Góc nhìn khác trong phân tích nợ xấu và chi phí dự phòng

19/06/2018 16:05
19-06-2018 16:05:00+07:00

Góc nhìn khác trong phân tích nợ xấu và chi phí dự phòng

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh doanh, chất lượng tín dụng là vấn đề được các nhà đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng quan tâm nhất vào mỗi mùa báo cáo tài chính (BCTC). Tỷ lệ nợ xấu cao hay thấp, tăng hay giảm, dự phòng rủi ro nhiều hay ít đều có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, tức là ảnh hưởng đến cổ tức và giá cổ phiếu.


Chi phí dự phòng cao có thực sự tiêu cực?

BIDV là cái tên được nhắc đến khá nhiều trong mùa công bố BCTC quí 1-2018 với chi phí dự phòng ở mức kỷ lục (hơn 6.000 tỉ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng 70% lợi nhuận trước dự phòng). Tuy nhiên, nợ quá hạn của ngân hàng này giảm mạnh 2.402 tỉ đồng, nợ xấu chỉ tăng nhẹ 145 tỉ đồng trong quí 1-2018, nên nhiều khả năng phần lớn chi phí dự phòng đã trích là dự phòng trái phiếu VAMC.

Cần nhớ rằng đến cuối năm 2017, BIDV vẫn là một trong số các ngân hàng “tồn dư” trái phiếu VAMC nhiều nhất với giá trị trái phiếu VAMC còn phải trích lập dự phòng là 9.767 tỉ đồng. Đối với trái phiếu VAMC, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ quy định mức trích lập dự phòng tối thiểu chứ không quy định mức tối đa. Do đó, kết quả lợi nhuận trước dự phòng thường được các ngân hàng cân đối, đảm bảo lợi nhuận trước thuế đạt tốc độ tăng trưởng và hoàn thành kế hoạch được giao, còn lại bao nhiêu sẽ trích lập dự phòng trái phiếu VAMC. Điểm thuận lợi của BIDV là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quí 1-2018 tăng trưởng đến 85% so với cùng kỳ năm 2017. Theo đà tăng trưởng kinh doanh và trích lập dự phòng như hiện nay, BIDV có thể sẽ tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC ngay trong năm 2018. Sau đó, cứ mỗi đồng nợ xấu được thu hồi, ngân hàng sẽ ghi nhận toàn bộ là lợi nhuận. Đa số nợ xấu bán cho VAMC là những khoản nợ có hồ sơ pháp lý rõ ràng và có đầy đủ tài sản bảo đảm, nên việc thu hồi có lẽ chỉ là vấn đề thời gian. Đó chính là “của để dành”, hứa hẹn những khoản lợi nhuận đột biến trong tương lai của ngân hàng. Dưới góc nhìn này, chi phí dự phòng tăng mạnh là điều tốt chứ không phải là điểm tiêu cực, “ăn mòn lợi nhuận” như nhiều người phân tích.

Việc nhận biết các thủ thuật để che giấu nợ xấu cũng giúp nhà đầu tư tránh khỏi những cái bẫy khi mua cổ phiếu ngân hàng, hoặc không lỡ cơ hội đầu tư vào một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhưng minh bạch.

Ở chiều ngược lại, chi phí dự phòng của một số ngân hàng trong quí 1-2018 khá thấp. Một số ý kiến cho rằng các ngân hàng này trích lập dự phòng thấp để “giấu lỗ”. Tuy nhiên, do thông tin trong BCTC quí 1 khá sơ sài nên cần thận trọng khi đưa ra nhận định trên. Thực ra, chỉ tiêu “Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng” trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng là hiệu số giữa chi phí dự phòng được trích lập trong kỳ (tăng chi phí) và thu nhập từ hoàn nhập dự phòng trong kỳ (giảm chi phí). Do đó, hoàn toàn có khả năng chi phí dự phòng thấp nhưng là kết quả của việc hoàn nhập dự phòng (do thu hồi được nợ quá hạn), còn việc trích lập dự phòng vẫn đảm bảo đúng quy định.

Tỷ lệ nợ xấu cao là tốt hay xấu đối với nhà đầu tư?

Tỷ lệ nợ xấu cao ảnh hưởng đến lợi nhuận và phản ánh những yếu kém trong hoạt động tín dụng, tất nhiên là điều ngân hàng không mong muốn. Nhưng đối với các nhà đầu tư dự định mua cổ phiếu ngân hàng, nó có thể mang đến hàm ý khác.

Nhớ lại những năm 2011-2012, sức khỏe của nhiều ngân hàng xấu đi trầm trọng. Có đến chín ngân hàng bị đưa vào danh sách yếu kém, phải tái cơ cấu bắt buộc. Điều đáng nói là các ngân hàng yếu kém này trước đó vẫn công bố kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn mức quy định (3%). Sau thanh tra, tỷ lệ nợ xấu thực sự mới được phát hiện, hầu hết lên đến hai con số. Nhiều ngân hàng bị âm vốn điều lệ, thậm chí âm vốn chủ sở hữu. Hiện nay, nhờ công tác thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý, việc phân loại nợ của các ngân hàng đã chuẩn mực hơn trước. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những khoản nợ xấu lẩn khuất trong các tài sản khác (như các khoản đầu tư, lãi phải thu và các khoản phải thu). Khi đánh giá chất lượng tài sản của ngân hàng, chỉ với thông tin tỷ lệ nợ xấu cao hay thấp là không đủ. Nhà đầu tư cần tìm hiểu và đánh giá thêm những thông tin khác.

Ngược lại, hiện nay đã có một số ngân hàng công bố tỷ lệ nợ xấu cao hơn 3%, kèm theo đó là những khoản chi phí dự phòng lớn. Một tỷ lệ nợ xấu cao, thoáng qua tưởng chừng là tiêu cực nhưng nó cũng có thể chứa thông điệp về sự minh bạch, về áp lực chi phí dự phòng không còn nhiều (vì đã được trích lập đầy đủ). Nhìn trên BCTC, nợ xấu thực sự không đáng sợ bằng những khoản nợ xấu tiềm ẩn (bản chất là nợ xấu nhưng không được phân loại là nợ xấu).

Ngoài ra, một số ngân hàng mới phát triển mạnh mảng cho vay tiêu dùng thông qua công ty tài chính (như VPBank, HDBank) đều báo cáo tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu có chiều hướng tăng lên. Tuy nhiên, do đặc thù của mảng cho vay tiêu dùng tín chấp là rủi ro cao nên tỷ lệ nợ xấu được xem là chấp nhận được cũng ở mức cao (khoảng 5%). Đồng thời, rủi ro nợ xấu của mảng cho vay tiêu dùng tín chấp cũng đã được bù đắp bởi lãi suất cho vay cao gấp 3-5 lần so với khoản vay thông thường.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu có nhiều ý nghĩa hay không?

Một số chuyên viên phân tích thường sử dụng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (Số dư dự phòng/Nợ xấu) để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu. Vietcombank là ngân hàng đang có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn hệ thống (123% vào cuối quí 1-2018). Nhưng tỷ lệ này cao hơn 100%, không lẽ Vietcombank trích lập dự phòng nhiều hơn số nợ xấu mình đang có? Thực ra không phải như vậy. Nguyên nhân khiến tỷ lệ này có thể vượt 100% là do số dư dự phòng được sử dụng làm tử số không chỉ là dự phòng của riêng nợ xấu (nhóm 3, 4, 5) mà còn bao gồm: (1) Dự phòng chung của các khoản nợ nhóm 1, nhóm 2 và (2) Dự phòng cụ thể của các khoản nợ nhóm 2.

Dự phòng chung (bằng 0,75% dư nợ) là khoản dự phòng mà các ngân hàng phải trích với bất kỳ khoản tín dụng nào (trừ nợ nhóm 5). Cứ cho vay 1 đồng, ngân hàng phải trích dự phòng chung 0,75 đồng, mặc dù khoản vay vẫn được đánh giá là tốt. Dự phòng chung thường chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số dư dự phòng (trường hợp của Vietcombank vào cuối quí 1-2018 là 42,7%). Tính thêm dự phòng cụ thể của các khoản nợ nhóm 2 thì tử số và mẫu số của công thức (Số dư dự phòng/Nợ xấu) càng thiếu tính đồng nhất, dẫn đến ý nghĩa phân tích cũng giảm đi.

Thực ra, công thức tính tỷ lệ bao phủ nợ xấu phù hợp hơn phải là: Số dư dự phòng của các khoản nợ xấu/Nợ xấu. Tuy nhiên, BCTC của các ngân hàng Việt Nam không có thông tin về số dư dự phòng của các khoản nợ xấu, thay vào đó, dự phòng chỉ được chia thành dự phòng chung và dự phòng cụ thể. Các nhà đầu tư có thể tham khảo một tỷ lệ khác thay thế, tạm gọi là “Tỷ lệ bao phủ nợ quá hạn”, được tính bằng (Số dư dự phòng cụ thể + 0,75% dư nợ nhóm 2, 3, 4)/Tổng nợ quá hạn. Tỷ lệ này của Vietcombank vào cuối quí 1-2018 là 39,9%, hàm ý rằng trong 13.978 tỉ đồng nợ quá hạn, ngân hàng này đã trích lập dự phòng 5.583 tỉ đồng (39,9%). Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra (toàn bộ nợ quá hạn này không thu hồi được và tài sản bảo đảm mất giá trị hoàn toàn) thì chi phí dự phòng tối đa phải trích thêm là 8.395 tỉ đồng.

Phân tích nợ xấu là công việc không quá phức tạp nhưng nó đòi hỏi nhà đầu tư phải am hiểu về nguyên tắc kế toán, trong đó quan trọng nhất là nguyên tắc phân loại nợ và trích lập/hoàn nhập dự phòng. Bên cạnh đó, việc nhận biết các thủ thuật để che giấu nợ xấu cũng giúp nhà đầu tư tránh khỏi những cái bẫy khi mua cổ phiếu ngân hàng, hoặc không lỡ cơ hội đầu tư vào một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhưng minh bạch.

Phong Hiếu

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Tổ chức tín dụng sẽ phải tuân thủ giới hạn về góp vốn, mua cổ phần từ 1/7/2025

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư quy định về việc xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức...

Ngân hàng còn phải cạnh tranh cả chính sách cho vay

Hiện đang diễn ra cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay khốc liệt, cho nên các ngân hàng không chỉ cạnh tranh về lãi suất mà còn phải cạnh tranh về chính sách cho vay.

Công khai lãi suất cho vay bình quân và cuộc đua tín dụng

Việc công bố lãi suất cho vay bình quân có thể sẽ trở thành một công cụ quan trọng để các ngân hàng cạnh tranh thu hút khách hàng tín dụng trong giai đoạn tới, nhất...

Vì sao vay ngân hàng trên 100 triệu đồng phải cung cấp thông tin người liên quan?

Dư luận xã hội đang quan tâm về việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến ban hành quy định người vay trên 100 triệu đồng phải cung cấp thông tin người liên quan.

Đồng USD tăng giá trở lại

Tuần qua (11-15/03/2024), giá USD bật tăng mạnh trên thị trường quốc tế do nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng về việc hạ lãi suất của Mỹ sau khi dữ liệu lạm phát cho thấy...

Làm thế nào để nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ ngân hàng?

Thông tin, tư vấn và tuyên truyền các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ thẻ ngân hàng nói riêng có vai trò quan trọng các ngân hàng thương mại (NHTM...

Đề xuất gói vay 30 tỷ đồng với lãi suất cố định 4.8% cho người mua nhà ở xã hội

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tổ chức sáng 16/03, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE:...

Cho vay nhà ở xã hội bị hạn chế lãi suất sinh lời nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư

Đó là chia sẻ của ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank, CTG) tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã...

SHB đồng loạt giảm lãi suất cho vay chỉ còn từ 5.79%/năm

Tích cực đồng hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh, mới đây, Ngân hàng Sài Gòn – Hà...

Mạnh tay hạ thêm lãi suất cho vay

Ngân hàng cần tiếp tục giảm chi phí để giảm thêm lãi suất, nhà nước bảo lãnh là các yếu tố then chốt hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98