Những câu chuyện công nghệ đáng buồn nhất năm 2018

20/11/2018 15:35
20-11-2018 15:35:00+07:00

Những câu chuyện công nghệ đáng buồn nhất năm 2018

Ngoài những tiến bộ về khoa học công nghệ, 2018 còn chứng kiến những mặt trái còn tồn tại và ngày càng nghiêm trọng hơn. 

Năm 2018 là một năm có nhiều nỗi buồn của ngành công nghệ, có thể kể đến những rắc rối trên mạng xã hội, vụ lộ thông tin của Facebook hay những phát ngôn thiếu cẩn trọng của Elon Musk.

Logan Paul và nội dung nhảm trên YouTube

YouTube đã chịu một loạt chỉ trích vào cuối năm 2017 khi loạt video có nội dung độc hại hướng tới trẻ em bị khui ra. Tới đầu năm nay, mạng xã hội này tiếp tục phải đau đầu vì một trong những người sáng tạo nội dung nổi tiếng nhất, Logan Paul.

Vào ngày 31/12/2017, Logan Paul đã đăng tải video gây tranh cãi. Trong video, anh này đã vào “khu rừng tự sát” của Nhật, và còn quay lại chi tiết hình ảnh một người tự xác trong đó.

Video chủ đề nhạy cảm của Logan Paul tạo nên làn sóng phản đối, đòi YouTube phải xóa tài khoản của anh này.

Chỉ chưa đầy 24 giờ sau, làn sóng phản đối của cộng đồng khiến Logan Paul phải đưa ra một video xin lỗi. Đến ngày 10/1/2018, YouTube chính thức loại Logan Paul khỏi danh sách những nhà sáng tạo được ưu tiên về quảng cáo. Một loạt hợp đồng khác của anh này cũng bị huỷ bỏ.

Tuy vậy, chỉ chưa đầy 1 tháng sau, Logan Paul đã hoạt động trở lại trên YouTube. Đến nay, kênh của anh này vẫn đang hoạt động với hàng triệu lượt xem cho mỗi video.

Sự lệch lạc về nội dung trên YouTube cũng khiến công ty này gặp rắc rối về pháp lý. Vào tháng 4/2018, 20 nhóm bảo vệ trẻ em đã gửi thư tới Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), khiếu nại về việc công ty này theo dõi thông tin của trẻ em và kiếm tiền từ các quảng cáo nhắm tới trẻ em. 

Scandal lộ dữ liệu 87 triệu người dùng Facebook

Đầu năm nay, CEO của Facebook là ông Mark Zuckerberg nói rằng mục tiêu năm nay của ông là đem lại sự ổn định cho Facebook. Đến lúc này, có thể nói mục tiêu đó đã hoàn toàn thất bại.

Vào tháng 3/2018, loạt phóng sự điều tra của New York Times, Guardian và Observer đã hé lộ vụ việc làm lộ dữ liệu số lượng lớn của Facebook. Ước tính có tới 87 triệu người dùng đã bị lộ các thông tin như tên tài khoản, email, lượt thích và bạn bè.

Một loạt hình của Mark Zuckerberg bị đem ra để chế nhạo khi ông ra điều trần ở Quốc hội Mỹ vào tháng 4/2018.

Không dừng lại ở đó, đối tác làm lộ thông tin là Cambridge Analytica cũng từng dính dáng tới kỳ bầu cử năm 2016 của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Facebook còn lộ ra là đã phát hiện vụ việc từ 3 năm trước, nhưng không hề công bố. Cuối cùng, Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Sau Quốc hội Mỹ, CEO của Facebook còn phải điều trần ở Nghị viện Châu Âu vào tháng 5/2018. Tại đây, tỷ phú trẻ tuổi tiếp tục né tránh các câu hỏi khó. Đa phần những nhà làm luật đều bức xúc trước phần trả lời quanh co của Zuckerberg. Chưa dừng lại ở đó, tới thời điểm hiện tại đã có 8 quốc gia yêu cầu tổ chức một cuộc điều trần quy mô quốc tế để chất vấn Mark Zuckerberg.

Vụ Cambridge Analytica không phải vụ việc duy nhất khiến hàng chục triệu người dùng Facebook bị ảnh hưởng. Ngày 25/9, một lỗ hổng khác trong tính năng "view as" được phát hiện, cho phép hacker chiếm đoạt tài khoản người dùng bằng cách sử dụng chuỗi mã token. Đây là vụ tấn công rất nghiêm trọng vì hacker có thể lấy mã token trực tiếp từ Facebook chứ không thông qua ứng dụng bên thứ ba.

Ngay lập tức, Facebook phải đặt lại token của 50 triệu tài khoản bị ảnh hưởng trực tiếp, cùng 40 triệu tài khoản "dự phòng". Tổng cộng, có tới 90 triệu người sẽ phải đăng nhập lại Facebook trên các thiết bị, và chỉ biết được nguyên nhân vài ngày sau, khi Facebook công bố.

Chưa giải quyết được vấn đề về sản phẩm, Facebook còn bị phanh phui cách truyền thông "bẩn" để hướng sự chỉ trích tới đối thủ. Loạt bài viết điều tra của New York Times cho thấy những vị lãnh đạo của Facebook đã dùng rất nhiều chiến thuật như lôi kéo đồng minh, đánh lạc hướng sự chỉ trích... để giảm nhẹ sự chú ý tới công ty và khiến các đối thủ của mình chịu chung sự chỉ trích từ công chúng cũng như những nhà làm luật.

Sau một năm nhiều sóng gió, Facebook đã mất đi nhiều nhân viên cấp cao. Alex Stamos, Giám đốc bảo mật của Facebook nghỉ việc vào ngày 2/8. Ông Stamos là người đã phát hiện sự can thiệp từ Nga vào đầu năm 2017. Luật sư trưởng của Facebook, ông Colin Stretch cũng đã thông báo nghỉ việc, nhưng sau đó lùi mốc thời gian tới năm 2019.

Dù vậy, hai lãnh đạo cao nhất của công ty là CEO Mark Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg vẫn đang tại vị.

Bitcoin lên đỉnh và tụt dốc không phanh

"Đỉnh cao" và "vực sâu" là những từ đúng nhất để diễn tả Bitcoin năm vừa qua.

Đồng tiền kỹ thuật số này ra đời với tham vọng thay thế tiền tệ truyền thống, nhưng nó đã trở thành một cơn điên đầu tư. Giá của Bitcoin ở các sàn giao dịch giao động không theo một quy luật nào, ảnh hưởng mạnh bởi những tin đồn từ phố tài chính. Cuối năm 2017, giá Bitcoin đạt tới mức cao nhất là 19.500 USD, còn ở thời điểm này giá mỗi đồng Bitcoin chỉ còn 5.500 USD.

Bitcoin giờ chỉ như một trò đùa, một ví dụ cho thấy tương lai của tiền kỹ thuật số lao đao như thế nào. Ăn theo Bitcoin, rất nhiều công ty startup mở ra để tận dụng công nghệ Blockchain, nhưng chẳng mấy công ty làm ăn tử tế. Tại Việt Nam, đã có nhiều trường hợp lợi dụng tiền kỹ thuật số để lừa đảo như iFan, Bitconnect.

Xe tự lái của Uber đâm chết người

Ngày 19/3, xe tự lái của Uber đã đâm chết một người phụ nữ vào lúc 10h tối. Trên xe lúc đó đang có một người ngồi ở vị trí ghế lái nhưng người này không để ý, và va chạm xảy ra khi xe đang đi với vận tốc trên 60 km/h.

Sau những cuộc điều tra, cảnh sát Arizona và Cục An toàn giao thông của Mỹ kết luận Uber đã ngắt hệ thống phanh khẩn cấp trên chiếc xe. Vụ việc này là lần đầu tiên một chiếc xe tự lái đâm phải người đi đường và gây hậu quả nghiêm trọng. Uber sau đó đã phải tạm dừng chương trình xe tự lái.

Elon Musk không biết giới hạn trên mạng xã hội

Tỷ phú sáng lập công ty xe điện Tesla vốn là người tích cực hoạt động mạng xã hội, và ông cũng thường xuyên đưa ra những phát ngôn tranh cãi trên Twitter. Tuy nhiên trong năm 2018, Musk đã 2 lần phải muối mặt xin lỗi và thậm chí là nhận hậu quả từ những phát ngôn của mình.

Vào tháng 7/2018, Elon Musk đề nghị được đưa tàu ngầm do Tesla phát triển tới giải cứu đội bóng “Lợn rừng” bị mắc kẹt trong hang động tại Thái Lan. Tuy nhiên đề nghị của ông không được chào đón, và còn bị một thợ lặn chê bai. Đáp lại, Elon Musk gọi thợ lặn Vernon Unsworth là “gã ái nhi”.

Năm 2018, Elon Musk dính vào nhiều scandal “vạ miệng” trên Twitter. Ông cũng nhiều lần chia sẻ về sự mệt mỏi khi dành quá nhiều thời gian để làm việc.

Sau khi nhận quá nhiều phản ứng tiêu cực, Elon Musk đã phải lên tiếng xin lỗi ông Unsworth, thừa nhận mình đã quá lời trong lúc giận dữ.

Chưa đầy 1 tháng sau, Elon Musk lại một lần nữa lãnh hậu quả từ những dòng tweet. Trong lúc ngồi trên xe ra sân bay vào ngày 7/8, ông đăng một dòng chữ trên Twitter: “Đang cân nhắc chuyển Tesla thành công ty tư giá 420 USD. Nguồn tiền đã có”.

Dòng tweet này sau đó khiến rất nhiều người tranh cãi về tính khả thi. Elon Musk sau đó còn bị Cơ quan Chứng khoán Mỹ (SEC) điều tra và khởi kiện. Lần này thì không chỉ có lời xin lỗi là đủ. Musk buộc phải từ chức chủ tịch Tesla, và công ty xe điện này đóng phạt 20 triệu USD vì không có biện pháp giám sát các đăng tải của Elon Musk trên mạng xã hội.

Google và bóng ma quấy rối tình dục ở thung lũng Silicon

Tháng 10/2018, New York Times đăng tải bài viết tiết lộ Andy Rubin, người tạo ra hệ điều hành Android và từng là nhân sự cấp cao tại Google đã nhận được tới 90 triệu USD để rời khỏi công ty, sau khi ông bị tố cáo đã quấy rối tình dục với nhân viên khác.

Không chỉ có Andy Rubin, nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Google cũng bị NY Times chỉ rõ trong bài viết là đã từng quấy rối tình dục đồng nghiệp nữ.

Một nhân viên Google tại San Francisco giơ tấm bảng có nội dung: "Tôi báo cáo lại sự việc và ông ta được thăng chức".

Bài viết này đã gây nên sự giận dữ đối với rất nhiều nhân viên của Google. Ngày 1/11, nhân viên Google ở nhiều văn phòng trên thế giới đồng loạt dừng công việc, tụ tập và đưa ra những khẩu hiệu phản đối nạn quấy rối tình dục tại công sở.

Được gọi tên là Google Walkout, cuộc đồng hành là lời tuyên bố chính thức đầu tiên của những nhân viên làm việc tại thung lũng Silicon trước nạn quấy rối tình dục. CEO Sundar Pichai sau đó cũng phát thông điệp ủng hộ phong trào Google Walkout.

Nhật Minh

ZING.VN





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Apple tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước Đông Nam Á

Apple đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi kéo dài cả thập kỷ nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á, cả về...

NVIDIA cùng doanh nghiệp Việt xây dựng nhà máy AI 200 triệu USD

Ngày 23/04, Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) công bố hợp tác chiến lược với đại gia công nghệ NVIDIA về thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), cung cấp dịch vụ, giải...

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu giảm phí trước bạ ôtô trong tháng 5

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất trong tháng 5/2024 việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm...

Ế khách thuê xe tự lái chơi lễ

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày được xem là cơ hội cho các ứng dụng (app) cho thuê xe tự lái "hốt bạc". Song thực tế, đến thời điểm này, số lượng khách đặt...

Google tiếp tục sa thải số lượng lớn nhân viên nhằm cắt giảm chi phí

Động thái của Google và những diễn biến tương tự trong khắp ngành công nghệ năm nay làm tăng thêm lo ngại rằng việc sa thải có thể tiếp tục xảy ra khi các công ty...

Những câu hỏi mà dân bán ô tô không thích nghe vì khó moi tiền khách hàng

Một ông chủ đại lý ô tô có kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề đã chia sẻ những câu hỏi mà người mua xe đặt ra có thể khiến nhân viên bán ô tô khó chịu. Điều đó cũng...

Ứng dụng AI vào công việc – không thể cưỡi ngựa xem hoa

Các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) rất hữu ích trong công việc nhưng để có thể vận dụng hiệu quả thì không đơn giản. Một số người dùng có tâm lý nôn nóng, muốn đạt...

Khi các Big Tech không còn được "nuông chiều"

Sau hơn một thập kỷ được “nuông chiều,” các Big Tech đang phải đối mặt với xu hướng siết chặt quản lý từ các cơ quan thực thi chống độc quyền của Mỹ.

Thị trường xe máy chạm đáy, doanh số xuống thấp kỷ lục trong 6 năm qua

Trong cả quý I/2024, 5 hãng xe máy gồm Honda, Yamaha, Suzuki, SYM và Piaggio chỉ bán ra tổng cộng hơn 600.000 chiếc, thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Apple kêu gọi đảo ngược lệnh cấm nhập khẩu đồng hồ thông minh

Theo Apple, lệnh cấm không thể có hiệu lực vì một thiết bị đeo của Masimo được cấp bằng sáng chế "hoàn toàn chỉ là giả thuyết" khi hãng này nộp đơn khiếu nại ITC...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98