TTF trong “tâm bão” và nhân duyên với bầu Thắng
TTF trong “tâm bão” và nhân duyên với bầu Thắng
Ngày 25/10 vừa qua, ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 của TTF đã được tổ chức với nhiều nội dung đáng chú ý, nổi cộm là thương vụ sáp nhập CTCP Sứ Thiên Thanh. Cùng với đó, TTF cũng tiến hành xin ý kiến cổ đông về việc đổi tên Công ty và thay đổi trong thành phần nhân sự chủ chốt.
Phần phát biểu tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường 2018 của ông Hồ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT TTF.
|
Theo đó, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) sẽ có tên mới là CTCP Total Furniture. Trong Đại hội lần này, ông Nguyễn Trọng Hiếu – Phó Tổng giám đốc thường trực cũng được bầu làm Thành viên HĐQT thay thế ông Hà Hoàng Thế Quang. Ngoài ra, TTF cũng tiến hành thay đổi, bổ sung đối với điều lệ Công ty.
Sứ Thiên Thanh – nhân duyên với bầu Thắng?
Sứ Thiên Thanh là công ty con thuộc CTCP Đồng Tâm của ông bầu bóng đá nổi tiếng Võ Quốc Thắng. Sản phẩm chính của Sứ Thiên Thanh là sứ vệ sinh (bồn, chậu,…), chủ yếu là phân khúc thấp. Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Mai Hữu Tín, thị trường sứ vệ sinh tăng trưởng bình quân 22% mỗi năm, và mức lãi trong ngành này cũng lên đến hơn 10%, tốt hơn so với ngành gỗ.
Thương vụ sáp nhập sẽ tiến hành theo phương thức hoán đổi cổ phần. Theo đó, TTF dự kiến sẽ phát hành gần 96.6 triệu cp để hoán đổi với tỷ lệ 8.21:1 (tức 8.21 cp TTF đổi 1 cp Sứ Thiên Thanh ).
Được biết, đơn vị định giá giá trị của TTF và Sứ Thiên Thanh lần lượt là 3,747 đồng/cp và 30,600 đồng/cp. Định giá này cũng là vấn đề gây nhiều khúc mắc nhất cho các cổ đông có mặt tại Đại hội và đã nổ ra không ít tranh cãi. Nhiều cổ đông lo ngại về tính hợp lý của mức định giá và hiệu quả kinh tế sau khi thực hiện sáp nhập.
Theo giải thích từ phía TTF, đây là mức định giá được thực hiện bởi 2 công ty là CTCK Bảo Việt (HNX: BVS) và CTCP Thẩm định giá Đông Nam. Hơn nữa, Sứ Thiên Thanh là thương hiệu lâu năm và cũng đang sở hữu một lô đất 50,000 m2 có giá trị không nhỏ. Mục tiêu của TTF khi có Sứ Thiên Thanh là hợp tác với đối tác là một công ty nội thất lớn của Ý để làm sản phẩm phân khúc cao cấp hơn. Ông Tín cho biết thêm: “Sự đóng góp của Sứ Thiên Thanh còn tùy thuộc vào mức độ đầu tư nguồn lực của TTF, nhưng chí ít mỗi năm chúng ta cũng có khoản thu nhập 20 tỷ đồng”.
“Tôi đang đề nghị với quý vị cổ đông một việc mà chúng ta phải làm nếu muốn Công ty này tiếp tục tồn tại”, ông Tín bộc trực trong phần nghị sự.
Chưa dừng lại ở đó, phía đại diện TTF cho biết thêm Công ty hiện cũng đang đàm phán với Cửa nhựa Đồng Tâm. Như vậy, sau Sứ Thiên Thanh, mối lương duyên của TTF với bầu Thắng liệu có tiếp tục?
Bức tranh tài chính của TTF hiện ra sao?
Tình hình tài chính của TTF cũng là nỗi trăn trở của không ít cổ đông tham gia Đại hội lần này.
“Về các khoản cần thu hồi đã được trích lập trong BCTC quý 2/2018 thì đến thời điểm này TTF chưa thu hồi được và theo đánh giá thì rất khó để có thể thu hồi” - vị Giám đốc tài chính của TTF trình bày.
Phía TTF cũng cho biết, tồn kho của Công ty là nguyên liệu gỗ bao gồm cả gỗ đắt tiền và cả gỗ ít giá trị sử dụng. Vì thế, TTF quyết định sẽ bán thanh lý phần gỗ khó sử dụng và đương nhiên sẽ phải chấp nhận bán lỗ. Về phần thành phẩm tồn kho thì không đáng kể.
“Vậy thì khi nào TTF mới có lời?”, một cổ đông thắc mắc.
“Sau khi sáp nhập được Sứ Thiên Thanh vào TTF, trích lập đủ các chi phí dự phòng trong cuối năm 2018 này và xử lý được các vấn đề tồn đọng còn lại thì năm sau 2019 chúng ta có thể lãi thôi. Nhưng xin nhắc lại rằng một TTF đang “yếu ớt” mà phải gánh trên trăm tỷ mỗi năm tiền lãi là một áp lực vô cùng lớn. Nhưng chúng ta phải cố gắng mọi khả năng để giải quyết xong những vấn đề quá khứ” - ông Tín trả lời.
Phía TTF cũng cho biết, năm 2018 sẽ không đạt được kế hoạch đề ra. “Năm 2018 là mốc để xử lý toàn bộ vấn đề của TTF và từ 2019 chúng ta sẽ tốt lên chứ không thể xấu hơn. Chúng tôi sẽ giữ kế hoạch 5 năm như cũ và sẽ làm trên mức đó chứ không thể dưới” - ông Tín Tiếp lời.
Vị đại diện của TTF cũng cho biết khúc mắt lớn nhất với Công ty là vấn đề nợ, thì các chủ nợ chính gần như đã xử lý xong. Sang 2019, TTF sẽ sạch nợ, và khi đó có quyền hy vọng vào việc hoàn thành các kế hoạch đề ra.
Ông Tín cũng cho biết: “Để có thể cơ cấu giai đoạn tới, TTF cần tăng thêm 1,000 tỷ vốn điều lệ theo ước đoán cẩn trọng của Ban lãnh đạo, nhưng đây chưa phải con số chính xác nhất cũng như chưa đủ cơ sở pháp lý”.
Và lời nhắn nhủ với cổ đông: “Nếu các vị đang đầu tư bằng tiền túi, tiền tiết kiệm thì giữ đó. Nếu đi vay thì bán đi vì cuộc chiến tại TTF còn lâu dài và chưa chắc gì chúng tôi chia cổ tức trong 5 năm tới. Tôi thích một cuộc chơi dài hạn và những thách thức mà tôi đang có, và nếu quý vị sẵn lòng đi cùng tôi con đường như vậy thì hãy ở lại.”
FILI