Không được giữ đăng ký xe bản chính, ngân hàng hoang mang

19/07/2017 09:25
19-07-2017 09:25:58+07:00

Không được giữ đăng ký xe bản chính, ngân hàng hoang mang

"Ngân hàng khi cho vay mua ôtô mà không giữ đăng ký như là thứ bảo bối thì rất rủi ro, có thể mất vốn"...

 
Nhiều ngân hàng đã có khách hàng yêu cầu được nhận lại bản chính giấy đăng ký xe đang thế chấp tại ngân hàng do bị xử phạt khi sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp.

Nếu ngân hàng không giữ đăng ký ôtô bản chính để đảm bảo tài sản hình thành từ vốn vay, chủ xe có thể bán và ngân hàng mất vốn. Xung quanh sự việc ồn ào nói trên, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) liên tục có văn bản kiến nghị các bộ ngành tháo gỡ vướng mắc.

Ngày 17/7, VNBA cho biết mới gửi công văn số 154/HHNH-PLNV lên 3 bộ Công an, Tư pháp, Giao thông Vận tải phản ánh khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Công văn số 2916/C67-P9 ngày 31/5/2017 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) về việc hướng dẫn công an các tỉnh, thành phố xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp.

Ngân hàng than phiền

Theo công văn này, các tổ chức tín dụng rất hoang mang, lo lắng, nhất là những ngân hàng thương mại có dịch vụ cho vay tiêu dùng mua ôtô chiếm tỷ trọng lớn.

Thực tế, có những ngân hàng tỷ trọng dư nợ lĩnh vực này khoảng 30%, trong đó tỷ lệ khoản vay được đảm bảo chính bằng xe ôtô hình thành từ vốn vay chiếm khoảng 90% với giá trị mỗi khoản vay lên tới 80 – 90% giá trị xe.

Nhiều ngân hàng đã có khách hàng yêu cầu được nhận lại bản chính giấy đăng ký xe đang thế chấp tại ngân hàng do bị xử phạt khi sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp.

Trong khi đó, xe ôtô là một tài sản đặc thù, các tổ chức tín dụng nói chung đều không thể quản lý cầm giữ xe ôtô mà chỉ có thể kiểm soát được rủi ro thông qua giữ bản chính giấy đăng ký xe.

Nếu để bên thế chấp vừa giữ ôtô vừa giữ bản chính giấy đăng ký xe thì khách hàng vay vốn có thể tự động chuyển nhượng, mua bán, cho thuê, cầm đồ...

Trong trường hợp đó, tổ chức tín dụng không thể kiểm soát, quản lý được khoản vay, không thể xử lý, thanh lý khoản vay khi khách hàng không trả được nợ, có nguy cơ sẽ làm tăng nợ xấu của tổ chức tính dụng. Từ đó, các tổ chức tín dụng sẽ e ngại cho vay, hạn chế sự tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân đối với lĩnh vực này.

Tương tự trên, ngày 12/7, Ngân hàng Nhà nước cũng gửi văn bản tới các bộ Tư pháp, Công an phản ánh những khó khăn khi ngân hàng không được giữ giấy tờ đăng ký ôtô bản chính.

“Điều này có thể dẫn tới các tổ chức tín dụng phải ngừng cho vay có thế chấp bằng phương tiện giao thông vận tải. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ không còn có cơ hội để vay vốn; bị giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp”, văn bản viết.

Chờ nghị định mới quy định rõ

Theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước tại văn bản số 5486/NHNN-PC ngày 12/7 gửi các bộ Tư pháp, Công an phản ánh bất cập nêu trên thì thực tiễn thực hiện quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) về bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với bên nhận thế chấp.

Ngoài ra, Bộ Luật dân sự 2015 có quy định rõ bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu các bên có thỏa thuận. Do đó, việc quy định bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, đồng thời vẫn giữ tài sản thế chấp như quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) đã không còn phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và dẫn tới những khó khăn, vướng mắc như đã nảy sinh trong thời gian qua.

Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Bộ Tư pháp cần hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015.

Trong thời gian chờ nghị định này, Bộ Công an cần chỉ đạo công an các cấp chấp nhận để người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng khi lưu thông phương tiện giao thông.

Trong khi đó, theo phân tích của luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, việc cảnh sát giao thông xử phạt lái xe ôtô không xuất trình bản gốc đăng ký xe là đúng theo khoản 1 Điều 58 về “Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông”.

Hơn nữa, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định: Lái xe điều khiển phương tiện phải mang theo một trong các giấy tờ đó là đăng ký.

“Nhưng trái lại, ngân hàng khi cho vay mua ôtô mà không giữ đăng ký như là thứ bảo bối thì rất rủi ro, có thể mất vốn. Trong trường hợp ngân hàng cứ giữ bản gốc đăng ký xe thì khách hàng lại khổ vì bị phạt”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Từ thực tiễn trên, VNBA kiến nghị: Một là, Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông không xử phạt người điều khiển ôtô mang theo bản sao có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp.

Hai là, Bộ Tư pháp nhanh chóng hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 163 và nghị định 11 để phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015. Ba là, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra giao thông cho phép lái xe xuất trình đăng ký ôtô bản sao có xác nhận của ngân hàng. 

http://vneconomy.vn/ngan-hang/khong-duoc-giu-dang-ky-xe-ban-chinh-ngan-hang-hoang-mang-20170718104216885.htm



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

NHNN vẫn đấu thầu 16,800 lượng vàng miếng

Sau phiên đấu thầu bất thành (25/4), NHNN tiếp tục thông báo đấu thầu vàng miếng vào sáng 03/5.

Tại sao chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên phải xác thực sinh trắc học?

Kể từ ngày 1/7/2024, mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền.

Chính phủ sẽ không vì áp lực lạm phát mà tăng lãi suất

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khi nói về áp lực tăng lãi suất nhằm kìm hãm lạm phát cũng như tỷ giá trong thời gian qua.

Tài sản thế chấp của Tân Hoàng Minh ế ẩm, ngân hàng tiếp tục đại hạ giá

Sau nhiều lần rao bán không thành công các khoản nợ xấu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và loạt công ty thành viên, Ngân hàng Agribank mới đây lại tiếp tục đại hạ giá...

Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng, ngân hàng vẫn tiếp tục gặp khó trong năm 2024?

Dù dự báo tình hình kinh tế năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận thận trọng.

Bán ngoại tệ can thiệp – kế tiếp là gì?

Với lượng dự trữ ngoại hối hiện nay không phải là nhiều, chỉ xấp xỉ ba tháng nhập khẩu, khi trước đó – năm 2022 đã giảm hơn 22,7 tỉ đô la Mỹ cũng vì phải bán ra để...

Đà tăng giá USD chững lại

Tuần qua (22-26/04/2024), giá USD trên thị trường quốc tế giảm nhẹ sau khi dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên...

Ứng dụng ngân hàng số cho doanh nghiệp - SeAMobile Biz của SeABank được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê

Vừa qua, tại Lễ vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê 2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, SeAMobile Biz - ứng dụng...

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất...

Quý 1/2024 - Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận tăng hơn 30%

Ngày 26/04, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – Mã NAB) đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với nhiều kết quả tăng trưởng tích cực, lợi nhuận trước thuế đạt gần...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98