Ồ ạt mở diện tích, nông dân khóc ròng trên vườn tiêu đen
Ồ ạt mở diện tích, nông dân khóc ròng trên vườn tiêu đen
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết khi giá tiêu đen lên đến đỉnh điểm, tăng vọt lên mức 230.000 đồng/kg, nông dân ở các địa phương ồ ạt mở rộng diện tích trồng. Do đó, từ năm 2013 - 2018 diện tích trồng tiêu cả nước là 152.000 ha, tăng gấp 3 lần sau 5 năm.
Ồ ạt mở diện tích: Nông dân khóc ròng trên vườn tiêu đen. Ảnh minh hoạ.
|
Theo VPA, tình trạng cung vượt cầu đối với mặt hàng hạt tiêu trên thế giới vẫn chưa chấm dứt. Trong khi đó, 95% hạt tiêu của Việt Nam dùng để xuất khẩu nên yếu tố thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến giá hạt tiêu trong nước.
Bên cạnh đó, các nước trồng hạt tiêu khác như Braxin, Campuchia cũng tăng diện tích. Tồn kho năm này qua năm khác dồn ứ khiến nguồn cung dư thừa so với nhu cầu.
Năm 2013 và 2014 giá tiêu lên cơn sốt, tăng vọt lên mức 230.000 đồng/kg, lúc này giá tiêu đang ở ngưỡng cao vót nên nhiều hộ nông dân ở các địa phương mở rộng diện tích trồng tiêu.
Năm 2013, tại Việt Nam, diện tích trồng tiêu chỉ trên 53.000 ha. Tuy nhiên, sau 5 năm, đến 2018, diện tích trồng tiêu cả nước là 152.000 ha, đã tăng gấp 3 lần.
Hậu quả của việc ồ ạt mở rộng diện tích là cung vượt cầu, giá giảm mạnh. Từ mức giá đạt đỉnh 230.000 đồng/kg năm 2013 đến nay giá mặt hàng này đã giảm xuống chỉ còn trên dưới 45.000 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, thấp hơn giá thành mà người nông dân làm ra là 50.000 đồng/kg.
Mười ngày giữa tháng 3.2019, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước tăng nhưng không đáng kể. Chốt phiên giao dịch ngày 19.3.2019, giá hạt tiêu đen trong nước tăng từ 3,4 - 4,6% so với ngày 9.3.2019, so với ngày 19.02.2019 tăng từ 2,2 – 3,5%, lên mức thấp nhất là 45.500 đồng/kg tại huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai - mức cao nhất là 47.000 VNĐ/kg tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dù giá tiêu nhích lên dù đang trong mùa thu hoạch nhưng so với công sức chăm bón cũng không lời được bao nhiêu thậm chí lỗ.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Viết Dương (ngụ xã Eatam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, từ năm 2013, nhìn thấy lợi ích mà tiêu đen mang lại nhưng trong vườn lại không có cây tiêu nào. Nhân cơ hội vườn có 2 héc-ta cà phê chè đến độ già, năng suất kém nên đã chặt bỏ hoàn toàn số cà phê này thay vào đó trồng tiêu.
"Vì muốn tìm được giống tiêu tốt, tôi thuê xe tải lên huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mua giống tiêu về trồng. Thời điểm này tiêu đắt nên giống cũng rất đắt, 1 cành giống có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/cành, nhưng việc trồng tiêu không đơn giản như trồng cà phê nên tiêu bị chết khá nhiều.
Đến thời kỳ trưởng thành, việc chăm sóc cũng rất kỳ công vì tiêu hay bị bệnh, phân bón cũng phải loại tốt. Tới lúc thu hoạch, giai đoạn hái khá khó khăn vì phải bắc thang để hái, chi phí thuê nhân công một ngày cả hơn triệu đồng, vì không hái nhanh tiêu sẽ rụng dưới gốc.
Hiện giá tiêu thấp, không những gia đình tôi mà còn nhiều hộ nông dân trong xã khác không dám bán vì sợ lỗ, không đủ chi phí thuê nhân công, chăm sóc... Nhưng nếu để lâu quá, tiêu sẽ bị hao, chưa nói đến việc sản phẩm này dễ bị mốc" - ông Dương bộc bạch.
Đỗ Phương