Nhiều trạm BOT muốn thu phí lại

17/01/2019 10:49
17-01-2019 10:49:44+07:00

Nhiều trạm BOT muốn thu phí lại

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay chủ trương sẽ thu phí trở lại ở trạm thu phí BOT Cai Lậy nhưng hiện chưa chốt phương án cụ thể.

Ngày 16-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết cấp có thẩm quyền chưa có quyết định cuối cùng về phương án xử lý đối với trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã trình.

Giữ nguyên vị trí trạm

Tuy nhiên, theo ông Huyện, phương án được Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang đang hướng tới là vẫn giữ nguyên vị trí trạm thu phí BOT Cai Lậy và tiến hành miễn, giảm phí qua trạm. Đây cũng là một trong 2 phương án mà Bộ GTVT trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

"Chủ trương là sẽ phải thu phí trở lại. Tuy nhiên, hiện chưa chốt phương án xử lý cụ thể. Có lẽ sau Tết Kỷ Hợi sẽ quyết định thời điểm thu phí và phương án xử lý cũng như thu phí tại trạm BOT Cai Lậy như thế nào" - ông Huyện cho hay.

Với dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp mở rộng Quốc lộ (QL) 3 đoạn Km75 đến Km100, Tổng cục Đường bộ sẽ làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên để xem xét giảm giá, tính lại phương án tài chính trên cơ sở mở rộng đối tượng giảm giá và tăng vùng miễn, giảm, kéo dài thời gian thu phí. Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ cùng nhà đầu tư rà soát lại lưu lượng, các điều kiện an toàn giao thông, phương án kết nối rồi thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Với trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đang bị giới tài xế phản đối vì đặt ở Hà Nội nhưng thu phí cho dự án BOT xây dựng QL2 (đoạn tránh TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), ông Huyện cho biết do mức phí thấp (10.000 đồng/lượt với ôtô con) nên dự án này còn hơn 400 tỉ đồng mới đủ hoàn vốn. Hiện Tổng cục Đường bộ đang đàm phán với nhà đầu tư, làm việc với UBND TP Hà Nội để có phương án cho trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài.

"Với các dự án BOT như Thái Nguyên - Chợ Mới, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Bộ GTVT đều đã báo cáo tổng thể với Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT làm việc với địa phương và nhà đầu tư dự án. Hiện nay, các trạm BOT này cũng chưa thể chốt được kế hoạch thu phí trở lại mà mới chỉ đang làm việc với địa phương và nhà đầu tư" - ông Huyện thông tin.

Đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa đầu tư theo hình thức BOT vừa đưa vào sử dụng. Ảnh: THANH TUẤN

Qua trạm, mất phí oan?

Trong khi đó, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Công an tỉnh, UBND TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Hiệp hội Ôtô Thanh Hóa để tham vấn ý kiến về phương án thu phí dịch vụ, trong đó có việc tiếp tục sử dụng trạm thu phí tại thị xã Bỉm Sơn (Km286+397, QL1) nhằm thực hiện hoàn vốn đầu tư tuyến đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa theo hình thức BOT, để sở này có cơ sở tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Bộ GTVT.

Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây (đường tránh phía Tây) TP Thanh Hóa khởi công vào tháng 8-2015 theo hình thức BOT, dài 6 km, tổng kinh phí đầu tư là 1.014 tỉ đồng, do liên danh Công ty CP Bitexco và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Tổng Công ty Xây dựng đường thủy, Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Hồng Hà, Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh làm nhà đầu tư. Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa là doanh nghiệp dự án. Theo phê duyệt, tuyến đường được đưa vào sử dụng từ tháng 12-2017 nhưng đã chậm đến cuối năm 2018.

Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào dự án Xây dựng QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa, theo hình thức hợp đồng BOT và sử dụng trạm thu phí tại Km286+397 trên QL1 (thị xã Bỉm Sơn) cách tuyến đường này khoảng 40 km, để hoàn vốn cho dự án. Thời gian hoàn vốn là 13 năm 8 tháng.

Dù Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa mới có văn bản gửi các cơ quan, ban ngành và Hiệp hội Ôtô Thanh Hóa xin tham gia ý kiến phương án thu phí nhưng rất nhiều nhà xe, doanh nghiệp vận tải trên địa bàn đã không đồng tình với phương án sử dụng trạm thu phí BOT đặt trên tuyến QL1 tại thị xã Bỉm Sơn, bởi phương tiện của họ hầu như không đi qua tuyến đường này, thậm chí không vào tới TP Thanh Hóa bao giờ nhưng khi qua trạm vẫn mất phí oan.

Theo báo cáo của Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa, ngày 6-12-2018, Bộ GTVT đã họp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bên đã thống nhất lựa chọn phương án tiếp tục sử dụng trạm Bỉm Sơn (Km286+397 QL1) để hoàn vốn tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa, bởi đặt trạm thu phí trên đường tránh phía Tây để hoàn vốn là không khả thi, do theo hướng Bắc - Nam các phương tiện có thể lựa chọn đi theo 3 tuyến (QL1 qua trung tâm TP Thanh Hóa, theo tuyến tránh phía Đông và phía Tây). Vì thế, nếu đặt trạm thu phí trên tuyến phía Tây thì các phương tiện sẽ sử dụng 2 tuyến còn lại, do không mất phí. Hơn nữa, trên tuyến tránh phía Tây chủ yếu thu hút các phương tiện từ các huyện phía Tây theo hướng QL45 và QL47 đi về phía Bắc và Nam. Tuy nhiên, chỉ trong phạm vi tuyến tránh phía Tây đã có tới 16 vị trí giao cắt nên các phương tiện có thể sử dụng để tránh mất phí.

Theo đó, phương án sẽ thu phí 15.000 đồng/lượt/xe con (các phương tiện khác chưa thấy nhắc đến), có chế độ miễn, giảm phí cho người dân khu vực lân cận trạm và không tăng phí trong suốt quá trình khai thác.

Chưa rõ ngày trạm hoạt động chính thức

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Phòng Kế hoạch Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, cho biết sở này đã nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa giao chủ trì làm việc với các đơn vị liên quan lấy ý kiến để tham mưu cho UBND tỉnh có ý kiến trả lời Bộ GTVT. "Hiện sở đang lấy ý kiến của các sở, ngành và vừa gửi thông báo, tài liệu. Hiện chưa biết ý kiến các ngành thế nào, khi nào có báo cáo, tổng hợp cụ thể chúng tôi sẽ thông tin" - ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, hiện chưa rõ ngày trạm thu phí hoạt động chính thức, vì sau khi UBND tỉnh có phương án gửi Bộ GTVT thì bộ còn phải trình Thủ tướng, khi đó sẽ làm phương án thu cụ thể. "Bộ GTVT cũng yêu cầu nhà đầu tư tính kỹ các phương án từ đặt trạm thu phí đến việc giảm phí, tỉnh Thanh Hóa cũng có ý kiến về việc miễn, giảm phí cho các phương tiện quanh khu vực trạm, trong phạm vi bán kính ra sao..." - ông Việt thông tin thêm.

 

Đã có kế hoạch thu phí trở lại BOT Cai Lậy

Sáng 16-1, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty BOT Cai Lậy (Tiền Giang), cho biết đã có kế hoạch thu phí trở lại ở BOT Cai Lậy. Dự kiến thời gian thu lại là qua Tết nguyên đán. Nhân sự, phương án thu phí lại đã chuẩn bị xong. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể và tuyên truyền cho đợt thu phí này sẽ được Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang họp thống nhất, sau đó BOT sẽ có buổi họp báo trước khi thu phí lại.

Phương án thu phí lại là giữ nguyên vị trí trạm thu phí hiện tại, tiếp tục giảm giá chung (giảm khoảng 30%) cho tất cả các phương tiện qua trạm so với ban đầu. Cụ thể, phương tiện nhóm 1 (xe 4 chỗ) giảm từ 25.000 đồng/xe/lượt xuống còn 15.000 đồng. Đây là mức thu thấp nhất trong tất cả dự án BOT trên QL1 hiện nay. Đồng thời, mở rộng phạm vi miễn, giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận. Chẳng hạn, đối với thị xã Cai Lậy sẽ áp dụng miễn, giảm thêm xã Long Khánh và phường 2; đối với huyện Cái Bè giảm thêm xã An Cư, xã Mỹ Hội... Theo tính toán, với phương án này, thời gian hoàn vốn đầu tư dự án khoảng 13 năm (trước đây dự kiến hơn 7 năm). Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Đến nay, tỉnh chưa họp với Bộ GTVT và thời gian thu phí lại cũng chưa nắm được. Tuy nhiên, trước khi thu phí lại cũng có họp báo để công bố thông tin và phương án".

Trước đó, BOT Cai Lậy khi đưa vào thu phí đã liên tục bị tài xế phản ứng bằng nhiều cách vì cho rằng đặt sai vị trí trạm thu phí. Bộ GTVT trình Chính phủ giảm phí nhưng vẫn không thu được và phải tạm ngưng thu phí hơn 1 năm qua.

M.Sơn

Văn Duẩn - Thanh Tuấn

NGƯỜI LAO ĐỘNG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Khẩn trương phân bổ, giải ngân vốn các dự án giao thông trọng điểm

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 4426/BTC-VĐT gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND các...

Phó Thủ tướng: Không đề xuất xử lý những dự án BOT do 'lỗi' của doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông; kiên quyết không đề xuất xử lý những dự án do nguyên...

Thủy điện có còn dư địa để phát triển hay sẽ sớm bị thay thế?

Theo các chuyên gia năng lượng, với nguồn thủy điện dồi dào, Việt Nam có thể tiếp tục khai thác tối đa với tổng công suất đạt từ 30.000-38.000MW và điện năng có thể...

Người Việt Nam đánh giá cao du lịch bền vững

Hầu hết du khách Việt Nam được khảo sát đều đồng ý du lịch bền vững rất quan trọng và mong muốn hành trình của mình thân thiện với môi trường hơn trong năm tới.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt...

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng kháng cáo

Sau khoảng hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Những điểm đáng chú ý trong Dự thảo về Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp

Dự thảo Nghị định DPPA tập trung vào việc mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua đường dây truyền tải riêng; giữa đơn vị phát điện và...

Thị trường tín chỉ carbon TP.HCM và những câu hỏi

Nắng nóng bao vây con người mọi lúc mọi nơi. Chưa bao giờ mà người dân khắp cả nước trải qua một kỳ nghỉ lễ 30/04-01/05… cháy bỏng như năm nay. Điều này đã thật sự...

4 tháng đầu năm 2024, cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công hơn 115,000 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tháng 3, ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2024.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98