Người trồng tiêu, cà phê lỗ nặng vì bị... "bẻ kèo"

30/03/2019 10:45
30-03-2019 10:45:00+07:00

Người trồng tiêu, cà phê lỗ nặng vì bị... "bẻ kèo"

Hàng chục hộ dân là công nhân Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai (nay chuyển thành Công ty CP Cà phê Gia Lai) đang kêu cứu vì vườn tiêu trồng trong diện tích ký hợp đồng giao khoán với công ty cũ đã và đang bị phá bỏ.

Trước đây, Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai ký hợp đồng giao khoán với các hộ dân trồng cây cà phê trong thời hạn 15 năm. Từ năm 2011-2017, công ty có chủ trương cho phép chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng hồ tiêu để tăng thu nhập cho người lao động và tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Mức đền bù quá thấp

Theo đó, các hộ đã ký kết thêm với công ty hợp đồng chuyển đổi cây cà phê sang trồng tiêu, thời hạn 10 năm (3 năm kiến thiết cơ bản, 7 năm sau người lao động phải nộp 90 kg tiêu khô/1.000 m2 đất). Trong 3 năm đầu, khi cây hồ tiêu chưa cho sản phẩm, người dân vẫn phải nộp cà phê tươi cho công ty. Theo hợp đồng, các hộ phải đầu tư 100% vốn như trụ, giống, phân bón... để trồng cây tiêu. Hiện vườn tiêu của những hộ này đang vào vụ thu hoạch.

Người trồng lâm cảnh khó khăn khi vườn tiêu, cà phê bị phá bỏ

Ngày 31-7-2018, Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai hoàn thành việc cổ phần hóa và chuyển thành Công ty CP Cà phê Gia Lai. Đến tháng 11-2018, công ty thông báo yêu cầu người dân dừng chăm sóc vườn cây để phá bỏ nhằm chuyển đổi sang cây trồng khác. Nghe vậy, các hộ đã dừng chăm sóc vườn tiêu để chờ đền bù theo thỏa thuận của hợp đồng. Tuy nhiên, khi chưa thống nhất được mức giá đền bù thì vừa qua, diện tích trồng tiêu đã bị san ủi khiến nhiều người bức xúc.

Ông Tạ Ngọc Lân cho biết gia đình ông ký hợp đồng nhận khoán 3.000 m2 và đã trồng 1.100 trụ tiêu. Sau 3 năm chăm sóc, vườn tiêu chuẩn bị thu hoạch thì phía công ty yêu cầu dừng chăm sóc, vườn tiêu vì thế mà héo tàn rồi chết dần. Tuy nhiên, giá đền bù mà phía công ty đưa ra quá thấp, khoảng 5,9 triệu đồng/1.000 m2/năm.

"Cứ thử làm phép tính, trong 3 năm với 1.100 trụ tiêu, tôi chi ra gần 400 triệu đồng nhưng công ty đền bù cho chúng tôi trong 7 năm còn lại chỉ hơn 100 triệu đồng" - ông Lân nói và cho biết rất nhiều hộ dân khác cũng trong tình cảnh tương tự. Thậm chí, nhiều hộ phải vay mượn tiền để đầu tư thì nay không có khả năng trả nợ do vườn tiêu bị phá bỏ.

Doanh nghiệp cũng khốn đốn

Trong khi người dân và công ty chưa đạt được thỏa thuận chung, nhiều hộ nhận khoán đang gửi đơn kêu cứu chính quyền địa phương can thiệp thì phía công ty lại cho người vào vườn phá bỏ cây trồng.

Ông Trịnh Đình Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cà phê Gia Lai, cho biết phía công ty mới thông báo dừng việc chăm sóc vườn cây. Còn việc người của công ty đưa máy móc vào phá vườn cà phê, tiêu của người dân thì sẽ xem xét lại do ông mới đi công tác nước ngoài về.

Theo ông Trường, đến nay, Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai vẫn chưa bàn giao hết cho Công ty CP Cà phê Gia Lai, như hợp đồng giao khoán của công ty cũ với người dân. Lúc cổ phần hóa, trong hồ sơ định giá tài sản công ty cũng không có hợp đồng giao khoán cho người dân trồng hồ tiêu mà chỉ có trồng cây cà phê.

"Sau khi đi thực tế, chúng tôi mới phát hiện ngoài hợp đồng giao khoán với các hộ trồng cà phê, công ty cũ còn ký thêm hợp đồng cho phép các hộ dân chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng tiêu. Tuy nhiên, các vườn cà phê đã quá già cỗi nên cần phải phá bỏ để chuyển đổi cây trồng khác phù hợp hơn" - ông Trường nói.

Liên quan đến việc đền bù, ông Trường xác nhận đã thỏa thuận với người dân để đưa ra mức giá hợp lý nhất. Đối với các hợp đồng giao khoán, công ty đã thỏa thuận hỗ trợ theo sản lượng cà phê trên hợp đồng đã ký, cộng thêm số năm còn lại mà nông dân sẽ được hưởng. Chính vì vậy, hiện chỉ còn số ít hộ dân không đồng tình với mức đền bù vì vườn của họ đang trồng tiêu với vốn đầu tư lớn. Trong thời gian tới, công ty sẽ thống kê lại diện tích, số lượng cây tiêu để có mức giá hỗ trợ thỏa đáng.

Ông Trường nhìn nhận khi mua lại công ty, ông và nhóm cổ đông chỉ dựa trên giá trị cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán. "Trong hợp đồng giao khoán có ghi rõ phía công ty đầu tư trên 79%, còn lại là các hộ dân đầu tư. Tuy nhiên thực tế, các hộ dân đầu tư 100% nên chúng tôi phải đền bù gần như toàn bộ. Xem như mua lại công ty này gấp 2 lần so với giá trị thực tế" - ông nói. 

Chưa chịu bàn giao hồ sơ

Công ty CP Cà phê Gia Lai vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai đề nghị xem xét chỉ đạo giải quyết một số vướng mắc sau cổ phần hóa giữa Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai với Công ty CP Cà phê Gia Lai. Theo đó, giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai không ký biên bản bàn giao hồ sơ văn thư lưu trữ doanh nghiệp; không có nguồn gốc đất như các quyết định giao đất, quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh và các hợp đồng thuê đất... Việc chậm bàn giao hồ sơ đã gây khó khăn cho Công ty CP Cà phê Gia Lai trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, điều hành doanh nghiệp.

Hoàng Thanh

NGƯỜI LAO ĐỘNG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Việt Nam nằm top đầu thế giới tiêu thụ thịt lợn, DN chi 460 triệu USD nhập về

Do người Việt ngày càng thích ăn thịt nên ngoài số lượng 53,53 triệu con lợn hơi thương phẩm xuất chuồng, các doanh nghiệp còn chi thêm 460 triệu USD để nhập khẩu...

Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Sáng 04/04, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, với mục tiêu đưa ra các giải pháp và chiến lược mới...

Vì sao giá lợn hơi tăng cao bất thường?

Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về nhu cầu thịt lợn, ước tính lượng thịt lợn tiêu thụ/đầu người xấp xỉ 37 kg/người trong năm 2024. Chăn nuôi chưa đáp ứng đủ nhu...

Kỷ lục chưa từng có, loại hạt mang về 1,16 tỷ USD chỉ trong 1 tháng

Giá tăng cao chót vót giúp doanh nghiệp Việt thu về ngay 1,16 tỷ USD trong tháng 3 nhờ bán một loại hạt thế mạnh. Đây là con số cao kỷ lục mà ngành hàng này ghi...

Nhật Bản trả giá đắt gấp đôi một loại hạt của Việt Nam, thu về hơn 3.200 tỷ đồng

Doanh nghiệp Nhật Bản trả giá gần gấp đôi năm ngoái để mua một loại hạt thế mạnh của Việt Nam. Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật thu...

Giá sắn lao dốc mạnh nhất 10 năm qua

Mặc dù đang vào chính vụ sắn nhưng nhiều nơi thu hoạch xong sắn chất đầy đường, không có thương lái thu mua. Nguyên nhân do giá sắn "tuột dốc không phanh", xuống...

Giá lợn hơi tăng cao, người nuôi tích cực tái đàn đáp ứng nguồn cung

Lợn hơi bán được giá lên mức cao nhất trong 5 năm qua và có xu hướng tăng khiến người chăn nuôi rất phấn khởi, đồng thời cũng tích cực tái đàn đáp ứng nguồn cung.

Giá gạo Ấn Độ chạm mức thấp do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào

Giá gạo Ấn Độ tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023, trong khi giá gạo của Thái Lan vẫn ổn định ở mức "đáy" trong hơn hai năm và giá gạo của Việt...

Phó Thủ tướng chỉ đạo 2 Bộ xử lý phản ánh về giá heo hơi cao nhất 5 năm

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá tình hình thị trường thịt heo.

Giá lúa gạo thất thường, Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra

Bộ Công Thương vừa thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc kinh doanh xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến, đoàn kiểm tra sẽ làm việc với các...

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH

Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Sáng 04/04, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, với mục tiêu đưa ra các giải pháp và chiến lược mới cho ngành lúa gạo trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang có những thay đổi mạnh mẽ.




Hotline: 0908 16 98 98