Thu hút vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân cần lưu ý những gì?
Thu hút vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân cần lưu ý những gì?
Sau một loạt mối quan hệ tan vỡ giữa Ba Huân - Vinacapital hay The KAfe - Cassia Investments, nhiều người cho rằng các quỹ PE “hút máu” hay thậm chí là cướp quyền sở hữu doanh nghiệp, thay vì đồng hành để xây dựng những giá trị cốt lõi. Nhìn nhận một cách khách quan, các quỹ PE có những đóng góp quan trọng cho sự thành bại của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng phòng Tư vấn Công ty TNHH Grant Thornton (Việt Nam) cho rằng, các quỹ PE có những đóng góp quan trọng cho các doanh nghiệp không chỉ về vốn mà còn về nhiều khía cạnh khác của kinh doanh như quản trị, ý tưởng, mối quan hệ và kinh nghiệm.
Nền kinh tế tăng trưởng tốt và tình hình chính trị ổn định giúp Việt Nam tạo sức hút mạnh mẽ với các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity – PE Fund).
Quỹ đầu tư tư nhân là gì?
Quỹ đầu tư tư nhân là loại hình quỹ chuyên đầu tư vốn vào các công ty tư nhân hoặc các công ty đại chúng và biến chúng trở thành công ty tư nhân. Thời gian đầu tư thường dao động trong khoảng từ 3 - 7 năm. Sau thời gian này, quỹ PE sẽ thoái vốn khỏi công ty được đầu tư nhằm thu lợi nhuận.
Mục đích đầu tư của các quỹ PE khác biệt với nhà đầu tư chiến lược (strategic investor) - thường đầu tư nắm giữ lâu dài và tìm kiếm sức mạnh tổng hợp (synergy) với doanh nghiệp mà họ đang sở hữu.
Ở Việt Nam, đối tượng mà các quỹ PE hướng đến là các công ty có tiềm năng tăng trưởng lớn (growth strategy) hoặc các công ty gặp khó khăn về tài chính và cần được hỗ trợ về quản trị (distressed investment strategy). Đa phần các quỹ PE ở Việt Nam chỉ đầu tư nắm giữ cổ phần thiểu số, với mức đầu tư phổ biến từ 5 đến 50 triệu USD.
Ngoài ra, hai hình thức khác cũng đang phát triển ở VIệt Nam, gồm quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Fund) hướng tới đa phần là các start-up công nghệ hoặc quỹ đầu tư chi phối (Buy-out Fund) nhắm tới tỷ lệ sở hữu chi phối ở các doanh nghiệp đã trưởng thành.
Doanh nghiệp có được những lợi ích gì khi thu hút vốn từ các quỹ PE?
Với mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận, các quỹ PE khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn về giá trị bền vững mà các quỹ này có thể mang lại. Sau một loạt mối quan hệ tan vỡ giữa Ba Huân - Vinacapital hay The KAfe - Cassia Investments, nhiều người cho rằng các quỹ PE “hút máu” hay thậm chí là cướp quyền sở hữu doanh nghiệp, thay vì đồng hành để xây dựng những giá trị cốt lõi. Nhìn nhận một cách khách quan, các quỹ PE có những đóng góp quan trọng cho sự thành bại của doanh nghiệp.
Bằng việc góp vốn vào các doanh nghiệp tư nhân - thường là các doanh nghiệp nhỏ, ít khả năng tiếp cận vốn từ các kênh truyền thống, các quỹ PE giúp các doanh nghiệp nhanh chóng gia tăng tiềm lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các quỹ PE còn góp phần cải tiến cách thức quản trị và vận hành của doanh nghiệp. Điều này có được là nhờ các quỹ PE có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, có thể tư vấn cho các doanh nghiệp trong hoạch định chiến lược kinh doanh, công nghệ quản lý, xây dựng thương hiệu và sản phẩm.
Với mối quan hệ sâu rộng, các quỹ cũng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với những đối tác, khách hàng lớn hay nguồn nhân sự tiềm năng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tìm đến các quỹ PE không phải vì vốn mà chính là những hỗ trợ kiến tạo giá trị gia tăng này.
Trường hợp của Thế giới Di Động có thể được xem là một ví dụ, sự tham gia của Mekong Capital đã giúp công ty thay đổi cách thức quản trị và xây dựng thành công đế chế bán lẻ như ngày hôm nay.
Những vấn đề cần lưu ý khi gọi vốn từ các quỹ PE
Là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ PE thường có những quy định và ràng buộc vô cùng chặt chẽ đối với doanh nghiệp nhận đầu tư, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, nếu có ý định thu hút vốn đầu tư từ các quỹ PE, các doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm như sau:
- Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp: Doanh nghiệp Việt thường có cấu trúc sở hữu phức tạp, chồng chéo với nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Do đó, việc tái cấu trúc sở hữu một cách “thân thiện”, rõ ràng cho các mảng cần vốn đầu tư hoặc hấp dẫn với nhà đầu tư trước khi mời gọi đầu tư là rất cần thiết.
- Năng lực quản trị doanh nghiệp: Đội ngũ lãnh đạo tâm huyết, chính trực, số liệu tài chính trung thực là các yếu tố ảnh hưởng hàng đầu đến quyết định đầu tư của các quỹ PE.
- Giá cả và rủi ro: Các quỹ PE luôn có mức tỷ suất lợi nhuận yêu cầu cao để bù đắp cho mức rủi ro cao do đầu tư vào các công ty tư nhân. Theo khảo sát của Grant Thornton về hoạt động PE tại Việt Nam năm 2018, đa phần các quỹ đầu tư yêu cầu tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thậm chí trên 25%.
Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận yêu cầu của nhà đầu tư chiến lược chỉ dao động trong khoảng 12-18%. Rủi ro càng cao, mức lợi nhuận yêu cầu càng lớn, và theo đó mức định giá càng thấp.
- Cơ sở định giá: Đối với các doanh nghiệp có dòng tiền tương đối ổn định hoặc đã có lợi nhuận, cách thường được áp dụng là dựa trên số lần trên EBITDA (earnings before interest, tax, depreciation and amortization) của các doanh nghiệp tương đồng hoặc các giao dịch tương đồng.
Đối với các công ty start-up, hay đặc biệt các công ty công nghệ, thời điểm đầu tư thường là từ khi chưa có lợi nhuận, cách định giá có thể quy về số lần trên doanh thu (price to sales), hay sáng tạo hơn, dựa trên các đại lượng định giá gắn liền với hoạt động như giá trên số lần/số lượng đơn hàng (price to orders), số lần/số lượng người dùng (price to users)...
Một vấn đề cần lưu ý là các số liệu sẽ cần phải được điều chỉnh bình thường hóa (như đối với EBITDA hoặc doanh thu), hay phụ thuộc vào kết quả rà soát chi tiết. Grant Thornton cho biết, có rất nhiều thương vụ đầu tư đã thất bại do kết quả rà soát có sai lệch quá lớn so với số liệu ban đầu. Do vậy, doanh nghiệp cần phải ước tính trước được những điều chỉnh này để không bất ngờ tại thời điểm chốt giá trị giao dịch.
- Cấu trúc thương vụ: Để đảm bảo giá trị đầu tư, nhiều quỹ PE áp dụng các hình thức như đầu tư cổ phiếu kèm theo quyền được bán lại tại một mức tỷ suất sinh lời nhất định, đầu tư trái phiếu kèm quyền chuyển đổi thành cổ phiếu, hoặc kết hợp cả hai.
Với các hình thức này, các quỹ PE có thể đưa vào hợp đồng mua bán những điều kiện chặt chẽ để bảo về quyền lợi của mình, bao gồm các điều kiện về tài sản thế chấp, tỷ lệ chuyển đổi, giá chuyển đổi hay các điều khoản chống pha loãng…
Như vậy, yêu cầu của các quỹ PE đối với các doanh nghiệp nhận đầu tư không hề đơn giản. Do đó, “biết người, biết ta” - hiểu rõ nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp mình, đồng thời hiểu rõ mục tiêu, điều kiện và yêu cầu của bên mua là điều vô cùng cần thiết để có thành công trong thương vụ.
FILI