Cả ĐBSCL thu hút vốn FDI không bằng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Cả ĐBSCL thu hút vốn FDI không bằng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Do nhiều khó khăn, tồn tại, cộng với hạn chế trong đầu tư hạ tầng, ĐBSCL đang gặp nhiều hệ lụy. Cả vùng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa bằng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; xuất khẩu chưa bằng tỉnh Đồng Nai.
Do còn nhiều tồn tại, cộng với hạn chế trong đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông, ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư. ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
|
Ngày 17.4, tại Bến Tre, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo về môi trường đầu tư kinh doanh tại ĐBSCL và đánh giá về kết quả PCI (một chỉ sổ đánh giá năng lực điều hành cấp tỉnh tại VN) năm 2018. Những năm qua, chỉ số PCI đã trở thành chỉ tiêu tham khảo của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư khi tìm hiểu cơ hội kinh doanh, đầu tư tại địa phương. Đặc biệt, chỉ số này cũng đang được Chính phủ sử dụng để chỉ đạo, đánh giá công tác điều hành của lãnh đạo các địa phương.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, kết quả PCI 2018, ĐBSCL tiếp tục là vùng được đánh giá cao nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước. Khu vực này có 3 địa phương nằm trong Top 5. Thay đổi ấn tượng của ĐBSCL là các tiêu chí: Tiếp cận đất đai tiếp tục duy trì và được đánh giá cao; Chí phí thời gian được đánh giá rất tốt; Cạnh tranh bình đẳng như là một đặc trưng riêng của vùng khi có 10/Top 20 tỉnh đứng đầu…
Đặc biệt, cả nước đã biết đến nhiều cách làm mới từ các tỉnh, thành trong khu vực như “cafe doanh nhân” Đồng Tháp; Tiếp doanh nghiệp trong ngày đầu tuần từ Cần Thơ; đối thoại doanh nghiệp thường kỳ tại Sóc Trăng; chính quyền năng động nhất như Vĩnh Long, Bến Tre hay An Giang đang có kế hoạch cafe doanh nhân cấp huyện...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, những điểm mạnh vốn có của ĐBSCL nay đã giảm đi như, tính minh bạch chỉ có Đồng Tháp xếp thứ 3/15 tỉnh; Thiết chế pháp lý vốn là thế mạnh nay còn có Bến Tre và Đồng Tháp nằm trong Top 10. Không chỉ thế, ĐBSCL lại phát sinh thêm những hạn chế khác như: tỷ lệ mất cắp tài sản của doanh nghiệp khá cao, có đến 9/20 tỉnh mất cắp nhiều nhất cả nước...
Chính từ những điểm yếu còn tồn tại, cộng với hạn chế trong đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông, ĐBSCL đang gặp nhiều hệ luỵ. Cả vùng có khoảng 17 triệu dân, chiếm gần 20% dân số cả nước nhưng số doanh nghiệp hoạt động chỉ chiếm 8% cả nước. Đặc biệt năm 2018, thu hút vốn FDI của cả 13 tỉnh, thành trong khu vực chỉ đạt được 1,5 tỉ USD chưa bằng 1 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với nguồn vốn 1,8 tỉ USD, còn xuất khẩu cũng chưa bằng 1 tỉnh Đồng Nai.
Tại hội thảo, các địa phương khu vực không chỉ ngồi để đánh giá chỉ số PCI mà còn trao đổi những vấn đề làm sao phát triển doanh nghiệp, kiến tạo môi trường kinh doanh một cách tốt nhất, trong đó cải cách thủ tục như một nhiệm vụ trọng tâm nhất.
Đình Tuyển