Chứng khoán châu Á khởi sắc khi NHTW Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ
Chứng khoán châu Á khởi sắc khi NHTW Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ
Thị trường chứng khoán châu Á vẫn duy trì sắc xanh trong ngày thứ Sáu (15/03), khi nhà đầu tư phản ứng lại quyết định chính sách tiền tệ và triển vọng kinh tế của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng như cuộc bỏ phiếu về Brexit.
Khép phiên ngày thứ Sáu (15/03), trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0.77% lên 21,450.85 điểm, còn Topix cộng 0.9% lên 1,602.63 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tiến 0.95% lên 2,176.11 điểm và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến 160.87 điểm (tương đương 0.56%) lên 29,012.26 điểm.
Trên thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite cộng 1.04% lên 3,021.75 điểm, còn Shenzhen Composite tiến 1.42% lên 1,641.37 điểm.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 15/03
Nguồn: CNBC
|
Trong ngày thứ Sáu (15/03), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Chính phủ sẽ vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế khi đối mặt với áp lực mới. Ông Lý Khắc Cường nói với các phóng viên trong ngày thứ Sáu (15/03) sau lễ bế mạc của Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc thường niên.
Chỉ số ASX 200 của Australia gần như đi ngang ở mức 6,175.2 điểm, khi chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – giảm 0.23%.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) giữ nguyên chính sách tiền tệ vào ngày thứ Sáu (15/03), đúng như dự báo trước đó. Lãi suất ngắn hạn giữ nguyên ở mức -0.1%. BoJ cho biết họ sẽ mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản để lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giữ ở quanh mức 0%. Lợi suất trái phiếu dịch chuyển ngược hướng với giá trái phiếu.
Trong tuyên bố chính sách, BoJ đưa ra đánh giá tương đối yếu ớt về nền kinh tế Nhật Bản và dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục “tăng trưởng nhẹ”, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đà giảm tốc ở các nền kinh tế bên ngoài.
Lạm phát thấp buộc BoJ phải giữ chương trình kích thích khổng lồ mặc dù chi phí ngày càng tăng.
Đồng Yên Nhật gần như đi ngang ở mức 111.67 đổi 1 USD sau khi suy yếu từ mức 111 đổi 1 USD trước đó trong tuần này.
Tuần tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ.
Thương mại Mỹ-Trung
Trong ngày thứ Năm (14/03), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ có lẽ sẽ biết về một thỏa thuận thương mại tiềm năng với Trung Quốc trong vòng 3 hoặc 4 tuần nữa.
“Chúng ta sẽ có thông tin về Trung Quốc. Có lẽ bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ biết trong vòng 3 tới 4 tuần nữa”, ông Trump cho biết.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo nhau vào cuộc chiến thương mại trong năm qua, áp thêm thuế lên hàng hóa của đối phương. Gần đây, xuất hiện nhiều thông tin cho thấy những tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, nhưng việc bảo hộ sở hữu trí tuệ và các yếu tố cấu trúc khác ở thị trường Trung Quốc vẫn là các vấn đề khó giải quyết giữa Bắc Kinh và Washington. “Nếu thỏa thuận hoàn tất thì đó sẽ là điều mà mọi người bàn tán trong một khoảng thời gian dài”, ông Trump nói.
Trong khi đó, các nhà đàm phán Trung Quốc đề xuất gộp chung chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ cùng với thông báo về bất kỳ thỏa thuận nào sắp tới. Ngoài ra, họ cũng nói rằng Bắc Kinh muốn thỏa thuận phải được hoàn thiện trước khi ông Tập ngồi xuống bàn luận cùng ông Trump.
Trong một diễn biến khác, các nhà làm luật Anh bỏ phiếu ủng hộ trì hoãn Brexit ít nhất 3 tháng. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này không có ràng buộc và Liên minh châu Âu (EU) sẽ buộc phải đồng ý trì hoãn. Về phần mình, EU cho biết Anh cần phải nói lý do cho việc lùi hạn chót Brexit.
Chứng khoán châu Á diễn biến tích cực sau một phiên giao dịch trái chiều trên Phố Wall, trong đó S&P 500 và Nasdaq Composite chấm dứt mạch tăng 3 phiên liên tiếp.
Cụ thể, đà sụt giảm của lĩnh vực dịch vụ truyền thông, dẫn đầu là đà lao dốc của cổ phiếu Facebook, đã khiến S&P 500 hạ 0.1% xuống 2,808.48 điểm. Cổ phiếu Facebook cũng gây sức ép lên Nasdaq Composite, khiến chỉ số này mất 0.2% còn 7,630.91 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones cộng 7.05 điểm lên 25,709.94 điểm.
FiLi