Hàng Tết: Kết nối cung cầu và bình ổn giá
Hàng Tết: Kết nối cung cầu và bình ổn giá
Sau TP. Hồ Chí Minh, chính quyền Hà Nội cũng đã quyết định không dùng ngân sách nhà nước cho vay lãi suất 0% đối với doanh nghiệp tham gia bình ổn giá hàng Tết. Thay vào đó, chính quyền chỉ đứng ra kết nối doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại để mua, dự trữ hàng Tết.
Ảnh minh họa
|
Rất nhanh có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại: Bỏ cơ chế dùng ngân sách bình ổn giá cả thị trường, liệu giá hàng Tết Đinh Dậu 2017 có bị đẩy lên cao?
Ở trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước, đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Từ năm 2013, TP. Hồ Chí Minh đã không sử dụng ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường Tết. Thay vì dùng ngân sách, thành phố đã huy động các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa. Số doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường Tết không hề giảm, lượng hàng Tết luôn tăng qua các năm, giá cả không biến động bất thường...
Tết Đinh Dậu 2017, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ, đã có 10 ngân hàng thương mại tại TP.Hồ Chí Minh tham gia chương trình bình ổn hàng Tết, hạn mức cho vay cam kết tới 12.000 tỷ đồng, lãi suất 4,15- 6,5%/năm- ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cho hay.
Với góc độ kinh doanh, nhiều doanh nghiệp khẳng định: Bình ổn hàng Tết là chiến lược tự nguyện của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập, hàng ngoại tràn vào thị trường nội địa ngày càng nhiều, doanh nghiệp Việt phải làm hết sức mình để cạnh tranh về giá cả, chất lượng. Bình ổn thị trường là một trong những giải pháp của doanh nghiệp Việt định vị thương hiệu, cạnh tranh hiệu quả với hàng ngoại...
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã có những động thái tích cực. Chẳng hạn, Saigon Co.op khẳng định sẽ chủ động giữ giá các mặt hàng thiết yếu thấp hơn 5-10% so với các mặt hàng cùng loại trên thị trường. Trong những ngày cận Tết, Saigon Co.op sẽ cùng với một số nhà cung cấp giảm giá hàng nghìn sản phẩm với mức khuyến mãi từ 10- 50% kết hợp các dịch vụ tiện ích. Vissan đã chuẩn khoảng 3.200 tấn thực phẩm chế biến, 3.000 tấn thực phẩm tươi sống... Hà Nội sẽ bán hàng Tết tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 700 cửa hàng tiện ích, 454 chợ. Vinmart dự trữ hàng hóa khoảng trên 1.000 tỷ đồng, Hapro khoảng 1.200 tỷ đồng... Tất cả đã sẵn sàng với tâm thế... bình ổn thị trường.
Cung cầu trên thị trường, xu hướng tiêu dùng ngày nay đã khác nhiều với cả chục năm trước. Chính quyền không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, để thị trường vận hành theo đúng quy luật khách quan. Đó là con đường đúng.
http://baocongthuong.com.vn/hang-tet-ket-noi-cung-cau-va-binh-on-gia.html