao lại cho người dân trông nom, hưởng lợi”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng: Trong quá trình tái cơ cấu DN Nhà nước nói chung, công tác thoái vốn của các DN nói riêng, khi có bất kỳ khúc mắc gì liên quan tới lĩnh vực tài chính, các DN cần có báo cáo chi tiết, cụ thể gửi Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT) để tổng hợp, nắm bắt chung, sau đó Vụ Quản lý DN sẽ làm việc trực tiếp với Cục Tài chính DN để kịp thời tháo gỡ. Tinh thần từ Bộ Tài chính là sẵn sàng lắng nghe, hợp tác nhằm tháo gỡ nhanh nhất cho DN.

Đối với riêng vấn đề của Tổng công ty Lương thực miền Bắc về việc thoái vốn tại các dự án các công ty con của Tổng công ty đã đầu tư, ông Tiến khẳng định, đã có những DN từng xử lý tình huống tương tự. Trong trường hợp phần vốn Nhà nước gắn với từng dự án đầu tư, Tổng công ty Lương thực miền Bắc cần có báo cáo cụ thể để Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT) và Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) bàn bạc, tìm cách giải quyết, thậm chí phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đỗ Văn Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT):

Muốn thúc đẩy thoái vốn phải hút nhà đầu tư chiến lược

Hiện tại một số DN 100% vốn Nhà nước, có vốn góp tại các DN khác, tuy nhiên các DN khác này (đặc biệt là DN mà Nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ) lại làm ăn thua lỗ, dẫn đến việc mất hết vốn Nhà nước. Khi thực hiện tái cơ cấu tại các DN khác này rất khó khăn.

Cụ thể, thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước thì không còn vốn để thoái. Thực hiện phá sản hoặc giải thể theo quy định của Luật DN thì vướng mắc do cổ đông khác dùng quyền phủ quyết của mình không thống nhất việc giải thể hoặc phá sản DN. Như vậy ảnh hưởng đến kết quả thoái vốn theo Đề án tái cơ cấu của DN đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Để đẩy nhanh công tác thoái vốn, việc thoái vốn nhất thiết cần gắn với thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng để tham gia quản trị DN, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.


Thanh Nguyễn

hải quan





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Khẩn trương phân bổ, giải ngân vốn các dự án giao thông trọng điểm

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 4426/BTC-VĐT gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND các...

Phó Thủ tướng: Không đề xuất xử lý những dự án BOT do 'lỗi' của doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông; kiên quyết không đề xuất xử lý những dự án do nguyên...

Thủy điện có còn dư địa để phát triển hay sẽ sớm bị thay thế?

Theo các chuyên gia năng lượng, với nguồn thủy điện dồi dào, Việt Nam có thể tiếp tục khai thác tối đa với tổng công suất đạt từ 30.000-38.000MW và điện năng có thể...

Người Việt Nam đánh giá cao du lịch bền vững

Hầu hết du khách Việt Nam được khảo sát đều đồng ý du lịch bền vững rất quan trọng và mong muốn hành trình của mình thân thiện với môi trường hơn trong năm tới.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt...

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng kháng cáo

Sau khoảng hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Những điểm đáng chú ý trong Dự thảo về Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp

Dự thảo Nghị định DPPA tập trung vào việc mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua đường dây truyền tải riêng; giữa đơn vị phát điện và...

Thị trường tín chỉ carbon TP.HCM và những câu hỏi

Nắng nóng bao vây con người mọi lúc mọi nơi. Chưa bao giờ mà người dân khắp cả nước trải qua một kỳ nghỉ lễ 30/04-01/05… cháy bỏng như năm nay. Điều này đã thật sự...

4 tháng đầu năm 2024, cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công hơn 115,000 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tháng 3, ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2024.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98