Chứng khoán châu Á khởi sắc, chờ tin từ thương mại Mỹ-Trung
Chứng khoán châu Á khởi sắc, chờ tin từ thương mại Mỹ-Trung
Chứng khoán châu Á khởi sắc vào ngày thứ Tư (03/04) sau khi một thông tin cho biết Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận thương mại.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Tư (03/04), chỉ số Shanghai Composite cộng 1.24% lên 3,216.30 điểm và Shenzhen Component tiến 0.78% lên 10,340.51 điểm. Shenzhen Composite cộng 0.824% lên 1,772.09 điểm.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến 1.22% lên 29,986.39 điểm. Cổ phiếu Tencent nhảy vọt 3.44% lên cao nhất chưa từng thấy từ cuối tháng 7/2018.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cộng 0.97% lên 21,713.21 điểm khi cổ phiếu Fast Retailing – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – vọt 5.44%. Chỉ số Topix tiến 0.63%.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi cộng 1.2% lên 2,203.27 điểm khi cổ phiếu SK Hynix leo dốc 4.58%.
Trong khi đó, chỉ số ASX 200 của Australia tiến 0.68% và đóng phiên ở mức 6,285 điểm. Dữ liệu ngày thứ Tư (03/04) cho thấy doanh số bán lẻ ở Australia chạm đỉnh 15 tháng trong tháng 2/2019, trong đó thặng dư thương mại vượt mức kỳ vọng và lên mức cao thứ hai trong lịch sử.
Chỉ số MSCI châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tiến gần 1% lên 541.16 điểm tính tới lúc 15h29 giờ HK/SIN.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 03/04
Nguồn: CNBC
|
Lưu Hạc, Phó Thủ tướng Trung Quốc, sắp gặp lại Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), và Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, để tổ chức đàm phán ở Washington, dự kiến bắt đầu từ ngày thứ Tư (03/04). Đây là những cuộc đàm phán mới nhất trong một chuỗi cuộc đàm phán trong hơn 4 tháng qua.
Mặc dù hai bên đã gần tiến tới một thỏa thuận, nhưng vẫn còn đó hai vấn đề rất quan trọng – số phận của những hàng rào thuế quan mà Mỹ đã áp bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc (phía Bắc Kinh muốn gỡ bỏ) và các điều khoản của một cơ chế triển khai (do Washington muốn có để đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ theo thỏa thuận).
“Chúng ta đang bước tới giai đoạn cuối cùng”, Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách vấn đề quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ, cho hay. “Thỏa thuận thương mại đã đạt 90%, nhưng 10% cuối cùng là phần khó nhất, đó là phần căn go nhất và đòi hỏi sự đánh đổi giữa hai bên”, ông nói với các phóng viên.
Nếu vòng đàm phán tuần này thành công thì có thể dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng này với mục đích ký kết một thỏa thuận và nhờ đó sẽ xóa bỏ bớt một đám mây u ám đã đeo bám nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính trong nhiều tháng qua.
Thế nhưng, nếu không có bước đột phá trong tuần này, Trung Quốc và Mỹ có thể quyết định gia hạn đàm phán thương mại, có khả năng là tới khi hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019. Trong kịch bản bất ổn nhất, các cuộc đàm phán có thể chấm dứt đột ngột, dẫn tới sự leo thang thuế quan và căng thẳng mới cho thị trường.
Dữ liệu sản xuất mạnh từ Mỹ và Trung Quốc cũng cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong phiên ngày thứ Hai (01/04) trên Phố Wall, trong đó Dow Jones vượt ngưỡng 26,000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 26/02/2019. Chỉ số Dow Jones cũng tăng hơn 300 điểm ngày thứ Hai (01/04), còn S&P 500 và Nasdaq Composite tăng hơn 1%.
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 97.187 sau khi lên mức 97.5 trong ngày hôm qua.
Đồng JPY được giao dịch ở mức 111.52 đổi 1 USD sau khi dao động dưới mức 111 đổi 1 USD. Đồng AUD được “sang tay” ở mức 0.7113 USD sau khi giảm từ mức 0.711 USD trong phiên trước.
Giá dầu đi lên trong phiên chiều châu Á, cụ thể hợp đồng dầu Brent tương lai cộng 0.62% lên 69.80 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tăng 0.32% lên 62.78 USD/thùng.
FILI