Hành xử thế nào với ODA?

03/09/2015 13:25
03-09-2015 13:25:00+07:00

Hành xử thế nào với ODA?

Cần xây dựng hệ thống pháp luật về ODA phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế.

Cách đây 22 năm (năm 1993), sau khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài chính quốc tế, Việt Nam đã chính thức khơi thông được kênh huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Dù những đóng góp cho nguồn vốn này cho kinh tế đất nước trong hơn 2 thập kỷ qua là không thể phủ nhận, nhưng chặng đường đã qua cũng ghi nhận những dự án thất bại, những dự án có chi phí cuối cùng không hề rẻ, bất chấp một trong những ưu thế chính của vốn ODA là thời gian vay dài, lãi suất thấp.

Việt Nam cần lựa chọn những ODA có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả kinh tế - xã hội cụ thể

Rẻ hóa đắt

Nhiều ví dụ điển hình về chuyện vay ODA “rẻ mà hóa đắt” có thể kể đến, như dự án trích dầu cám ở Bến Tre, dự án dây chuyền dệt bao đay ở TP. Hồ Chí Minh (vay vốn ODA Ấn Độ), do công nghệ lạc hậu, không có nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm nên sau khi bàn giao đã hoàn toàn không vận hành được. Hay dự án chương trình phát triển dâu tơ tằm ở Lâm Đồng, vay vốn ODA Italia, cũng thất bại do sản phẩm không cạnh tranh được trên thị trường. Dự án cấp nước sạch ở Kon Tum, Yên Bái, vay vốn ODA Pháp, không hiệu quả khi chỉ sử dụng được 1/3 công suất thiết kế…

Theo TS. Nguyễn Thành Đô, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), đó mới chỉ là những trường hợp xảy ra ở kênh vay và cho vay lại ODA (kênh này chỉ chiếm khoảng 30% nguồn vốn ODA vào Việt Nam). Còn ở kênh ngân sách cấp phát - nơi ODA chảy qua chiếm 70% - thì hầu như chưa có đánh giá về các mặt thất bại, trừ việc ở một vài dự án có phát hiện ra một số sai sót hoặc biểu hiện tiêu cực.

Bên cạnh đó, một số dự án khi đi vào triển khai thực tế có mức chi phí tăng cao hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu. Ví dụ, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có dự toán ban đầu là 783 triệu euro (vốn ODA là 653 triệu euro). Song đến tháng 7/2014, dự án này đã phải điều chỉnh bổ sung 393 triệu euro, trong đó phải vay thêm 304,99 triệu euro vốn ODA.

Một trường hợp khác là dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc. Sau 5 năm thi công thì tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng từ 552 triệu USD ban đầu lên 891 triệu USD.

PGS-TS. Nguyễn Ngọc Sơn (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: “Rất khó để đánh giá chính xác những chi phí gia tăng như vậy có thực sự cần thiết hay không. Nhưng trong nhiều trường hợp, có thể nói rằng việc phụ thuộc vào điều khoản ODA khiến cho chi phí gia tăng khó bị kiểm soát và cuối cùng chi phí xây dựng công trình trở nên đắt đỏ hơn so với các công trình tương tự sử dụng vốn vay phi ODA”.

Vẫn cần tận dụng

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, nguồn vốn ODA là rất cần thiết đối với Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế đã qua, cũng như trong thời gian tới. Bởi xét về mặt chi phí, ODA vẫn là nguồn vốn vay rẻ hơn so với vay các nguồn vốn khác như BOT hay nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ.

Do đó, cho dù vốn ODA không thể “ngon, bổ, rẻ” hơn vốn từ ngân sách Nhà nước nhưng xét trong bối cảnh ngân sách luôn trong tình trạng hạn hẹp và Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu vốn lớn, thì đây vẫn là một kênh huy động hữu ích.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, trong một nền kinh tế hoạt động theo nguyên tắc thị trường thì việc vay và sử dụng nguồn vốn nào phải tùy từng trường hợp/dự án và thực lực cụ thể của từng nền kinh tế. Với Việt Nam hiện nay, dù chúng ta đã bước vào ngưỡng nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, việc tiếp tục được vay vốn ODA ưu đãi vẫn cần tận dụng.

Thực tế, nhiều công trình từ vốn vay ODA đã cho thấy rõ hiệu quả đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước và thay đổi bộ mặt, hình ảnh của Việt Nam. Mới đây nhất là các dự án trong ngành giao thông vận tải như: Quốc lộ 1A; đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường xuyên Á TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; cảng biển nước sâu Cái Lân, Tiên Sa; Nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất; cầu Bãi Cháy, Nhật Tân, Mỹ Thuận, Cần Thơ...

Như vậy, vấn đề đặt ra không phải bản chất ODA là “tốt hay xấu”, cần hay không, mà chính việc thu hút, khả năng quy hoạch trong huy động và phân bổ sử dụng, dự toán chi phí cho từng công trình cụ thể, khả năng giám sát, tính minh bạch, khả năng ước tính về sức lan tỏa hay thực hiện quyết liệt tới đâu mới là những yếu tố quan trọng nhất khiến ODA nói chung và trong từng dự án, công trình nói riêng trở nên hiệu quả, để vốn ODA thực sự “rẻ”.

Thay đổi tư duy, cách làm

Để tăng hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn vốn ODA, theo TS. Võ Đại Lược, một trong những điểm mấu chốt là cần có quy hoạch với tầm nhìn dài hạn trong sử dụng vốn ODA, với những cân nhắc hiệu quả kinh tế - xã hội cụ thể cho từng lĩnh vực cần tới nguồn vốn này.

Đồng thời, ODA cần được tập trung vào những vùng thuộc các tuyến phát triển quan trọng của đất nước để có thể tạo ra những cực tăng trưởng có tác động dẫn truyền. Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế quản trị việc sử dụng nguồn vốn ODA theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… để tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng trong các dự án này.

Đồng quan điểm, TS. Đô đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần kiên quyết thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống lãng phí tại các dự án sử dụng vốn ODA. Trong đó, cần đề ra các nguyên tắc lựa chọn dự án ưu tiên sử dụng vốn ODA để tránh đầu tư dàn trải.

Song song với đó, cần làm tốt công tác thẩm định để lựa chọn được các dự án có hiệu quả, tăng cường trách nhiệm của cơ quan thẩm định và cơ quan thực hiện dự án, tránh tình trạng khi dự án đi vào hoạt động kém hiệu quả phải xin gia hạn trả nợ hoặc chuyển trách nhiệm trả nợ cho ngân sách.

Theo các chuyên gia, một điểm quan trọng không kém nữa là đã đến lúc cần mạnh dạn loại bỏ những dự án ODA kém hiệu quả kinh tế - xã hội (như Đà Nẵng đã làm gần đây). Và không chỉ Đà Nẵng, mà Việt Nam cần phải “tốt nghiệp” trong tài trợ ODA, theo đó chỉ lựa chọn và chấp nhận những ODA có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả kinh tế - xã hội cụ thể.

Ngoài ra, trong bối cảnh chính sách và cơ cấu viện trợ có sự thay đổi, khi Việt Nam nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tập trung xây dựng hệ thống pháp luật về ODA phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế. Về lâu dài, cần thiết tiếp tục nâng cao hơn nữa mức tiết kiệm và tỷ lệ đầu tư bằng nguồn vốn trong nước, tăng tỷ lệ vốn đối ứng trong cơ cấu đầu tư của các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA.

Đỗ Lê

thời báo ngân hàng





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Áp lực lạm phát lên chính sách chưa cao và sẽ giảm dần

Mức tăng CPI tuy gần chạm mốc 4,5% mục tiêu, nhưng không quá tiêu cực và áp lực đối với chính sách, bao gồm chính sách tiền tệ, sẽ giảm dần từ quý III/2024.

"Nhiệm vụ của vùng Đông Nam Bộ cao hơn nhiệm vụ của 5 vùng khác của cả nước"

Thủ tướng chỉ đạo, Hội nghị tập trung rà soát các công việc, nhiệm vụ ưu tiên triển khai thực hiện quy hoạch, để triển khai hiệu quả Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai là hết sức quan trọng

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, các bộ, ngành có liên quan đang khẩn trương, gấp rút chuẩn bị và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất để Luật Đất đai...

Họp báo Chính phủ: Kết quả 4 tháng đầu năm tốt hơn cùng kỳ

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận định tình hình KTXH tháng 4 tiếp tục tiếp tục chuyển biến tích cực. Nhìn chung 4 tháng đầu năm 2024...

Thủ tướng yêu cầu không tăng giá vào thời điểm tăng lương

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương mới từ 1-7-2024, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng tích cực

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô 4 tháng cơ bản ổn định, nền kinh tế...

Chính phủ yêu cầu đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong mọi tình huống

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa thế giới và trong nước, chủ động thực hiện theo...

Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động

Sau khi miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ, Quốc hội phân công Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động.

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ

Chiều ngày 2/5, kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV đã diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội để xem xét nội dung công tác nhân sự.

PMI tháng 4/2024: Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản suất tăng mạnh trở lại

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index (PMI) - ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98