Kinh tế không bị ảnh hưởng nhiều bởi tỷ giá nhân dân tệ

31/08/2015 16:15
31-08-2015 16:15:51+07:00

Kinh tế không bị ảnh hưởng nhiều bởi tỷ giá nhân dân tệ

Thị trường tiền tệ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung không bị ảnh hưởng “trực tiếp, và nhiều” do việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) vừa qua, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

 

Trung Quốc giảm giá NDT được cho là không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế VN. Ảnh TL.

Trong báo cáo phục vụ phiên họp Chính phủ tháng 8, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định rằng các tác động là không lớn dựa trên giả thiết là từ nay tới cuối năm NDT không bị phá giá mạnh hơn nữa (dự báo NDT dao động trong khoảng 6,3% - 6,5%).

Tuy nhiên, Ủy ban cũng nhận định thêm, nhận định này còn tùy thuộc liệu sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, số liệu thống kê có minh bạch, chính xác hay không.

Vì thế, báo cáo khuyến nghị, Việt Nam chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế - xã hội; và cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe của kinh tế Trung Quốc cũng như chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ của Trung Quốc để có phản ứng chính sách thích hợp.

Ủy ban dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 vẫn đạt và vượt mục tiêu (6,2%), tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô.

Ủy ban đánh giá hai lần điều chỉnh tỷ giá của NHNN trong tháng 8 làm lạm phát có thể tăng thêm xấp xỉ 0,2 điểm phần trăm, là mức tăng không đáng kể. Do đó, Ủy ban giữ nguyên dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% và lạm phát (tổng thể) thấp hơn 3%.

Trên thị trường ngoại hối, trước việc NDT mất giá 2,9% trong tuần thứ 2 của tháng 8, NHNN đã chủ động nới biên độ tỷ giá lên 2% ngay trong tuần và lên 3%, cùng với điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1%, trong tuần tiếp theo.

Theo đó, tỷ giá thị trường chính thức cũng tăng 1,3% trong tuần thứ 2 và 1,7% trong tuần tiếp theo (tổng cộng là 3%). Mức tăng trên bằng với mức mất giá của NDT cũng như mức mất giá trung bình của đồng tiền của 8 nền kinh tế châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Singapore, Phillipine, Malaysia, Thái Lan và Indonesia) trong tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8.

Ủy ban khẳng định: Động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN được coi là nhanh nhạy, tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ cho cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam cũng như hỗ trợ tâm lý cho thị trường.

Về khu vực tài chính, Ủy ban khẳng định, khu vực ngân hàng ổn định thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt, trích lập dự phòng rủi ro tăng.

Tính tới 10-8-2015, tổng tín dụng đối với nền kinh tế (cho vay doanh nghiệp, cá nhân, và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 8,3% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,7% của 7 tháng đầu năm 2014.

Hiện tại, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) duy trì ở mức dưới 80%; đối với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức dưới 85%. Những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng khá, biên lãi suất NIM (chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay) tăng nhẹ, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến khả năng sinh lời của khối ngân hàng thương mại giảm.

Về thị trường chứng khoán, Ủy ban nhận định, dù suy giảm nhưng thị trường có cơ sở để phục hồi. Lý do chính là nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được những cân đối lớn về thương mại, đầu tư và ít chịu tác động tiêu cực như các quốc gia mới nổi khác.

Bên cạnh đó, doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2015. Mức giá trị nhiều cổ phiếu trở nên hấp dẫn với P/E bình quân thị trường về khoảng 10,6 lần.

Yếu tố tiếp theo, theo Ủy ban, là các chính sách phát triển thị trường chứng khoán (thông tư 123/2015/BTC) đang được triển khai đúng tiến độ.

Tuy nhiên, phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) trên thị trường sơ cấp vẫn gặp nhiều khó khăn. Phát hành trái phiếu Kho bạc Nhà nước từ đầu năm đến nay chỉ đạt xấp xỉ 94.300 tỉ đồng, tương đương 37,7% kế hoạch cả năm. Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá USD/VND, tỷ lệ trúng thầu TPCP đã giảm mạnh. Tỷ lệ trúng thầu TPCP kỳ hạn 5 năm giảm từ mức 50%-100% (giai đoạn 23-6 đến 12-8) xuống mức dưới 32% (từ 13-8).

Với việc tỷ lệ trúng thầu xuống mức rất thấp trong các tuần gần đây, Kho bạc Nhà nước cần có những điều chỉnh để đẩy mạnh phát hành TPCP trong 4 tháng còn lại của năm.

Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 9,9% (so với cùng kỳ 2014), cao hơn nhiều so với mức 6,3% của cùng kỳ năm 2014. Trong đó IIP ngành công nghiệp chế biến-chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2013, 2014 lần lượt tăng 6,5% và 8,1%). Chỉ số mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 52,6 điểm, tăng nhẹ so với mức 52,2 điểm của tháng 6 và cao hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm là 52,4 điểm.

Tuy nhiên, Ủy ban cũng lưu ý, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu, rộng và quy mô thị trường tài chính thế giới cao gấp 4-5 lần quy mô nền kinh tế thực, tâm lý thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu phần lớn các nhà kinh doanh, đầu tư có cùng cảm nhận và phản ứng cùng chiều thì sẽ tạo thành một lực cung - cầu rất lớn, có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát của các chính phủ.

Ủy ban khuyến nghị: cùng với việc theo dõi sức khỏe của kinh tế thế giới cần theo dõi hàng ngày diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới. Mặt khác, các cơ quan hoạch định chính sách cần xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó để tránh thụ động.

Tư Hoàng

tbktsg



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

PMI tháng 4/2024: Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản suất tăng mạnh trở lại

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index (PMI) - ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong...

Quốc hội họp bất thường vào chiều 2/5 xem xét nội dung nhân sự

Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 02/05/2024, để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Cung ứng điện đảm bảo dù phụ tải liên tục tăng cao

Dù phải đối mặt với tình trạng phụ tải hệ thống tăng cao nhưng với sự chuẩn bị từ trước đó và vận hành linh hoạt nên tình hình cung ứng điện tuần qua vẫn tiếp tục...

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; cơ chế...

TP.HCM: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng

Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng nhóm giao thông tăng cao nhất chủ yếu do giá xăng tăng.

CPI tháng 4 tăng 0.07% so với tháng trước

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho thấy, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0.07%...

Trung ương đồng ý ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội

Trung ương họp bất thường đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi giữ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, theo nguyện vọng...

Thủ tướng: Mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Theo Thủ tướng, nhân lực cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của...

“Nghịch lý” trong chỉ số Par Index của TP.HCM

Bộ chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2023 (Par Index 2023) vừa được công bố. Ở cấp độ chỉ số tổng hợp, TP.HCM tăng 3 bậc, đạt 86.97%, thuộc nhóm B – nhóm gồm...

HSBC: Thiên thời cho nền kinh tế số ASEAN

Nền kinh tế số ASEAN đang bước vào giai đoạn tươi sáng mới. Tuy vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần áp dụng chiến lược thông minh để có thể gặt hái quả...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98