Thủ đô Washington như 'thành phố ma' khi chính phủ Mỹ đóng cửa

20/01/2019 20:34
20-01-2019 20:34:47+07:00

Thủ đô Washington như 'thành phố ma' khi chính phủ Mỹ đóng cửa

Đợt đóng cửa chính phủ lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ đang đẩy ngành du lịch ở thủ đô Washington vào chuỗi ngày khó khăn.

Một người đàn ông trượt tuyết về phía Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington D.C. Ảnh: Reuters.

Nhiều phòng khách sạn ở thủ đô Washington trống trơn. Một số nhà hàng đang cân nhắc vay ngân hàng để có vốn duy trì hoạt động. Các công ty lữ hành trở nên yên ắng, không còn tiếng chuông điện thoại réo liên hồi gọi đặt tour, theo Reuters.

Đợt đóng cửa chính phủ lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ đang đẩy nhiều doanh nghiệp địa phương vào cảnh chật vật vì bị cắt đứt nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ và hàng hóa cho các viên chức chính phủ cũng như các du khách đến thủ đô tham quan những địa điểm nổi tiếng như tượng đài kỷ niệm và viện bảo tàng. Thủ đô Washington D.C. thu hút hơn 20 triệu du khách mỗi năm.

"Đáng lẽ điện thoại phải đang đổ chuông nhiều hơn thế này mới phải", Adam Plescia, chủ của công ty du lịch Custom Tours of DC, nói. "Tôi nghĩ mọi người đều bi quan về số lượng đặt tour trong thời gian tới".

Tháng một, thời gian chuyển giao giữa Giáng sinh, Năm mới và lễ hội hoa anh đào vào tháng ba, thường là tháng thấp điểm du lịch ở thủ đô. Nhưng năm nay, trong bối cảnh tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa đã bước sang ngày thứ 28, tháng đầu năm yên ắng một cách lạ thường. Chính phủ bắt đầu đóng cửa vào ngày 22/12 năm ngoái sau khi Tổng thống Donald Trump không thuyết phục được quốc hội thông qua kế hoạch 5,7 tỷ USD xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Tất cả 17 viện bảo tàng ở thủ đô, thuộc hệ thống bảo tàng và khu liên hợp nghiên cứu Smithsonian hoạt động bằng ngân sách nhà nước, đều đóng cửa. Du khách cũng không thể vào Nhà Trắng tham quan. Dù vẫn có thể tới thăm các đài tưởng niệm ngoài trời ở công viên quốc gia, nhiều du khách chắc sẽ có trải nghiệm kém vui khi nhìn thấy các thùng rác đầy ứ không có người thu dọn.

Yohannes Zekele, chủ của công ty du lịch Washington DC Legend Tours chuyên cung cấp tour tham quan đi bộ hoặc bằng xe ôtô cỡ nhỏ, không nhận được một cuộc gọi đặt tour nào trong nhiều ngày nay. Khách hàng thường xuyên của Zekele là các chuyên gia vận động hành lang và những người đến thủ đô để tham dự hội nghị chuyên ngành. Tuy nhiên trong bối cảnh nhiều cơ quan liên bang đóng cửa, những người là khách hàng tiềm năng của anh Zekele không có lý do để cất công đến tận Washington D.C. 

Một du khách đứng chụp ảnh cảnh quan bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington D.C. Ảnh: Reuters.

Thủ đô của nước Mỹ khiến một số người cảm thấy thất vọng. Sharmayne Whitter, một nữ giáo viên 38 tuổi đến từ Birmingham, nước Anh, bất chấp thời tiết mùa đông giá buốt vẫn cố kéo người bạn đồng hành đến ngắm Nhà Trắng và chụp một bức ảnh ở bên ngoài.

Cô Whitter cho biết Washington là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình kéo dài 4 tuần bằng đường bộ dọc bờ Đông. Người phụ nữ Anh đổ lỗi cho Tổng thống Trump và tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa khiến cô bỏ lỡ cơ hội ngắm nhìn những địa điểm nổi tiếng ở Washington.

"Đây là cơ hội có một không có hai trong đời nhưng vì ông ấy (Tổng thống Trump) mà trải nghiệm nước Mỹ của chúng tôi đã không được như mong đợi, chúng tôi cũng không thấy mảnh đất này với vẻ đẹp như nó vốn có", Whitter nói.

Các nhà hàng địa phương chứng kiến việc kinh doanh lao dốc vì thiếu khách du lịch và nhiều nhân viên chính phủ hạn chế đi ăn ngoài, theo Kathy Hollinger, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của hiệp hội các nhà hàng ở thủ đô Washington.

"Để tránh đóng cửa hoàn toàn, các nhà hàng buộc phải giảm giờ làm, giảm ca làm và một số đang cân nhắc phương án đóng cửa một ngày trong tuần bởi vì làm gì có khách", ông Hollinger nói và cho biết thêm doanh thu của các nhà hàng địa phương giảm trung bình 20% từ ngày chính phủ Mỹ đóng cửa, một số nhà hàng thậm chí còn bị giảm doanh thu đến 60%. Cá biệt có nhà hàng đã tính đến việc vay nợ.

Trong khi đó, một số khách sạn đã giảm số lượng phòng phục vụ, tỉ lệ lấp đầy phòng ở các khách sạn giảm hơn 8% trong tuần từ 30/12 đến 5/1 so với cùng thời điểm một năm trước, theo báo cáo một tổ chức tiếp thị du lịch độc lập.

Đại diện của tổ chức này cho biết do thống kê được thực hiện hàng năm, còn quá sớm để đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc chính phủ đóng cửa đối với ngành du lịch địa phương. Mức chi tiêu của 22,8 triệu du khách tới thủ đô Washington vào năm 2017 lên tới 7,5 tỷ USD. 

An Hồng

Vnexpress





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc được nâng lên 4,8%

Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu năm mới mạnh mẽ nhờ nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và việc chính quyền nỗ lực phát triển công nghệ...

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao

Tổng Sản phẩm Quốc nội của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2024, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ...

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98