ĐHĐCĐ Cholimex Food: Masan đã đưa được người vào HĐQT

12/05/2017 09:26
12-05-2017 09:26:10+07:00

(Bài cập nhật)

ĐHĐCĐ Cholimex Food: Masan đã đưa được người vào HĐQT

Sau hai năm chật vật (2015 và 2016), đến nay Masan đã chính thức đưa được 1 người vào HĐQT và 1 người vào Ban kiểm soát Cholimex Food cho nhiệm kỳ 2017-2022.

Sáng 12/05, ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food, UPCoM: CMF) đã thông qua tất cả các tờ trình ngoại trừ tờ trình sửa đổi Điều lệ công ty; đồng thời một nội dung quan trọng là bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới do việc bầu cử nhiệm kỳ 2016-2021 hồi ĐHĐCĐ 2016 đã bị tòa án hủy bỏ.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Cholimex Food diễn ra vào sáng 12/05 tại KCN Vĩnh Lộc.

Khúc mắc giữa Masan và ban điều hành

Mở đầu Đại hội, HĐQT và BKS đương nhiệm lý giải việc vì sao kéo dài nhiệm kỳ của HĐQT và BKS được bầu hồi năm 2011.

Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên 2016 diễn ra vào năm ngoái đã thông qua việc bầu mới HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2016-2021. Tuy nhiên, nội dung này đã bị hủy bỏ vào ngày 20/04/2017 bởi Tòa án Kinh tế Tòa án Nhân dân TPHCM, nên các thành viên mới này không còn thẩm quyền để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Kết quả HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2016-2021 được bầu hồi năm 2016 không có đại diện Masan

Vì Điều lệ 2009 không có quy định nào để xử lý tình huống này, nên Cholimex Food đã thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, những thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2011-2016 quay lại tiếp tục thực hiện chức trách của mình cho đến khi có thành viên mới được bầu thay thế.

Trong đó, vì lý do cá nhân, Chủ tịch Nguyễn Thị Thoa không thể thực hiện nhiệm vụ của mình và đã ủy quyền cho ông Huỳnh An Trung - Phó Chủ tịch thực hiện các công việc thuộc quyền hạn của Chủ tịch. 

Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ thì đại diện cổ đông Công ty TNHH MTV Thực phẩm Masan (chiếm gần 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) đã rời cuộc họp. Bởi trước đó, đại diện Masan đã không thông qua việc chỉnh sửa Điều lệ công ty.

Tại thời điểm 30/9/2016, Cholimex Food có 3 cổ đông lớn gồm CTCP XNK và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex, CLX) sở hữu 40.72%, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Masan (32.83%) và Nichirei Foods Inc. (19%).

Đại diện Masan khi đó cho rằng, theo Khoản 2 điều 20 của Điều lệ hiện hành của công ty thì "Các quyết định của ĐHĐCĐ liên quan đến việc sửa đổi và bổ sung Điều lệ,... sẽ chỉ được thông qua khi có từ 75% trở lên tổng số phiếu bầu các cổ đông có quyền biểu quyết có mặt trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền có mặt tại ĐHĐCĐ" nên với tỷ lệ biểu quyết tại Đại hội là 67.08% là không hợp lệ, và đơn vị này yêu cầu Công ty tôn trọng và thực hiện đúng quy định của điều lệ hiện hành.

Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Huỳnh An Trung cho biết, căn cứ điều lệ cũ của công ty tại khoản 2 điều 54 quy định "Trong trường hợp có những quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Công ty chưa được đề cập trong bản Điều lệ này hoặc trong trường hợp có những quy định mới của pháp luật khác với những điều khoản trong Điều lệ này thì những quy định của pháp luật đó đương nhiên được áp dụng và điều chỉnh hoạt động của Công ty". Trong khi đó theo Luật doanh nghiệp 2014 thì chỉ cần đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết thông qua thì được sửa đổi điều lệ. Nên với tỷ lệ biểu quyết 67.08% (tức trên 51%) nên đủ điều kiện thông qua việc sửa đổi điều lệ.

Theo đó, Đại hội lần này sẽ bầu cử HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới.

Theo tài liệu được công bố tại Đại hội, danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới 2017-2022 là 5 thành viên, nhưng các cổ đông đề cử 6 ứng viên. Bao gồm 2 gương mặt đến từ Masan là ông Trần Phương Bắc, ông Phạm Đình Toại; còn lại là các đại diện của Cholimex và Nichirei gồm ông Lưu Thanh Danh, ông Diệp Nam Hải, ông Dương Văn Hùng và ông Toshikata Yokoyama (Nichirei).

Ngoài ra, trong trường hợp số lượng thành viên HĐQT thông qua tại ĐH nhiều hơn 5 thành viên, các cổ đông đề cử thêm 2 ứng viên gồm ông Nguyễn Quỳnh Lâm (Masan) và bà Nguyễn Thị Huyền Trang.

Còn danh sách BKS gồm ông Trương Minh Thông, ông Phạm Văn Tranh và bà Đỗ Thị Hoàng Yến (Masan).

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2015 của Cholimex Food, Masan có đề cử 1 ứng viên vào HĐQT nhưng đã không được cổ đông thông qua. Và ĐHĐCĐ 2016 bầu nhiệm kỳ mới cũng không có đại diện Masan, tuy nhiên việc bầu mới này đã bị tòa quyết định hủy bỏ do Masan khiếu nại.

Nóng ngay từ phút đầu Đại hội

Ông Trần Phương Bắc, đại diện cho Masan có ý kiến ngay khi Đại hội bắt đầu. Theo ông, Masan đã gửi kiến nghị cho Cholimex Food ngay trước thềm đại hội nhưng không thấy Công ty đưa vào chương trình.

Theo đó, Masan kiến nghị đưa vào chương trình Đại hội xem xét trách nhiệm cá nhân về nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 26/11/2015 mà Masan cho rằng là giả mạo (do Masan không nhận được thư mời họp cũng như không dự họp) và một phần nghị quyết ĐHĐCĐ 2016 bị hủy. Masan cho rằng các cá nhân nhiệm kỳ 2011-2016 trong cuộc họp ĐHĐCĐ hồi năm 2016 đã có hành vi vi phạm pháp luật, vì thế Masan không đồng ý dùng tiền của công ty trả thù lao cho những người này. Được biết, theo tờ trình, thù lao HĐQT và BKS trong năm 2016 là 1 tỷ đồng, tương đương 1.97% lợi nhuận sau thuế 2016. Còn mức đề xuất cho năm 2017 là 2% phần lợi nhuận sau thuế 2017.

Đồng thời Masan đề nghị hủy tờ trình xem xét chỉnh sửa Điều lệ Công ty ra khỏi chương trình Đại hội nhưng đã không được cổ đông thông qua.

Ông Trần Phương Bắc, đại diện cho Masan có ý kiến ngay khi Đại hội bắt đầu.

Đại diện ban điều hành Cholimex Food trình bày một số ý kiến xung quanh ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 11/2015. Cholimex xác nhận có việc thay đổi giấy phép kinh doanh để lập cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại 136 Nguyễn Tri Phương hồi tháng 11/2016. Và việc này mang lại hiệu quả chứ không phải thiệt hại cho doanh nghiệp nên nếu có sai phạm sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Còn Nghị quyết ĐHĐCĐ 2016 đã được thông qua theo đúng quy định, không tư lợi cá nhân, cổ đông muốn quy kết thì phải có chứng cứ rõ ràng. Ban điều hành công ty chưa từng sử dụng chi phí công ty để thuê luật sư để bảo vệ cho bất cứ cá nhân nào.

Trước sự tranh luận căng thẳng giữa ban điều hành và đại diện Masan, nhiều cổ đông khác cho rằng có cần phải đưa sự việc lên quá cao như vậy hay không? Bởi nếu ban điều hành vi phạm gây thiệt hại lớn cho công ty thì dường như không đúng thực tế khi hoạt động kinh doanh của công ty rất tốt, cổ tức cao cho cổ đông. Còn vấn đề về Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2015 thì cần được làm rõ càng sớm càng tốt để tránh tình trạng “tranh tối tranh sáng” kéo dài ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Bởi thời gian qua có nhiều tin đồn nhằm mục đích làm thiệt hại uy tín của công ty để hạ giá trị cổ phiếu xuống... Đồng thời đề nghị các cổ đông đoàn kết để xây dựng công ty phát triển chứ đừng đi theo vết xe đổ như Bông Bạch Tuyết. 

Sửa đổi Điều lệ tiếp tục không được thông qua

Sau nhiều ý kiến thảo luận, Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu thông qua tất cả các tờ trình, riêng tờ trình sửa đổi Điều lệ không được thông qua do chỉ có 47.83% cổ phần có quyền biểu quyết thông qua, còn lại 32.88% không thông qua.

Kết quả bầu cử có 5 thành viên HĐQT trúng cử nhiệm kỳ 2017-2022, trong đó ông Dương Văn Hùng giữ chức Chủ tịch:

  1. Ông Toshikata Yokoyama – Đại diện Nichirei Food – 16.82%
  2. Ông Diệp Nam Hải – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cholimex Food – 16.82%
  3. Ông Lưu Thanh Danh – Phó TGĐ Cholimex (CLX) – 16.75%
  4. Ông Dương Văn Hùng – Thành viên HĐQT Cholimex Food – 16.72%
  5. Ông Trần Phương Bắc – Luật sư trưởng Tập đoàn Masan – 16.44%

Ban kiểm soát gồm:

  1. Ông Trương Minh Thông – Chuyên viên Tài chính kế toán Cholimex Food – 35.25%
  2. Bà Đỗ Thị Hoàng Yến – Luật sư CTCP Tập đoàn Masan – 32.89%
  3. Ông Phạm Văn Tranh (Trưởng BKS) – Chuyên viên HĐQT Cholimex Food – 31.86%

HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới (2017-2022)

Kế hoạch 2017 lãi gần 53 tỷ đồng, tăng 4%

CMF đặt mục tiêu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 21.2 triệu USD, tăng 15% so với năm trước. Sản lượng sauce-gia vị ở mức 187 triệu chai, tăng 18% và sản lượng thực phẩm đông lạnh tăng 15%, đạt 2,400 tấn.

Theo đó, tổng doanh thu năm 2017 dự kiến đạt 1,640 tỷ đồng, tăng trưởng 15%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 66 tỷ đồng, lãi ròng 52.8 tỷ đồng, đều tăng trưởng 4%. Công ty dự kiến chi cổ tức tỷ lệ 15-20%.

Trong năm nay, CMF cũng sẽ chi đầu tư 17 tỷ đồng cho 5 hạng mục bao gồm: hệ thống xử lý nước thải, máy phát điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, phần mềm...

Kế hoạch sản xuất kinh doanh 2017 của Cholimex Food

Được biết năm 2016, CMF đạt tổng doanh thu 1,427 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2015 và vượt nhẹ kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 63.4 tỷ đồng, tăng trưởng 6% và tương đương 98% chỉ tiêu đề ra; lãi ròng ghi nhận 50.7 tỷ đồng. Dự kiến chi trả cổ tức năm 2016 tỷ lệ 20% bằng tiền./.







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

VietinBank lãi trước thuế quý 1 hơn 6,210 tỷ đồng, nợ dưới chuẩn gấp 2.7 lần

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2024 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) lãi trước thuế hơn 6,210 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so...

Vietjet đặt kế hoạch vận chuyển 27 triệu lượt khách năm 2024, chia cổ tức 25%

Ngày 26/4/2024, CTCP hàng không Vietjet (HOSE: VJC) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 và thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tập trung giữ vững...

ĐHĐCĐ Imexpharm: Tăng cổ tức lên 20%, ETC là kênh rất quan trọng

ĐHĐCĐ 2024 của IMP thông qua mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên mức nền cao kỷ lục của năm ngoái, đồng thời tăng tỷ lệ cổ tức cho cổ đông.

ĐHĐCĐ SIP: Tranh thủ tạo quỹ nhà xưởng cho thuê, cổ tức 2024 tối thiểu 10%

“Hiện nay, những khu công nghiệp có vị trí tốt gần khu vực TPCHM, nhu cầu thuê nhà xưởng là rất lớn. Mặc dù cần một số vốn lớn nhưng có thể khẳng định việc đầu tư...

Quý 1/2024, lãi sau thuế của GELEX Electric tăng 27.7% so với cùng kỳ

Quý 1/2024, Công ty Cổ phần Điện lực GELEX (mã GEE - GELEX Electric) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 3,720 tỷ đồng, tăng 9%; lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ...

ĐHĐCĐ TPC: Kế hoạch 2024 lãi sau thuế 8 tỷ đồng, thanh lý bất động sản để bù lỗ

Sáng ngày 26/04, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (HOSE: TPC) đã thông qua nhiều vấn đề quan trọng, gồm việc bán động sản (BĐS) tại Long An để bù...

GELEX: Bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong quý 1/2024

CTCP Tập đoàn GELEX (HoSE: GEX) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024, cho thấy kết quả kinh doanh đã có những chuyển biến tích cực so với cùng kỳ 2023.

Chủ siêu đô thị The Global City lãi khủng 5.3 ngàn tỷ nửa cuối năm 2023, ôm nợ hơn 102 ngàn tỷ

Sau một năm lỗ hơn 2.9 ngàn tỷ, năm 2023 vừa qua chủ siêu đô thị Sài Gòn Bình An (tên thương mại The Global City) còn lỗ gần 103 tỷ đồng. Kết quả này tương đối bất...

ĐHĐCĐ Victory Capital: 2 nhà đầu tư cho vay 1,000 tỷ đồng là ai?

Một tổ chức và một cá nhân sẽ cho PTL vay lần lượt 300 và 700 tỷ đồng bằng tín chấp trong tối đa 12 tháng, lãi suất 7.5%/năm. Công ty sẽ trả nợ bằng tiền hoặc phát...

ĐHĐCĐ VJC: Chi phí mở thị trường của VJC ở mức thấp nhất thế giới

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) diễn ra vào chiều ngày 26/04, nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh tăng trưởng với lãi trước thuế 1,081...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98