Cựu Chủ tịch Fed: Động thái kế tiếp có thể là giảm lãi suất
Cựu Chủ tịch Fed: Động thái kế tiếp có thể là giảm lãi suất
Động thái kế tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể là cắt giảm lãi suất nếu đà giảm tốc trên thế giới bắt đầu tác động tới nền kinh tế Mỹ. Đây là nhận định của cựu Chủ tịch Fed, Janet Yellen, trong ngày thứ Tư (05/02).
Đà giảm tốc từ các nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu đang dần tác động tới nền kinh tế Mỹ - vốn vẫn đang tăng trưởng mạnh, bà Yellen cho biết trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “Power Lunch” của CNBC.
Cựu Chủ tịch Fed, Janet Yellen
|
“Dĩ nhiên là có khả năng đó. Nếu tăng trưởng toàn cầu thực sự giảm và bắt đầu ảnh hưởng tới tình hình kinh tế Mỹ – nơi các điều kiện tài chính bị thắt chặt nhiều hơn – và khi nền kinh tế Mỹ giảm tốc thì nhiều khả năng động thái kế tiếp sẽ là cắt giảm lãi suất”, bà nói.
Cựu Chủ tịch Fed cho rằng “đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu” là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ.
“Số liệu kinh tế từ Trung Quốc dạo gần đây khá yếu ớt, dữ liệu kinh tế từ châu Âu cũng yếu hơn dự báo”, bà cho hay.
Bà Yellen đã nhận lại cương vị Chủ tịch Fed từ ông Ben Bernake. Nhờ sự lãnh đạo của hai cựu Chủ tịch Fed, nền kinh tế Mỹ dần gượng dậy và tăng trưởng mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Đóng vai trò trung tâm trong chiến lược của họ là giảm lãi suất chuẩn về mức gần 0% và triển khai ba vòng mua trái phiếu nhằm mục đich giảm lãi suất dài hạn, đồng thời mang thanh khoản trở về với nền kinh tế và thị trường. Sau chương trình mua trái phiếu, số dư trên bảng cân đối kế toán của Fed đã vượt ngưỡng 4.5 ngàn tỷ USD.
Trước khi rời đi, bà Yellen đã thực hiện đợt nâng lãi suất đầu tiên trong 1 thập kỷ vào cuối năm 2015 sau khi giữ lãi suất gần mức 0% trong suốt 7 năm ròng rã.
Bức tranh kinh tế Mỹ vẫn còn tươi sáng
Xét tới tình hình kinh tế hiện nay, bà Yellen nhận thấy Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp những mối đe dọa ở nước ngoài.
“Cho tới nay, dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh. Chúng ta có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong khoảng 50 năm, thị trường lao động vững chắc, lạm phát thấp”, bà nói. “Chúng tôi đã dự báo từ lâu, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong năm 2019 từ mức 3% hoặc hơn của năm 2018”.
Kể từ tháng 12/2015, Fed đã nâng lãi suất 8 lần và đưa phạm vi lãi suất chuẩn lên mức 2.25-2.5%. Hồi tháng 12/2018, các quan chức Fed phát tín hiệu nâng lãi suất thêm hai đợt trong năm 2019, nhưng sau đó lại thay đổi quan điểm. Gần đây nhất, Fed cho biết sẽ “kiên nhẫn” trước khi đưa ra bất kỳ động thái nào về lãi suất.
Janet Yellen cho biết, hồi tháng 12/2018 bà đã được hỏi về dự báo của bà cho năm 2019. Lúc đó, bà cũng dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 2 lần trong năm nay.
Bên cạnh các đợt nâng lãi suất, bà Yellen còn khởi đầu cho quá trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán. Kế hoạch của bà là cho phép Fed giảm bớt tỷ trọng trái phiếu ở một mức nhất định mỗi tháng và tái đầu tư khoảng còn lại.
Các thành phần tham gia thị trường ngày càng cảm thấy lo ngại về quá trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán, nhất là khi các điều kiện tài chính đã thắt chặt quá nhiều. Người kế nhiệm bà Yellen là ông Jerome Powell gần đây hứng chịu nhiều sự chỉ trích vì nhận định quá trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán đang trong chế độ “tự lái” (autopilot).
Vào ngày 30/01, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất như kỳ vọng của nhà đầu tư và cam kết các động thái trong tương lai sẽ được thực hiện một cách kiên nhẫn và phụ thuộc vào tình hình kinh tế khi đó.
“Xét tới diễn biến kinh tế, tài chính toàn cầu hiện nay và việc không có nhiều áp lực lạm phát, Ủy ban (FOMC) sẽ kiên nhẫn khi xác định những điều chỉnh phạm vi lãi suất trong tương lai cho hợp lý để hỗ trợ cho những kết quả đó”, trích từ tuyên bố của Fed.
Tại cuộc họp lần này, FOMC nói rõ rằng họ sẵn lòng xem xét lại chương trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán nếu các điều kiện cho phép và không còn trong chế độ “tự lái” như ông Powell đã đề cập.
FiLi