Chứng khoán châu Á: Sắc xanh xuất hiện, Shanghai “lội ngược dòng” thành công
Chứng khoán châu Á: Sắc xanh xuất hiện, Shanghai “lội ngược dòng” thành công
Chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều vào chiều ngày thứ Tư (10/04) giữa lúc xuất hiện nỗi lo về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu.
Tính tới lúc 13h30 ngày thứ Tư (10/04 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bắt đầu xoay chiều, trong đó chỉ số Shanghai Composite xóa sạch đà giảm đầu phiên và quay đầu tăng 0.25%.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông vẫn còn trong sắc đỏ, giảm 0.23%, khi cổ phiếu HSBC suy yếu.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 13h30 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chỉ còn giảm 0.53% sau khi có lúc lùi gần 1% trong phiên sáng. Cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung Fanuc hạ 0.6%. Chỉ số Topix lùi 0.79%.
Tuy nhiên, chỉ số Kospi của Hàn Quốc đã gượng dậy thành công, tăng 0.31%, khi cổ phiếu SK Hynix tiến 0.4%.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 trồi sụt liên tục quanh ngưỡng tham chiếu, hiện giảm nhẹ 0.03%, sau khi Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương cho biết họ đã cố gắng xác định con đường chính sách phù hợp trong bối cảnh xuất hiện những tín hiệu đầy mâu thuẫn từ thị trường lao động, dữ liệu GDP và khảo sát kinh doanh.
“Câu hỏi quan trọng ở đây là đâu mới là dữ liệu cung cấp tín hiệu tốt nhất về tăng trưởng toàn cầu? Liệu đó là GDP hay thị trường lao động? Làm sao chúng ta có thể dung hòa sự khác biệt?”, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia Guy Debelle cho biết trong bài phát biểu.
Trong khi đó, cổ phiếu Crown Resorts rót hơn 8% sau khi Wynn Resorts hủy bỏ đàm phán với công ty sau khi thông tin đàm phán bị tiết lộ ra ngoài.
Dow Jones giảm phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày thứ Ba (09/04), khi nhà đầu tư chờ đợi mùa báo cáo lợi nhuận bắt đầu vào cuối tuần này.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones rớt 190.44 điểm xuống 26,150.58 điểm, khi cổ phiếu Boeing lần nữa chịu sức ép do lo ngại về sự chậm trễ trong sản xuất máy bay 737 Max. Chỉ số S&P 500 lùi 0.6% xuống 2,878.20 điểm, dẫn đầu là đà giảm của các công ty công nghiệp, năng lượng và tài chính. Chỉ số Nasdaq Composite mất hơn 0.5% còn 7,909.28 điểm, khi cổ phiếu Microsoft, Apple, Amazon và Alphabet đều chìm trong sắc đỏ.
Cả Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 22/03/2019, còn Nasdaq Composite đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 27/03/2019.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 giữa lúc triển vọng từ hầu hết các nền kinh tế phát triển có vẻ u ám hơn và dấu hiệu về khả năng áp thêm thuế đang gây áp lực lên hoạt động thương mại.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất của IMF, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3.3% trong năm nay, giảm từ mức 3.5% mà IMF đã dự báo trong tháng 1/2019. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009, thời điểm nền kinh tế thế giới bước vào suy thoái. Chỉ trong vòng 6 tháng, IMF đã 3 lần hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay, trước khi đạt đỉnh ở mức 3.6% từ năm 2020, theo IMF. Hàng loạt diễn biến đáng khích lệ đã cải thiện tâm lý của nhà đầu tư về nền kinh tế toàn cầu trong vài tuần gần đây. Trong đó, có thể kể tới quyết định trì hoãn nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dữ liệu sản xuất đầy lạc quan của Trung Quốc và đà tăng trưởng vượt dự báo của thị trường lao động Mỹ.
“Sự không chắc chắn về chính sách thương mại và nỗi lo về sự leo thang và trả đũa về thuế quan sẽ làm giảm các khoản đầu tư doanh nghiệp, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và làm chậm lại tăng trưởng năng suất lao động”, IMF cho hay. “Kéo theo đó là triển vọng khá u ám về khả năng tạo lợi nhuận của các doanh nghiệp, qua đó có thể tác động nặng nề tới tâm lý trên thị trường tài chính và kìm hãm tăng trưởng”.
FiLi