Giật mình giá xuất khẩu gạo
Giật mình giá xuất khẩu gạo
Giá gạo xuất khẩu của VN hiện rẻ hơn cùng kỳ khoảng 72 USD/tấn, so với 5 năm trước vẫn rẻ hơn 32 USD/tấn (chưa tính trượt giá).
Nông dân trồng lúa thu nhập ngày càng giảm -
Ảnh: Công Hân
|
Giá gạo xuất khẩu chỉ còn khoảng 7.700 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất ra một ký lúa khoảng 4.300 - 4.500 đồng/kg.
“Ông lớn” thay kho, giá gạo lao dốc
Tôi đã từng tiếp xúc với các nhà nhập khẩu phân phối gạo hàng đầu thế giới, họ khuyến cáo khi xuất khẩu VN không nên trộn các giống lại với nhau, không nên sử dụng giống bạc bụng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vì kiểu nào cũng bị phát hiện GS Võ Tòng Xuân |
Giải cứu, tạm trữ lúa gạo đã trở thành điệp khúc đầy ngán ngẩm của ngành lúa gạo (trừ năm 2017 - 2018). Năm nay, tình trạng ảm đạm dự báo sẽ còn kéo dài vì nguồn cung thế giới đang dồi dào, giá giảm sâu. Báo cáo của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết, giá xuất khẩu gạo hiện tại khoảng 348 USD/tấn (5% tấm), thấp hơn cùng kỳ năm trước đến 72 USD/tấn. So với 5 năm trước thì giá hiện tại vẫn thấp hơn đến 32 USD/tấn.
GS-TS Võ Tòng Xuân nhận xét: Xuất khẩu gạo năm nay đúng là rất khó vì thị trường đang dư cung. Thông tin từ Philippines cho biết năm rồi nước này trúng mùa lịch sử nên rõ ràng nhu cầu nhập khẩu gạo của họ năm nay không lớn. Bên cạnh đó, dù bỏ độc quyền và cấp phép cho hơn 180 doanh nghiệp được tự do nhập khẩu nhưng nước này lại tăng thuế nhập khẩu lên đến 35%, để bảo vệ sản xuất trong nước. Đây là rào cản rất lớn với các doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Philippines. Ngoài ra Indonesia sản xuất trong nước cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Đây là 2 thị trường nhập khẩu gạo lớn của thế giới. Nhu cầu của họ giảm làm cho thặng dư gạo trên thị trường thế giới nói chung tăng. Các nhà nhập khẩu khác như châu Phi hay Trung Đông, thói quen mua gạo của họ qua trung gian, doanh nghiệp VN rất khó cạnh tranh và cũng có trường hợp mua bán trực tiếp đã… mất cả chì lẫn chài.
Đối với nguồn cung, Trung Quốc và Ấn Độ đang “thay kho” dự trữ bằng cách đẩy gạo cũ ra với giá rất cạnh tranh làm gia tăng áp lực cho thị trường. “Ấn Độ và Trung Quốc là những nước có kho dự trữ gạo lớn nhất thế giới, khi họ đẩy hết hàng cũ đi, giá lúa gạo có thể phục hồi chút ít. Nhưng đây hoàn toàn không phải là cơ hội lớn, đặc biệt về dài hạn”, GS Xuân nhận định.
Không riêng gì giá gạo VN ngày càng rẻ mà đây là xu hướng chung của các nước xuất khẩu gạo toàn thế giới. Giá gạo của Mỹ đã mất đến 55 USD/tấn so với năm ngoái và mất đến 60 USD/tấn so với 5 năm trước. Con số tương ứng của Thái Lan là 25 và 45 USD/tấn. GS-TS Bùi Chí Bửu nhiều lần cảnh báo: Dung lượng thị trường lúa gạo toàn cầu rất bé, chỉ khoảng hơn chục tỉ USD. Mỗi biến động từ nguồn cung hay cầu đều có thể làm thị trường chao đảo. Thông qua chủ trương tái cơ cấu, VN nên tính đến việc khai thác những thị trường có dung lượng lớn hơn rất nhiều lần như rau quả và hoa. Để khai thác những thị trường này cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng cũng như chính sách của nhà nước.
Loay hoay chuyển đổi cây trồng
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết: các địa phương phía nam đã cơ bản kết thúc xuống giống lúa đông xuân, tổng diện tích tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, riêng ĐBSCL xuống giống đạt tăng 2,2% cùng kỳ. Diện tích lúa đông xuân tăng chủ yếu tại Cà Mau (36.500 ha) do chuyển đổi mùa vụ từ lúa mùa sang lúa đông xuân. |
Theo GS Võ Tòng Xuân, về lý thuyết để chặn đà giảm giá thì phải giảm lượng tăng chất. Cụ thể không sản xuất lúa vụ 3, dành thời gian cho đất nghỉ ngơi, phục hồi. Phải quy hoạch lại sản xuất sao cho hợp lý, chỉ làm lúa ở những vùng nào có tiềm năng lợi thế nhất với số lượng và chất lượng nhất định.
“Tôi đã từng tiếp xúc với các nhà nhập khẩu phân phối gạo hàng đầu thế giới, họ khuyến cáo khi xuất khẩu VN không nên trộn các giống lại với nhau, không nên sử dụng giống bạc bụng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vì kiểu nào cũng bị phát hiện”, GS Võ Tòng Xuân kể lại.
Thực tế, nhiều nông dân miền Tây đã canh cánh, làm lúa 3 vụ là lỗ, nhưng vẫn phải làm để có tiền xoay xở cho cuộc sống hằng ngày vì không làm lúa sẽ không biết làm gì. Dẫn tinh thần của Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL là tạo sinh kế cho người dân, tuy nhiên theo GS Võ Tòng Xuân, từ cuối năm 2017 đến nay, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng chưa biết làm gì để giúp dân tăng lợi tức.
Nguyên nhân quan trọng là cơ sở hạ tầng của ĐBSCL lâu nay chỉ để phục vụ cho cây lúa. Nay muốn thay đổi mô hình từ lúa sang lúa tôm, cây ăn trái, nuôi cá, rau màu cần phải đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, tri thức, kết nối thị trường… Những thứ này lại cần rất nhiều vốn đầu tư và quan trọng là kiến thức, công nghệ.
“Một điều đáng lo hơn là vẫn còn một bộ phận cán bộ nhà nước chưa kịp thay đổi tư duy, vẫn cố bám lấy việc phát triển cây lúa. Cụ thể như tinh thần Nghị quyết 120 là đầu tư phát triển cho các phương thức sản xuất khác ngoài lúa, nhưng nghịch lý là họ vẫn muốn làm công trình cống đập sông Cái Lớn - Cái Bé để tiếp tục trồng lúa. Những nghịch lý đó kìm hãm sự phát triển của đồng bằng cũng như ngành nông nghiệp”, GS Xuân bức xúc.
Chí Nhân