Chứng khoán Nhật Bản rớt mạnh vì nỗi lo về kinh tế toàn cầu
Chứng khoán Nhật Bản rớt mạnh vì nỗi lo về kinh tế toàn cầu
Chứng khoán Nhật Bản bị bán tháo mạnh vào buổi sáng ngày thứ Hai (25/03) khi nhà đầu tư vật lộn với nỗi lo về nền kinh tế toàn cầu.
Chỉ số Nikkei 225 giảm hơn 3% trong phiên sáng, khi cổ phiếu của ba ông lớn Softbank và Fanuc rớt hơn 4%. Chỉ số Topix cũng giảm hơn 2.5%.
Chứng khoán Nhật Bản diễn biến tiêu cực sau làn sóng bán tháo trên Phố Wall hôm thứ Sáu tuần trước (22/03), khi tình trạng đảo ngược của đường cong lợi suất làm dấy lên nỗi lo rằng suy thoái đã gần tới rồi. Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng từ châu Âu cùng với việc Fed hạ dự báo triển vọng kinh tế đã làm gia tăng nỗi lo ngại.
Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm đã chuyển sang âm lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ vào ngày thứ Sáu (22/03). Nhà đầu tư xem đây là tín hiệu báo trước về suy thoái.
Tại thời điểm này, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương thuộc nhóm G3 – Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) – đều trở nên khá “cồng kềnh”. Kết quả là chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu dài hạn và ngắn hạn ngày càng thu hẹp.
“Tuy nhiên, điều này không nên làm nhà đầu tư quên lãng một sự thật là đà giảm tốc của các nền kinh tế phát triển ngày càng mạnh hơn. Nền kinh tế Mỹ trông có vẻ vẫn vững mạnh, nhưng Fed cũng đã dần hành động. Phòng hộ trước các rủi ro suy giảm dần trở thành ưu tiên chính của Fed (đối ngược với mục tiêu bình thường hóa chính sách). Sự thay đổi quan điểm sang hướng ‘bồ câu’ của Fed trong vài tháng qua có thể giúp làm giảm rủi ro giảm tốc phần nào”, các chiến lược gia cho biết.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng ở Tokyo rớt mạnh trong ngày thứ Hai (25/03), trong đó cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group giảm hơn 3% và Sumitomo Mitsui Financial Group sụt 2.91%.
Khó khăn về lạm phát
Theo dữ liệu được công bố trong ngày thứ Sáu tuần trước (22/03), chỉ số giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản giảm tốc trong tháng 2/2019, đặt NHTW nước này vào thế khó.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã phải đấu tranh với lạm phát trong nhiều năm, trong đó mục tiêu 2% vẫn còn khá xa vời, bất chấp các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng giá.
“Tôi không nghĩ ai đó sẽ ngạc nhiên nếu tôi cho rằng lạm phát ở Nhật Bản sẽ chẳng bao giờ đạt tới mục tiêu này (2%) – ít nhất là nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài, chẳng hạn như nâng thuế tiêu thụ (mặc dù đó là điều mà tôi nghĩ sẽ diễn ra khi nền kinh tế Nhật Bản không đủ mạnh và rồi họ sẽ lại trì hoãn thôi)”, Robert Carnell, Chuyên gia kinh tế trưởng và là Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại ING Bank, viết trong báo cáo.
Carnell cho biết “một mục tiêu mà liên tục không đạt được thì trong kinh tế, điều đó còn tồi tệ hơn là không có mục tiêu”.
“Mục đích của việc lập ra mục tiêu là chúng có thể tăng mức độ tín nhiệm vào chính sách của NHTW – một yếu tố hữu ích nếu các công cụ chính sách yếu ớt. Trong trường hợp của Nhật Bản, mục tiêu mà mãi mãi không đạt được và điều này thực sự làm giảm độ tín nhiệm. Từ đó, các công cụ đã yếu nay còn yếu hơn nữa”, ông nói thêm.
FiLi