Thương mại Việt - Trung: Đạt 100 tỉ đô la Mỹ dễ, cân bằng thì khó

22/06/2017 13:18
22-06-2017 13:18:30+07:00

Thương mại Việt - Trung: Đạt 100 tỉ đô la Mỹ dễ, cân bằng thì khó

Mới đây, lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều hai nước lên 100 tỉ đô la Mỹ/năm và hướng tới sự cân bằng.

Đã thành thông lệ, mỗi lần gặp nhau thượng đỉnh, hai nước đều đặt mục tiêu mới về tăng trưởng thương mại và trên thực tế, các mục tiêu này đều đạt và vượt trước hạn.

Ngược dòng thời gian, năm 2000 hai bên đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 2 tỉ đô la Mỹ, kết quả đạt 2,5 tỉ đô la Mỹ. Tiếp theo, đặt mục tiêu đến năm 2005 đạt 5 tỉ đô la Mỹ nhưng mới năm 2004 đã được 7,2 tỉ đô la Mỹ. Cũng từ đây Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nước ta với kim ngạch hai chiều chiếm 14,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ta. Mốc 20 tỉ đô la Mỹ được dự kiến vào năm 2010, đến năm 2008 đã đạt 20,18 tỉ đô la Mỹ. Ngưỡng 60 tỉ đô la Mỹ định vào năm 2015 thì năm đó đạt 63,1 tỉ đô la Mỹ.

Với kết quả năm 2016 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 71,5 tỉ đô la Mỹ, mục tiêu 100 tỉ đô la Mỹ/năm như vừa nói ở trên sẽ không còn xa.

Nhưng niềm vui không trọn vẹn, vì thương mại hai nước vẫn vênh nhau, Việt Nam còn nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Xin dẫn số liệu xuất nhập khẩu giữa hai nước trong bảy năm gần đây với lõi là năm năm giai đoạn 2011-2015 cùng với năm cuối giai đoạn trước và năm đầu giai đoạn sau

Theo số liệu trên thì bình quân trong bảy năm, Việt Nam xuất sang một thì nhập từ Trung Quốc 2,6.

Hàng nhập rất nhiều

Hàng Trung Quốc đổ vào Việt Nam nhiều dạng. Thượng vàng hạ cám hàng thông dụng ra ngõ là gặp, giá rẻ bất ngờ nhưng luôn băn khoăn về chất lượng, an toàn. Nguyên, phụ liệu ta phải nhập lớn hơn, chủ yếu để làm hàng xuất khẩu. Một lượng hàng trị giá lớn hơn nữa là thiết bị, dụng cụ, phụ tùng theo chân các dự án đầu tư của Trung Quốc đổ vào.

Thực sự hàng công nghệ của Trung Quốc cũng thuộc hạng đẳng cấp, song những thứ đưa sang ta đa phần được sản xuất tại các cơ sở công nghiệp không hiện đại, tới hạn thanh lý. Những nhà máy đường, xi măng lò đứng, nhiệt điện, thủy điện, gang thép, lắp ráp xe máy... là những ví dụ sống. Theo nhịp điệu quan hệ mới, ta khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, hàng nhập từ Trung Quốc sẽ càng nhiều.

Việc nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc còn có nguồn cơn từ thói quen buôn bán biên mậu, khó kiểm soát, dễ phát sinh tiêu cực.

Hàng xuất còn ít

Trông cậy để hướng tới cân bằng thương mại với Trung Quốc là tăng hàng xuất, song điều này khó. Việt Nam buôn bán với hơn 100 nền kinh tế, chúng ta đang định hướng đúng đắn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nên nói một cách nôm na, bản thân lượng hàng hóa sẵn sàng cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng có giới hạn.

Trong tổng lượng hàng xuất của Việt Nam, hàng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tới 70%. Liệu các doanh nghiệp FDI có định hướng xuất khẩu hàng vào Trung Quốc, và Trung Quốc có nhập hàng của doanh nghiệp FDI xuất xứ từ Việt Nam hay không?

Lâu nay, Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu hàng nông, lâm, thủy sản và tài nguyên khoáng sản, chủ yếu ở dạng thô (là điều cần hạn chế). Giả sử dành trọn hai nhóm hàng này để xuất sang Trung Quốc thì cũng không ngang bằng phần nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2016, hai nhóm hàng này xuất khẩu sang thị trường hàng trăm nước mới được 25,5 tỉ đô la Mỹ (22,1 tỉ đô la Mỹ + 3,4 tỉ đô la Mỹ). Thử hỏi bằng cách nào mà ta xuất sang Trung Quốc bằng mức nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2016 là 49,7 tỉ đô la Mỹ?

Vừa qua, dưa hấu rồi đến thịt heo xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch gặp trục trặc, sắp tới đến cái gì nữa? Chừng nào còn mãi buôn bán tiểu ngạch thì phấp phỏng rủi ro còn treo lơ lửng. Song cũng phải thừa nhận, trước mắt không dựa vào biên mậu thì nhiều hàng hóa phẩm cấp bình dân, dạng thô chưa biết bán đi đâu cho hết. Cái khó là vậy và ta cũng nên “tiên trách kỷ”.

Hệ quả tất yếu

Từ năm 2004, khi kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều mới chiếm 14,8% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2016, với kim ngạch hai chiều chiếm tới 20,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ta, vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc càng củng cố, mà theo đó, thặng dư thương mại càng nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.

Trong thế giới phẳng, cùng vận hành theo quy luật thị trường, việc “cân bằng thương mại” thường chỉ thích hợp với hai nền kinh tế tương đồng, mỗi bên một thế mạnh, cùng có thể phát huy. Vậy nên, với Trung Quốc - nền kinh tế thứ hai thế giới, chênh lệch thương mại giữa hai nước là điều dễ hiểu.

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Trung Quốc - ASEAN có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, hai bên cùng giành ưu đãi cho nhau. Trung Quốc tận dụng được nhiều, tối đa, còn ta thì lực bất tòng tâm, càng ngày càng không thể san lấp hố sâu nhập siêu. Kết quả thương mại Việt - Trung bảy năm qua là một trong những bằng chứng về khai thác cơ hội do FTA mang lại cũng như khắc phục thách thức cũng do chính FTA đặt ra cho mỗi nước. Về phía Việt Nam là rất khiêm tốn.

Hai bên cùng nỗ lực

Nhưng bi quan không phải là giải pháp. Để thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỉ đô la Mỹ/năm, hai bên đã thỏa thuận về các giải pháp trên nguyên tắc “phát triển cân bằng”.

Trung Quốc sẽ cùng triển khai các việc như ưu tiên đánh giá tiêu chuẩn gia nhập thị trường của họ đối với sữa và các sản phẩm từ sữa của ta; đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với một số loại hoa quả của Việt Nam; tiếp tục hợp tác thương mại trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, trong đó có gạo, sắn và cho mở thêm các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc. Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc triển khai các dự án đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Nhìn lại mình, ta cần tăng lượng hàng xuất khẩu có chất lượng, giá cả cạnh tranh, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu. Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, không quá phụ thuộc nguồn hàng từ Trung Quốc, tăng cường quản lý nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Chấn chỉnh buôn bán biên mậu, chuyển sang buôn bán chính tắc mà mặt hàng gạo đã đi tiên phong. Ngăn chặn việc thẩm lậu. Nâng tầm hàng Việt, thay thế dần từng chủng loại hàng nhập từ Trung Quốc.

http://www.thesaigontimes.vn/161638/Thuong-mai-Viet---Trung-Dat-100-ti-do-la-My-de-can-bang-thi-kho.html





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nguyên nhân nào khiến giá vé máy bay tăng vọt?

Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng...

Tập đoàn Thuận An khiến loạt quan chức bị bắt: 2 năm trúng thầu 18.000 tỷ đồng

Nhiều quan chức đã bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến vụ án tại CTCP Tập đoàn Thuận An. Vậy doanh nghiệp này làm ăn ra sao mà khiến loạt quan chức 'ngã ngựa'?

Không thương mại hóa điện mặt trời áp mái

PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường cơ khí (Đại học Bách Khoa) cho biết về mặt kỹ thuật ông hoàn toàn ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong việc...

Bắt đối tượng chiếm đoạt hàng tỷ đồng theo hình thức góp vốn ở Quảng Ninh

Phạm Thị Thanh Huệ lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 5 tỷ đồng thông qua việc huy động góp vốn để nhập bình nóng lạnh, téc nước, ống nhựa.

Thủ tướng: Tây Ninh có tiềm năng lớn phát triển kinh tế cửa khẩu

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế; hội đủ 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững.

Bộ Công Thương thông tin về chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà

Chiều 04/05, phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có những chia sẻ về chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà.

Lập Tổ công tác giúp việc đôn đốc tiến độ triển khai đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải vừa ký quyết định...

Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn

Trong ngành bán dẫn, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ đầu tư...

Lý do loạt địa phương giải ngân đầu tư công thấp dưới mức bình quân

Tỉnh Bình Thuận, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh... nằm trong số các địa phương có mức giải ngân đầu tư công năm 2024...

Cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị khởi tố

Ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bị khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam với cáo buộc có sai phạm liên quan một dự án tại Lâm Đồng.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98