"Nợ công của Việt Nam đang từng bước điều chỉnh theo hướng bền vững hơn"

09/07/2016 11:46
09-07-2016 11:46:00+07:00

"Nợ công của Việt Nam đang từng bước điều chỉnh theo hướng bền vững hơn"

Đó là khẳng định của ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại khi trao đổi về vấn đề cơ cấu nợ công Việt Nam hiện nay. Ông cho biết thêm, nợ công là nguồn lực quan trọng để đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế- xã hội đồng bộ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô trong giai đoạn vừa qua cũng như trong thời gian tới đây.

* Dư nợ của Chính phủ hơn 1.8 triệu tỷ đồng

Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trao đổi về câu chuyện nợ công

Tỷ trọng nợ nước ngoài giảm từ 61% xuống còn 43%

Trả lời về cơ cấu nợ công Việt Nam hiện nay, ông Võ Hữu Hiển cho rằng nợ công trong thời gian gần đây được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng nợ công của một số nước châu Âu hiện nay.

Ở Việt Nam, cơ cấu nợ công đến cuối năm 2015 bao gồm nợ Chính phủ chiếm 80.8%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17.8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1.4%.

Trong cơ cấu nợ Chính phủ, tỷ trọng nợ trong nước đang có xu hướng tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015 và tỷ trọng nợ nước ngoài giảm tương ứng từ 61% năm 2011 xuống còn 43% năm 2015, như vậy là phù hợp với Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến 2030.

Về kỳ hạn, với nợ trong nước, chủ yếu phát hành trái phiếu trong nước. Trước đây, do áp lực huy động vốn lớn trong khi thị trường vốn trong nước chưa phát triển, nguồn vay đầu tư trái phiếu Chính phủ (TPCP) chủ yếu là ngân hàng thương mại nên giai đoạn 2011-2013 buộc phải vay với kỳ hạn ngắn dẫn đến áp lực trả nợ trong ngắn hạn tăng lên. Thực hiện Nghị quyết số 78/2014/NQ-QH13 và Nghị quyết số 99/2015/NQ-QH13 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo kéo dài thời hạn phát hành trái phiếu trong nước. Nhờ vậy, từ năm 2014, kỳ hạn đang ở mức 3 năm, đến năm 2015, kéo dài lên 4.4 năm và 6 tháng đầu năm 2016 thì kéo dài lên 5 năm góp phần giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn. Đối với nợ nước ngoài, vay ODA, vay ưu đãi vẫn chiếm tỷ trọng cao (trên 94%) với kỳ hạn còn lại bình quân trên 10 năm.

Về cơ cấu lãi suất, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn trong nước bình quân giảm từ mức 12%/năm vào năm 2011 xuống còn khoảng 6.5% vào năm 2014 và khoảng 6% vào năm 2015. Đối với nợ nước ngoài do các khoản vay ODA, vay ưu đãi chiếm tỷ trọng lớn, lãi suất bình quân tính đến cuối năm 2015 khoảng 2%/năm.

Cơ cấu đồng tiền của danh mục nợ của Chính phủ tập trung vào một số đồng tiền chính bao gồm đồng Việt Nam với tỷ trọng 55%; USD 16%; Yên Nhật 13% và Euro khoảng 7%, còn lại là các đồng tiền khác.

Đánh giá về cơ cấu nợ công, ông Võ Hữu Hiển cho biết thêm, Bộ Tài chính đã phân tích về bền vững nợ công với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và có nhận định rằng cơ cấu nợ công của Việt Nam hiện đang từng bước được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn.

Nợ công đang tăng nhanh lên 62.2% GDP

Hiện nay, theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng khoảng 12.2% GDP, từ mức 50% vào năm 2011 lên 62.2% vào cuối năm 2015. So với mức tăng 9% GDP của giai đoạn 2006-2010 thì khá cao. Như vậy có thể thấy, cơ cấu nợ thì bền vững nhưng dư nợ công lại đang tăng nhanh.

Ông Hiển cho biết, vấn đề nợ công tăng nhanh, nguyên nhân trước tiên là áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2001-2005, đầu tư toàn xã hội bình quân là 39% GDP. Sang giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ này đạt 42.9%GDP. Trong 5 năm 2011-2015, mặc dù mức vốn đầu tư toàn xã hội giảm nhưng vẫn duy trì khoảng 32% GDP. Đầu tư ở mức tương đối cao trong khi tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế cho đầu tư chỉ khoảng 25% GDP dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn vốn cho đầu tư, đồng nghĩa với việc phải đi vay. Việt Nam là một nước đang trong giai đoạn phát triển, cũng như rất nhiều các nước phát triển khác, buộc phải tăng vay nợ cho đầu tư, đặc biệt là các công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ… từ đó khiến quy mô nợ công tăng lên.

Xét trên khía cạnh khác, đó là bối cảnh kinh tế giai đoạn 2011-2015 không thuận lợi, đặc biệt là việc điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả giai đoạn từ mức bình quân 7-7.5%/năm xuống 6.5-7.0%/năm cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tăng trưởng - cơ sở để tính toán các chỉ tiêu tài khóa, bội chi, vay nợ - thì giảm trong khi nhu cầu vay và các chỉ tiêu khác vẫn được giữ nguyên do phải tăng cường nguồn lực để thúc đẩy, duy trì, ổn định phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Hệ quả tất yếu là tỷ lệ nợ công so với GDP tăng lên.

Ngoài ra, việc mất giá của đồng Việt Nam biến động khó lường của các đồng tiền vay khác như USD, JPY, CNY cũng làm quy mô nợ của Chính phủ tăng khi quy đổi sang đồng Việt Nam.

Về giải pháp để giảm áp lực và đảm bảo an toàn nợ công trong 5 năm tới đây, ông Hiển cho biết, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về Kế hoạch vay trả nợ công 2016-2020 tại kỳ họp tháng 3-2016 với nhiều giải pháp cụ thể. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Nợ công không thể giảm ngay trong “một sớm một chiều” mà cần phải có lộ trình theo hướng:

Thứ nhất, phải giám sát kiểm soát kỹ các khoản vay mới. Thứ hai, việc thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nợ công phải tuân thủ đúng dự toán được giao; tránh hiện tượng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đặc biệt là tăng từ nguồn vốn vay do triển khai chậm trễ, không đúng tiến độ dẫn đến khối lượng tăng lên. Thứ ba, kiên quyết cắt giảm bội chi NSNN theo lộ trình đã được xác định, tiếp tục giảm bảo lãnh Chính phủ, ưu tiên bố trí nguồn NSNN để trả nợ. Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm tăng nguồn vay trung và dài hạn cho đầu tư phát triển. Thứ năm là cập nhật diễn biến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, sự thay đổi thị trường trong và ngoài nước… để chủ động xây dựng phương án điều chỉnh tổng mức vay và hạn mức nợ tương ứng để đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia./.





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thu ngân sách từ xuất, nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt gần 125 ngàn tỷ đồng

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/4/2024, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) đạt 124,740 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế yêu cầu tăng cường quản lý thuế TNCN từ cổ tức bằng cổ phiếu

Tổng cục Thuế vừa có công văn yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường quản lý thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn đối với thu nhập...

Bộ Tài chính lần thứ 4 đề xuất giảm 2% thuế VAT

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT 2% và gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân.

VCCI: Doanh nghiệp ra nước ngoài mở công ty vì bị áp thuế VAT 10%

VCCI phản ánh không ít doanh nghiệp Việt lập thêm công ty ở nước ngoài để cung cấp dịch vụ cho khách hàng nhằm giảm nghĩa vụ thuế.

Ngành thuế yêu cầu đánh giá hiệu quả thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Tổng cục Thuế cho biết đã có công văn đề nghị các Cục Thuế có các kế hoạch cụ thể tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử...

Vụ án Thuduc House: Cựu Phó cục trưởng cục Thuế TP.HCM được giảm 1 năm tù

Liên quan đến vụ án Thuduc House, phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh (cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM) được giảm từ 4 năm xuống còn 3 năm tù giam.

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT 6 tháng cuối năm

Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng...

Tiếp thị liên kết chịu thuế thu nhập hàng tỉ đồng: Tồn thuế hay bị truy thu oan?

Nhiều cá nhân làm tiếp thị liên kết (affiliate) cho các sàn thương mại điện tử và một số mạng lưới gần đây kiểm tra thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trên ứng dụng eTax...

4 tháng đầu năm, ngân sách Nhà nước bội thu hơn 211 nghìn tỷ đồng

Số liệu từ Tổng Cục Thống kê, thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2024 ước tăng 10.1% so với cùng kỳ năm trước, chi ngân sách Nhà nước ước tăng 4.4%. Như vậy...

Đề xuất giảm thuế GTGT đến hết năm 2024

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế GTGT, đồng thời đề xuất tiếp tục giảm thuế này trong 6 tháng cuối năm 2024.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98