Triệt bỏ tín dụng đen: Khó nhưng vẫn có giải pháp!

21/12/2018 08:33
21-12-2018 08:33:06+07:00

Triệt bỏ tín dụng đen: Khó nhưng vẫn có giải pháp!

Tuy khó nhưng không phải không xử lý được nạn tín dụng đen vì luật đã quy định rõ về các tội danh: cho vay nặng lãi, đe dọa người khác, xâm phạm chỗ ở của người khác.

Khó vay vốn ngân hàng, công ty tài chính, người dân vẫn phải tìm đến tín dụng đen. Ảnh: Ngọc Thắng

Công an, địa phương cần “xử lý đến nơi, đến chốn”

Theo một lãnh đạo của Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an, hiện nay hoạt động tín dụng đen do các băng nhóm có nhiều hành vi phạm pháp tổ chức. Băng nhóm hoạt động tín dụng đen thường đe dọa, uy hiếp nạn nhân. Đối tượng là người cho vay ít khi ra mặt mà thường thuê các băng nhóm ra mặt nên việc điều tra gặp khó khăn. “Tuy nhiên, không phải không xử lý được vì luật đã quy định rõ về các tội danh cho vay nặng lãi, đe dọa người khác, xâm phạm chỗ ở của người khác...”, vị lãnh đạo này nói và khẳng định: “Quan trọng là cơ quan công an, địa phương có quyết liệt xử lý đến nơi đến chốn hay không”.

Về việc xử lý các đối tượng liên quan đến tín dụng đen, đại tá Trần Văn Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận (nguyên Phó cục trưởng C02), cho biết Công an tỉnh Bình Thuận đã rà soát và phát hiện 41 nhóm với 202 đối tượng tổ chức cho vay nặng lãi và đã khởi tố 6 vụ với 10 đối tượng cho vay kiểu tín dụng đen có những hành vi, như: cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái phép, cưỡng đoạt tài sản...

Liên quan đến hoạt động tín dụng đen, đại tá Nguyễn Tri Phương, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh, các đối tượng cho vay lãi nặng hoạt động ngày càng công khai. Tính đến nay, các đơn vị nghiệp vụ đã xử phạt hành chính 39 người có hành vi dán quảng cáo, tờ rơi có nội dung vay tiền trả góp; bắt 7 vụ với 27 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng (lãi suất 25 - 30%/tháng) và bắt giữ người trái pháp luật...

Theo đại tá Phương, các đối tượng thường núp bóng dưới hình thức kinh doanh cơ sở cầm đồ, sửa chữa mua bán điện thoại di động, cửa hàng tạp hóa... Đa phần những người này là dân các tỉnh khác, nhất là các tỉnh phía bắc đến hoạt động; thường không lập công ty mà thuê các căn nhà, nhà trọ để hoạt động. “Hiện các đối tượng “biến tướng”, né tránh việc xử lý của cơ quan chức năng dưới hình thức thay vì ký hợp đồng cho vay thì ký hợp đồng cho thuê xe. Do đó, để củng cố chứng cứ, đấu tranh xử lý các trường hợp này rất khó khăn”, đại tá Phương nói.

Siết quản lý tạm trú

Theo đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, Ban Giám đốc Công an TP đã triển khai kế hoạch chuyên đề về chống tội phạm tín dụng đen.

Đối với lực lượng cảnh sát hình sự, giám đốc đã chỉ đạo tăng cường phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin với các lực lượng quản lý hành chính ở địa phương, kể cả quản lý chặt chẽ số đối tượng đến tạm trú hoặc không đăng ký, phát hiện kịp thời và tổ chức giám sát chặt chẽ. Nếu đơn vị địa phương nào không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của giám đốc, để đối tượng ngoại tỉnh đến hoạt động mà Công an TP phát hiện, thì trưởng công an quận huyện phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công an TP.

Theo thống kê của Công an TP.Đà Nẵng, qua điều tra, theo dõi, lực lượng đã lập danh sách giám sát 326 đối tượng có dấu hiệu hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. Trong đó, có 262 người địa phương và 64 đối tượng ngoại tỉnh mà chủ yếu từ phía bắc. Tinh vi hơn, loại tội phạm này thành lập 13 công ty tài chính, tư vấn, cầm cố tài sản để núp bóng cho vay nặng lãi.

Theo đại tá Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP.Cần Thơ, chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm và chưa đủ sức răn đe với loại tội phạm này. Cụ thể, về mặt chế tài, theo điều 201 bộ luật Hình sự 2015, mức phạt tiền đối với tội danh này cao nhất 1 tỉ đồng và mức phạt tù cao nhất 3 năm là chưa đủ sức răn đe.

Xét về mặt khách thể, tội phạm này chỉ là tội phạm xâm phạm đến chế độ quản lý của nhà nước về tín dụng với tính chất nguy hiểm cho xã hội là ít nghiêm trọng (xét theo khung hình phạt cao nhất). Tuy nhiên, đây lại là nguồn gốc phát sinh của rất nhiều tội phạm rất nghiêm trọng khác mà điển hình là: cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích (thông qua hành vi đòi nợ, siết nợ) hay hủy hoại tài sản, làm nhục người khác (tạt sơn, chất bẩn, bôi nhọ danh dự...). Do đó, cần thiết phải có sự điều chỉnh mức hình phạt đối với loại tội phạm này nhằm đảm bảo tính răn đe, góp phần hạn chế việc phát sinh tội phạm cho vay lãi nặng cũng như các tội phạm có liên quan.

Rà soát, sửa đổi các quy định phù hợp thực tế

Theo ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, vấn đề tín dụng đen đã được đặt ra từ lâu, song nhức nhối và phức tạp nhất hiện nay là việc cho vay rồi bảo kê, tổ chức đòi nợ với các hành vi côn đồ, khủng bố người dân gây ảnh hưởng xấu tới trật tự xã hội. Vì vậy, việc xử lý vấn đề này không hoàn toàn nằm ở hoạt động tín dụng, vay và cho vay mà phải xử lý nghiêm các hành vi sau đó như đòi nợ thuê, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác.

Trước hết cần phải rà soát, sửa đổi các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới vấn đề này cả về hành vi vi phạm cũng như mức phạt cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính răn đe. Cụ thể, quy định xử phạt đối với hành vi cho vay nặng lãi vượt quá quy định của bộ luật Dân sự cần phải căn cứ theo hậu quả để nâng mức phạt lên, tránh bị lạc hậu so với tình hình thực tế. Đối với các hành vi vi phạm an ninh, trật tự cũng cần bổ sung để bao quát được hết các hành vi như khủng bố về tinh thần mà hậu quả chưa đến mức độ nặng để có cơ sở xử lý những hành vi này.

Một điểm quan trọng khác là hiện nay có nhiều loại hình dịch vụ đang bị biến tướng như núp bóng các cơ sở cầm đồ, công ty tài chính rồi cho thuê, mượn tài sản nhưng thực chất là cho vay nặng lãi. Trong tình hình hiện nay, quản lý nhà nước về các hoạt động này cần phải được rà soát, xem xét và chấn chỉnh lại. Các cơ quan chức năng như NHNN, chính quyền các địa phương cần phải tham mưu, ban hành các văn bản quy định liên quan tới hoạt động này để ngăn chặn được tình trạng biến tướng, lợi dụng các dịch vụ này để hoạt động cho vay nặng lãi.

 

Cần dùng nhiều biện pháp

Ngày 20.12, Thanh Niên Online đã thực hiện phần thăm dò ý kiến bạn đọc về các giải pháp căn cơ triệt bỏ tín dụng đen với các lựa chọn: Có 25% bạn đọc tin rằng “sửa, bổ sung luật để có thể xử lý hình sự đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen” là biện pháp hữu hiệu. 17% bạn đọc nhận định “ngân hàng tạo điều kiện cho người dân vay vốn bằng cách đơn giản hóa thủ tục” là cách khiến tín dụng đen hết đất sống.

Chỉ có 3% bạn đọc chọn giải pháp “phạt nặng người vay lẫn cho vay”, và cũng chỉ có 3% bạn đọc tin vào giải pháp “tuyên truyền cho người dân về hệ quả của tín dụng đen” .

Cùng với việc trả lời khảo sát, bạn đọc cũng để lại nhiều ý kiến về nạn tín dụng đen. Bạn đọc Lê Thoại (TP.HCM) cho rằng “nên sửa lại luật, đưa tín dụng đen vào tội hình sự”. Bạn đọc Bùi Tá Vinh (Quảng Ngãi) đặt nhiều câu hỏi: “Vấn nạn tín dụng đen” mà người dân thường ví von là “ngân hàng bờ tường cột điện” đã tồn tại từ nhiều năm qua, không lẽ các cơ quan chức năng không biết? Phải chăng luật pháp nước ta có nhiều kẽ hở , nên những loại tội phạm này mới có đất dụng võ? Cũng không loại trừ những người có trách nhiệm biết mà làm ngơ.

Kim Lan

Thanh Niên

Thanh Niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Giá USD suy yếu

Tuần qua (02-03/05/2024), giá USD trên thị trường quốc tế giảm đáng kể sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Đề xuất mức trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Nghị định quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động...

Lãi suất cho vay mới nhất của các ngân hàng thương mại

Nhiều ngân hàng công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay tháng 4. Tuy nhiên, một số nhà băng chỉ công bố lãi suất cho vay cơ...

NHNN đề xuất cấm tổ chức tín dụng khuyến mại trái quy định khi nhận tiền gửi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đề xuất nghiêm cấm tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình...

SHB cấp hạn mức thấu chi lên tới 300 triệu đồng hỗ trợ khách hàng mở rộng kinh doanh

Với hạn mức thấu chi hấp dẫn cùng nhiều ưu đãi thanh toán, gói giải pháp tài chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ góp phần giúp các hộ kinh doanh tháo...

Ngân hàng nào đang cho vay mua nhà lãi suất thấp nhất?

Bước sang tháng 5, trong khi lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ thì một số nhà băng vẫn giảm lãi suất cho vay mua nhà.

Bộ Công an sẽ tham gia xử lý tình trạng sở hữu chéo ngân hàng

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ...

Thủ tướng chỉ thị các ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024. Chỉ thị của Thủ...

NHNN vẫn đấu thầu 16,800 lượng vàng miếng

Sau phiên đấu thầu bất thành (25/4), NHNN tiếp tục thông báo đấu thầu vàng miếng vào sáng 03/5.

Tại sao chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên phải xác thực sinh trắc học?

Kể từ ngày 1/7/2024, mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98