Nhà thầu xây dựng điêu đứng vì nợ đọng

28/06/2017 21:15
28-06-2017 21:15:00+07:00

Nhà thầu xây dựng điêu đứng vì nợ đọng

Hiện các nhà thầu xây dựng tại Việt Nam đang bị chủ đầu tư nợ đọng đến vài chục nghìn tỉ đồng gây khó khăn trong hoạt động, thậm chí có nguy cơ phá sản. Do đó các nhà thầu đã có hàng loạt kiến nghị về chính sách để giảm tình trạng này.

Đó là một trong những nội dung được nêu ra tại hội thảo “Nợ đọng xây dựng cơ bản – biện pháp tháo gỡ và hướng giải quyết” do Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam tổ chức vào ngày 28-6.

Thực trạng

Theo số liệu được Tổng công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam cung cấp tại hội thảo, tính đến cuối năm 2014, tình trạng nợ đọng của đơn vị này là 2.346 tỉ đồng. Và đến hết năm 2016 thì con số đó giảm còn 1.185 tỉ đồng. Tình trạng nợ đọng này không chỉ khiến doanh nghiệp khó khăn mà còn khiến nợ xấu không giải quyết được, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững…

Còn Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết tính đến 31-5-2017, các chủ đầu tư còn nợ đơn vị này số tiền hơn 1.653 tỉ đồng; Giá trị sản xuất dở dang còn chưa được nghiệm thu là 991 tỉ đồng. Trong đó các chủ đầu tư nợ gồm thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu… là những công trình đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay.

Theo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, để đảm bảo vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh, đơn vị này chủ yếu phải sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng với lượng vay bình quân khoảng 1.500 tỉ và phải trả lãi vay này là 126 tỉ/năm…

Cũng tình trạng tương tự, tại Tổng công ty 319 tính đến hết năm 2016 các công trình xây dựng cơ bản có nợ đọng vốn của đơn vị này trên 1.860 tỉ đồng, vượt trên 200% vốn chủ sở hữu. Nợ đọng tác động trực tiếp đến quá trình luân chuyển và sử dụng vốn của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, hay khó khăn về tài chính cũng bắt nguồn từ việc nợ đọng quá lớn và thời gian kéo dài. Doanh nghiệp không có nguồn vốn để trả ngân hàng kịp thời, dẫn đến nợ xấu, nợ quá hạn với ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Phát, giám đốc Ban kinh tế phát triển của Tổng công ty Sông Đà, với các hợp đồng thi công các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước hoặc nhà nước bảo lãnh vay vốn thì các nhà thầu thi công bao giờ cũng bị giữ lại một khoản tiền nhất định (3-5% tùy công trình) để chủ đầu tư chờ kết thúc thời hạn bảo hành của nhà thầu đồng thời chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Điều này dẫn đến bất cập như sau: đối với một số công trình lớn, trọng điểm quốc gia thì giá trị chủ đầu tư giữ lại của nhà thầu rất lớn (thủy điện Sơn La có những giai đoạn giá trị giữ lại khoảng 400 tỉ đồng; thủy điện Lai châu giá trị giữ lại hiện nay cũng khoảng gần 400 tỉ đồng...) làm công nợ của nhà thầu thi công rất lớn dẫn đến thiếu hụt vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thêm nữa ông Phát cho hay, thời gian phê duyệt quyết toán kéo dài, không xác định rõ ràng và thường vượt quá thời gian quy định do chờ các thủ tục kiểm toán, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của cấp có thẩm quyền đối với chủ đầu tư làm nợ đọng của nhà thầu bị kéo dài, không thanh lý được hợp đồng và không giải quyết dứt điểm được công nợ. Một số công trình (Thủy điện Sơn La khánh thành từ cuối năm 2012, Thủy điện Lai Châu khánh thành cuối năm 2016) đến nay vẫn chưa được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.

Còn Tập đoàn DELTA cho rằng hiện các quy định cụ thể, thiết thực nhằm hạn chế nợ đọng trong xây dựng cơ bản thì chưa đủ mạnh để tạo sức ép cho chủ đầu tư phải thực hiện thanh toán cho nhà thầu như hợp đồng đã ký kết.

DELTA cho hay, ai cũng biết nếu không giải quyết được bằng biện pháp thông thường thì nên đưa ra toà án hay trọng tài kinh tế để giải quyết. Nghe thì đơn giản nhưng thực tế việc đưa nhau ra tòa đều là phương án bất đắc dĩ và không ai muốn vì các bên đều bị thiệt hại và cũng phải mất một thời gian dài theo đuổi với đủ các phiền toái mà chưa chắc đã đòi được tiền.

Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không (ACC) cho hay hiện tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản diễn ra khá nghiêm trọng, gây ra hậu quả như: công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém. Chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng hoàn thành; nhiều doanh nghiệp xây dựng nợ bảo hiểm, nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít doanh nghiệp giải thể và phá sản; góp phần làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng lên… Như vậy, nền kinh tế đã hình thành một vòng xoáy nợ đọng lẫn nhau giữa các khu vực kinh tế. Đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước đang bị coi là nguyên nhân quan trọng gây ra nợ xấu và mất cân đối lớn về cơ cấu kinh tế hiện nay. Thực trạng này ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ông Dương Văn Cận, phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, theo số liệu công bố nợ đọng mà hiệp hội này có được đến nay ước lên đến 30-40 nghìn tỉ đồng. Tình hình nợ đọng còn diễn ra trong quá trình bảo hành xây dựng cũng làm cho nhà thầu khó khăn thêm.

Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng cho biết, hiện chưa có doanh thu chính xác của các nhà thầu xây dựng trên toàn quốc nhưng ước tính phải chiếm đến 20-25% GDP. Sợ nợ đọng, có một số doanh nghiệp lớn đã tuyên bố không nhận thi công làm công trình vốn ngân sách nhà nước. Nhưng cũng chỉ doanh nghiệp lớn mới dám làm thế, những doanh nghiệp nhỏ cũng làm như vậy thì không có việc để làm và chấp nhận đối mặt với tình trạng nợ đọng.

Đề xuất giải pháp

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thanh quyết toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu, tránh nợ đọng trong xây dựng cơ bản, DELTA đề xuất một số giải pháp sau: Luật xây dựng, Luật đấu thầu và các Luật có liên quan khác cần phải có quy định bắt buộc chủ đầu tư phải có ngân hàng bảo lãnh vốn theo kế hoạch vốn của dự án để chi trả cho nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết. Tương tự như việc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng – nhằm bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Hoặc chí ít ở giai đoạn cuối của phần khối lượng thanh toán thì chủ đầu tư phải có bảo lãnh giá trị vốn thanh toán cho nhà thầu.

Còn ông Phát kiến nghị: “Việc gắn trách nhiệm của nhà thầu thi công cùng với chủ đầu tư trong vấn đề phê duyệt quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước hoặc nhà nước bảo lãnh vay vốn là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Làm cho tình trạng dở dang công nợ của nhà thầu lớn, kéo dài, không thanh lý được hợp đồng, nhà thầu phụ thuộc vào quyết định của cơ quan thẩm quyền trong quá trình phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của chủ đầu tư. Do vậy, đề nghị xem xét lại các quy định có thể theo hướng hồ sơ thanh toán từng đợt được dùng làm hồ sơ quyết toán để giảm bớt khó khăn cho nhà thầu.”

Cũng đưa ra những đề xuất giải pháp, ông Hoàng Chí Cường, Tổng giám đốc Vinaincon cho rằng trong Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định về nội dung chi tiết Hợp đồng xây dựng cần bổ sung về điều khoản bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư cho nhà thầu với giá trị tương đương giá trị còn lại chưa được thanh toán của hợp đồng và được giảm dần theo tiến độ thanh toán.

Theo ông Cận, Chính phủ đã có nhiều Chỉ thị nhằm sớm chấm dứt, không để tình trạng này tiếp tục tái diễn (Chỉ thị 27/CT-TTg ban hành tháng 10/2012, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014, Chỉ thị số 07/CT-TTg ban hành ngày 30/4/2015) nhưng tình trạng nợ động vẫn không thể giải quyết. Để không tiếp diễn tình trạng nợ đọng cần phải tìm ra các chế tài khác đủ mạnh thêm nữa.

Ông Cận cho rằng, mặc dù Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của gói thầu chỉ được phát hành để lựa chọn nhà thầu khi có nguồn vốn cho gói thầu được thu xếp theo tiến độ thực hiện gói thầu (Điểm d Khoản 1 Điều 7). Tuy nhiên các chế tài cụ thể ở các văn bản dưới luật chưa có các hướng dẫn đủ chi tiết, cụ thể nên quy định này cũng chỉ để cho có.

Ông Cận kiến nghị cần bổ sung cơ chế chủ đầu tư bảo lãnh vốn thanh toán trong Luật đấu thầu (Bổ sung vào Điều 72 Bảo đảm thực hiện hợp đồng) và vào Luật xây dựng (Bổ sung một điều vào Mục 2 Hợp đồng xây dựng, và bổ sung vào Điểm g Khoản 1 Điều 141). Cụ thể,  khi giá trị khối lượng gói thầu còn lại từ 20 – 30 % chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục bảo lãnh vốn thanh toán. Đây được xem như là một cam kết của chủ đầu tư với nhà thầu về thanh toán. Những giá trị khối lượng đã hoàn thành thủ tục thanh toán sau thời điểm này mà để kéo dài quá thời hạn theo quy định thì nhà thầu có quyền phát văn bản yêu cầu chủ đầu tư  thanh toán hoặc phải tính lãi vay hoặc nhà thầu có thể thông báo dừng thi công nếu như chủ đầu tư không còn kinh phí thanh toán.

http://www.thesaigontimes.vn/161944/Nha-thau-xay-dung-dieu-dung-vi-no-dong.html





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Khẩn trương phân bổ, giải ngân vốn các dự án giao thông trọng điểm

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 4426/BTC-VĐT gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND các...

Phó Thủ tướng: Không đề xuất xử lý những dự án BOT do 'lỗi' của doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông; kiên quyết không đề xuất xử lý những dự án do nguyên...

Thủy điện có còn dư địa để phát triển hay sẽ sớm bị thay thế?

Theo các chuyên gia năng lượng, với nguồn thủy điện dồi dào, Việt Nam có thể tiếp tục khai thác tối đa với tổng công suất đạt từ 30.000-38.000MW và điện năng có thể...

Người Việt Nam đánh giá cao du lịch bền vững

Hầu hết du khách Việt Nam được khảo sát đều đồng ý du lịch bền vững rất quan trọng và mong muốn hành trình của mình thân thiện với môi trường hơn trong năm tới.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt...

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng kháng cáo

Sau khoảng hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Những điểm đáng chú ý trong Dự thảo về Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp

Dự thảo Nghị định DPPA tập trung vào việc mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua đường dây truyền tải riêng; giữa đơn vị phát điện và...

Thị trường tín chỉ carbon TP.HCM và những câu hỏi

Nắng nóng bao vây con người mọi lúc mọi nơi. Chưa bao giờ mà người dân khắp cả nước trải qua một kỳ nghỉ lễ 30/04-01/05… cháy bỏng như năm nay. Điều này đã thật sự...

4 tháng đầu năm 2024, cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công hơn 115,000 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tháng 3, ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2024.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98