Các dự án chống ngập sẽ 'chạy' nhanh hơn

08/01/2019 15:00
08-01-2019 15:00:00+07:00

Các dự án chống ngập sẽ 'chạy' nhanh hơn

Đó là nhận định của cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia sau khi công tác chống ngập ở TP.HCM đã chính thức được "gộp" về một đầu mối là Sở Xây dựng thay vì phải "chạy" nhiều cửa như trước đây.

Ngập nước, kẹt xe trên đường Đinh Bộ Lĩnh (TP.HCM). Ảnh: Ngọc Dương

Các dự án trọng điểm đều chậm

Theo quyết định đã được UBND TP phê duyệt, Sở GTVT TP.HCM chính thức chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước đô thị; chiếu sáng đô thị; công viên, cây xanh đô thị; chức năng khai thác, duy tu, bảo trì các công trình về chiếu sáng đô thị; công viên, cây xanh đô thị qua Sở Xây dựng. Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh TP loay hoay hơn một thập niên với đủ phương án, đổ hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm vào hàng loạt dự án chống ngập nhưng tình trạng ngập lụt không giảm mà ngày càng nghiêm trọng.

Báo cáo tổng kết tình hình xóa giảm ngập năm 2018 của Trung tâm chống ngập, hầu hết các dự án, biện pháp đã thực hiện được đều thuộc công tác quản lý, duy tu, nạo vét các đường cống, miệng thu nước, một số đoạn kênh, rạch. Trong khi các dự án lớn, mang tính chất quyết định như dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” do Trung Nam Group làm chủ đầu tư, được kỳ vọng sẽ trở thành “vị cứu tinh” cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM; dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh - “rốn ngập” của TP và loạt dự án hạn chế ngập nước do triều cường tại 13 tuyến đường (tăng 2 tuyến so với 2017) trên địa bàn toàn TP vẫn đang trong giai đoạn triển khai, chưa triển khai hoặc bất động. Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, khu vực trung tâm cần có 6.000 km cống các loại nhưng hiện nay hệ thống cống chỉ đạt gần 70%, tương đương 4.176 km. TP mới hoàn thành cơ bản 2 nhà máy xử lý nước thải trên tổng số 12 nhà máy theo quy hoạch, thực hiện được khoảng 64/149 km đê bao ven sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều lớn (cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè), các hạng mục khác đang triển khai.

Khâu xét duyệt cũng mất tới 3 năm

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập kéo dài “không lối thoát” tại TP.HCM như hiện nay là do cơ chế mà cụ thể là sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan quản lý. Trong đó, Trung tâm chống ngập là đơn vị được giao phụ trách, xử lý ngập nước trên địa bàn TP nhưng lại không có chức năng quản lý nhà nước, không được chủ động xét duyệt các dự án.

Mỗi dự án, riêng phần xét duyệt cũng mất ít nhất 6 tháng, có dự án lên tới 3 năm. Đến khi tổ chức triển khai, có tới 3 - 4 đơn vị cùng tham gia như Sở GTVT, Sở NN-PTNT... dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, khiến dự án càng chậm. Bên cạnh đó, tình trạng ai lo làm việc người nấy, Sở GTVT chăm chăm nâng đường, Sở Xây dựng chăm chăm cấp phép, Trung tâm chống ngập chạy theo sau xử lý. Các tuyến đường tại TP.HCM dần trở thành tuyến đê bao khổng lồ, tạo hàng trăm điểm trũng, thấp.

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng phải thừa nhận công tác điều hành chống ngập của TP thời gian qua không hiệu quả. Trung tâm chống ngập không phải là cơ quan quản lý nhà nước về chống ngập mà chỉ làm nhiệm vụ quản lý các dự án chống ngập, vận hành các dự án sau khi hoàn thành. Do đó, phải có một sở đứng ra làm cơ quan thường trực tham mưu cho UBND TP về quản lý nhà nước và điều hành tổng thể, đó là Sở Xây dựng.

KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định việc chuyển giao công tác chống ngập sang Sở Xây dựng phụ trách sẽ đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trong quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hệ thống nhà ở trên địa bàn TP. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho TP thực hiện quy hoạch cốt nền bao gồm tính toán cả cốt nền đường và cốt nền nhà ở - việc cấp bách nhất trong công tác chống ngập - mà bao năm qua TP chưa thực hiện được. “Khi việc cấp phép, quản lý các hệ thống hạ tầng được quản lý đồng bộ, việc quy hoạch cốt nền được phân rõ trách nhiệm thuộc Sở Xây dựng, sẽ không còn chuyện mạnh ai nấy nâng đường, nâng cốt nền nhà như trước đây. Quy hoạch cốt nền đồng bộ, chỉn chu có thể giảm tới 80% tình trạng ngập của TP.HCM” - ông Sơn ước tính.

Vẫn cần một “nhạc trưởng”

Khẳng định TP.HCM ngập do bất cập từ cơ chế quản lý nhưng sự thay đổi trên vẫn chưa khiến TS Hồ Long Phi yên tâm vấn đề ngập nước sẽ được giải quyết triệt để. Theo ông, chống ngập tại TP.HCM là vấn đề đa ngành, mỗi đơn vị như Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở NN-PTNT đều có trách nhiệm liên quan. Nhưng do đồng cấp nên “ông” này không bảo được “ông” kia, mạnh ai nấy làm. “Ở nước ngoài, việc chống ngập được gom tất cả về một đầu mối như một ban phát triển đô thị, có quyền hạn và chịu trách nhiệm toàn bộ từ quy hoạch, nâng đường, chống ngập... TP.HCM cũng cần một cơ quan chỉ đạo chuyên trách cấp cao hơn sở, có thẩm quyền quán xuyến tất cả vấn đề liên quan đến chống ngập, như vậy mới giải quyết được tận gốc bài toán cơ chế phối hợp” - ông Phi nêu quan điểm.

Đồng tình với việc cần có một “nhạc trưởng” có đủ quyền hạn đứng ra kết nối, quản lý chung công tác chống ngập, tuy nhiên KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng không cần thành lập thêm một ban chuyên trách. Ba vấn đề lớn tại TP.HCM hiện nay là ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường đều là các lĩnh vực đa ngành, liên quan trực tiếp với nhau và trách nhiệm chính vẫn phải thuộc UBND TP.

“Có giao về sở nào thì đó cũng chỉ là đơn vị hỗ trợ một phần trong công cuộc thực hiện. Cần chỉ định rõ một lãnh đạo TP đứng ra nhận trách nhiệm điều phối, phối hợp các sở ngành, xây dựng một chiến lược, chương trình rõ ràng thông qua các giai đoạn. Nếu TP không có đủ nhân lực, có thể thuê một chuyên gia, tư vấn đủ năng lực, trao cho họ quyền hạn phù hợp giúp TP quản lý những công việc này”, ông đề xuất.

Hà Mai - Đình Sơn

Thanh Niên





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đà Nẵng chuyển đổi condotel thành chung cư: Nguy cơ vỡ quy hoạch ven biển

Hàng ngàn căn hộ condotel tại các dự án ven biển Đà Nẵng được chuyển đổi thành chung cư với quy mô dân số hàng ngàn hộ dân được cảnh báo sẽ phá vỡ quy hoạch ven...

Thông tin mới nhất về các gói thầu của Tập đoàn Thuận An tham gia tại TPHCM

Liên quan việc ảnh hưởng của CTCP Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) tại các dự án của TPHCM, chiều 25/04, đại diện các chủ đầu tư đã thông tin rõ tại họp báo về...

Dự án làm thay đổi khẩu vị đầu tư bất động sản của người Đà Nẵng

Với nhu cầu đầu tư, người Đà Nẵng thường ưu tiên đất nền. Lâu nay, nhiều người còn chưa quen thuộc với loại hình căn hộ. Vì vậy, việc khách hàng là người Đà Nẵng...

Bà Rịa – Vũng Tàu thu hồi chủ trương đầu tư khu đô thị gần 180ha

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành văn bản 4743/UBND-VP về việc thu hồi chủ trương đầu tư và chấm dứt hoạt động dự án khu đô thị dịch vụ Tóc Tiên tại xã Tóc Tiên...

Liên danh đến từ Hà Nội muốn làm khu đô thị hơn 3.2 ngàn tỷ ở Trà Vinh

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh công bố biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu khu đô thị Tây Nam phường 7, thành phố Trà Vinh. Kết quả chỉ có duy nhất...

Khởi tố vụ án liên quan dự án Thành An Tower trên đường Lê Văn Lương

Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tại dự án Thành An Tower số 21 Lê Văn Lương (Hà Nội)...

T&T của bầu Hiển xin dừng thực hiện 2 khu đô thị hơn 8.6 ngàn tỷ tại An Giang

Do cơ chế chính sách về đất đai cũng như công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên Tập đoàn T&T đề nghị xin dừng thực hiện hai khu đô thị hơn 8.6 ngàn tỷ...

Hơn 560 dự án đăng ký sử dụng đất rồi... bỏ đó

Hơn 560 dự án, công trình tại TPHCM tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Giao thông có 117 dự án, thương mại dịch vụ có 18 dự án, phát triển đô thị có 73 dự án, giáo...

Nhu cầu quan tâm bất động sản Long An tăng 83% sau loạt dự án tỷ đô đổ bộ

Dữ liệu thống kê thị trường của Batdongsan.com.vn, trong tháng 3/2024, ghi nhận mức độ quan tâm đến bất động sản Long An tăng đột biến so với tháng trước, trong bối...

Một kỷ lục mới sắp được xác lập tại Bình Dương

Ngày 27/04/2024, một kỷ lục hoàn toàn mới sẽ được xác lập tại trung tâm Bình Dương. Những màn trình diễn nghệ thuật độc đáo, những dấu ấn cảm xúc chưa từng có sẽ là...

Cổ phiếu bất động sản

Cổ phiếu xây dựng


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98