Chuỗi bài Nhà đầu tư huyền thoại: Nick Roditi - Cánh tay phải của Soros
Chuỗi bài Nhà đầu tư huyền thoại: Nick Roditi - Cánh tay phải của Soros
Nick Roditi có thể coi là một trong những nhà quản lý quỹ bí ẩn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự thành công của ông đem lại cho chúng ta rất nhiều bài học bổ ích.
George Soros cũng không thể tự mình làm tất cả
Đằng sau sự thành công vĩ đại luôn có hình bóng của những quân sư. Đằng sau Lưu Bị là Khổng Minh, đằng sau Tào Tháo là Quách Gia, đằng sau Lưu Bang là Trương Lương… Vậy đằng sau George Soros là ai?
George Soros Nguồn: CNBC
Một sự thật rõ ràng là các ông trùm tài chính không thể tự mình làm tất cả mọi việc trong quá trình điều hành các quỹ của họ. Họ cần những công sự tài năng và đáng tin cậy. Theo giới đầu tư thì người được Soros tin cậy nhất chính là Nick Roditi.
Vậy Nick Roditi là ai?
Nhà đầu tư có kinh nghiệm phong phú
Sau khi tốt nghiệp ở Đại học Rhodesia, Nick Roditi hoạt động trong ngành luật ở Nam Phi. Tuy nhiên, sau đó ông tiếp tục theo học mảng kinh doanh tại Đại học London.
Năm 1969, Nick làm việc tại ngân hàng Schroders. Ông bắt đầu bước vào thế giới tài chính với vai trò là chuyên viên phân tích.
Năm 1970, ông sang Nhật nghiên cứu thị trường chứng khoán tại đây. Năm 1977, ông cùng một đối tác lập văn phòng đại diện của Schroders Group ở Seoul, Hàn Quốc. Sau đó, Nick Roditi trở thành đại diện của Schroders Group tại Nhật Bản trước khi trở về London thành lập Công ty Chứng khoán Schroders.
Tuy nhiên, bước ngoặt thật sự của Nick Roditi là khi ông trở thành Giám đốc của Rothschild Holdings PLC quản lý quỹ đầu tư tập trung vào Nhật Bản và Hàn Quốc. Đến năm 1992, Nick Roditi bắt đầu làm cố vấn cho Quỹ Quota Fund, một trong số các quỹ của Soros. Từ đó, ông dần dần trở thành cánh tay phải của ông trùm tài chính này.
Tài năng vượt trội
Theo tạp chí Finance World, Nick Roditi được xem là người giữ tiền cho George Soros. Từ sau một phi vụ kiếm được 80 triệu bảng Anh năm 1996, Nick Roditi chính là người được trả lương cao nhất nước Mỹ với thu nhập gần 2 triệu USD/tuần (chưa tính tới các khoản thưởng và các quyền lợi khác).
Năm 2008, trong khi các quỹ của Quantum Fund và Quota Fund của các nhánh khác giảm trung bình 1.5% thì quỹ trong tay Nick Roditi tăng đến hơn 80%. Điều này giúp Nick Roditi trở thành “ngôi sao” tại Wall Street.
Những ngôi sao Wall Street một thời như Anthony Bolton của Quỹ Fidelity, Philip Gibbs của Jupiter Split Trust, James Barstow của Aurora, Max Ward của Independent Investment Trust… nay đã lặng tiếng. Chỉ riêng Nick Roditi vẫn tỏa sáng một cách lạ lùng trong giới tài chính quốc tế.
Có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi được từ nhà quản lý quỹ xuất sắc này.
Biết cách che giấu bản thân
Nick Roditi có thể coi là điển hình cho dạng người “thâm tàng bất lộ”. Dù ông “lăn lộn” trong giới tài chính đã rất lâu và làm vị trí rất cao nhưng vẫn thể hiện ra bên ngoài rất đơn giản.
Theo thói thường, người ta hay nghĩ đến hình ảnh những ông trùm tài chính kiểu như ngoại hình đầu hói, bụng phệ… hoặc đi siêu xe, cặp với chân dài… Tuy nhiên, khi nhìn vào Nick Roditi với khuôn mặt hơi gầy, tóc hoa râm ta có cảm giác như ông là giảng viên đại học hoặc nhà khoa học tại một viện nghiên cứu nào đó chứ không phải là một nhà quản lý quỹ được trả lương gần như cao nhất thế giới.
Nick Roditi Nguồn: Wealth-X
Cho dù phóng viên có túc trực hàng giờ bên ngoài văn phòng của ông tại Hampstead (phía bắc London) để săn đón, Nick Roditi vẫn cương quyết từ chối yêu cầu phỏng vấn với một câu duy nhất: "Tôi không nói chuyện với các nhà báo". Ngoài ra, ông còn thường xuyên nhắc nhở bạn bè và người thân của mình không được nói chuyện về ông với giới truyền thông.
Nếu như thể hiện bản thân quá nhiều ra ngoài bạn không còn giữ được các bí mật kinh doanh và đầu tư nữa. Khi đó, bạn sẽ rất khó đạt được các mức lợi nhuận cao. Chẳng ai bắt buộc bạn phải chia sẻ ý tưởng với mọi người cả!
Sống một cuộc sống đơn giản
Nick Roditi gần như sống khép kín ở Hamstead, đi một chiếc Volvo cũ và thường bàn chuyện phiếm không liên quan đến tiền bạc. Dù chưa tới mức “kham khổ” như Warren Buffett nhưng cuộc sống giản dị như Nick Roditi cũng có thể coi là “hàng hiếm” trong giới đầu tư.
Bề ngoài trông ông thong dong tựa một gã chỉ biết "cưỡi ngựa xem hoa" nhưng trong lĩnh vực tài chính Nick Roditi luôn mang về nguồn lợi nhuận gấp nhiều lần cho cả bản thân lẫn quỹ đầu tư của George Soros.
Chân trong chân ngoài
Mạo hiểm nhưng luôn trung thành là bí quyết cuối cùng để Roditi đi làm thuê mà vẫn giàu, lệ thuộc mà vẫn độc lập. Có thể nói rằng ông vừa “khởi nghiệp” vừa đi làm thuê cùng lúc.
Ông có rất nhiều khoản đầu tư vào các công ty năng lượng ở Nga, các công ty khai khoáng ở Nam Phi và các công ty bán lẻ, công nghệ ở Anh.
Chỉ đi làm thuê thôi thì sẽ có cảm giác lương mình hơi “bèo” và bị chủ bóc lột sức lao động. Chỉ làm chủ thôi thì cũng quá rủi ro và dễ phá sản khi nền kinh tế biến động mạnh. Vì vậy, theo ông muốn làm giàu thì phải cứ phải “chân trong chân ngoài” để ổn định và đa dạng hóa nguồn thu nhập.
FILI