'Cuộc chiến' cổ tức không cân sức
'Cuộc chiến' cổ tức không cân sức
Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay trở nên “nóng” khi các cổ đông chất vấn việc không chia cổ tức. Dù bức xúc nhưng các cổ đông nhỏ, lẻ chỉ còn cách chấp nhận "không cổ tức" mà thôi
Nhiều ngân hàng không chia cổ tức năm 2018. Ngọc Dương
|
Lời ngàn tỉ vẫn không chia
“Điệp khúc” không chia cổ tức của nhiều ngân hàng thương mại diễn ra thường xuyên qua nhiều năm. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, nhiều cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) lên tiếng chất vấn gay gắt và liên tục về vấn đề không chia cổ tức năm 2018 dù rằng nhà băng này năm vừa qua có lãi sau thuế lên 1.700 tỉ đồng, tăng 51,5% so với năm trước. Dự kiến năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Sacombank là 2.650 tỉ đồng. Tại đại hội, cổ đông Lê Thị Kim Cúc nắm giữ hơn 1 triệu cổ phiếu Sacombank hỏi thẳng : “Chúng tôi muốn hỏi là năm nay liệu Sacombank có chia cổ tức an ủi cho cổ đông không, để cầm cự sống sót qua giai đoạn chờ ngày ngân hàng được rạng rỡ. Nếu năm nay không chia thì khi nào sẽ chia cổ tức để cổ đông có được niềm vui và hạnh phúc?”. Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng như đại diện Ngân hàng Nhà nước giải thích do ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu nên cần giữ lại mức lợi nhuận này. Thế nhưng các cổ đông ra về vẫn không thấy thỏa đáng bởi từ năm 2015 đến nay, nhà băng này không chia cổ tức cho các cổ đông.
Tương tự, dù kỳ đại hội đồng cổ đông vừa qua của Eximbank bất thành nhưng trong tài liệu công bố, sau khi trích lập các quỹ thì lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng đến hết năm 2018 còn hơn 704 tỉ đồng. Hội đồng quản trị Eximbank cũng trình cổ đông việc không chia cổ tức năm 2018 với lý do thực hiện theo quy định tại Thông tư 08/2016: “Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán”. Cụ thể, Eximbank được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ ngày phát hành đối với các trái phiếu đặc biệt phát phát hành từ năm 2015 trở về trước. Đến cuối năm 2018, các trái phiếu chưa được thanh toán hết nên Eximbank không chia cổ tức.
Một số nhà băng chỉ chia bằng cổ phiếu. Chẳng hạn Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%; HDBank chia cổ tức và cổ phiếu thưởng 30%; SHB chia cổ tức năm 2017 và 2018 tỷ lệ 21%; VietinBank cũng đang xin cơ quan chức năng cho phép chia cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03%… Điều này cũng khiến nhiều cổ đông không được vui.
Cổ đông thua lỗ
Không chỉ ngân hàng, một số doanh nghiệp giữ lại toàn bộ lợi nhuận, không chia cổ tức. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2019 vừa qua, nhiều cổ đông nhỏ lẻ của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) cho biết rất buồn khi Hội đồng quản trị công bố tờ trình không chia cổ tức. Một cổ đông tên Thế cho biết anh đã đầu tư vào Masan gần 5 năm qua nhưng nhớ chỉ có một lần công ty này được nhận cổ tức. “Năm nào cũng lãi rất lớn nhưng lãnh đạo công ty đều cho rằng cần để lại lợi nhuận phát triển mảng kinh doanh mới. Nghe mà rầu hết sức vì cổ đông chỉ mong nhận được tí tiền lãi cho vui. Nhưng mình là cổ đông nhỏ lẻ có phản đối cũng không thay đổi được”, anh Thế chia sẻ. Trên thực tế, sau gần 10 năm đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán, Masan chỉ mới một lần chia cổ tức vào cuối năm 2016 (mức chia cho cả 2 năm 2015 - 2016) với tỷ lệ 30% bằng tiền mặt cùng với đợt phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%.
Việc không nhận được cổ tức đồng nghĩa các nhà đầu tư chỉ trông chờ vào việc giá cổ phiếu trên sàn đi lên để có lợi nhuận. Tuy nhiên, giá cổ phiếu nhiều ngân hàng hầu như chỉ đi ngang hoặc giảm là chính.
Đơn cử giá cổ phiếu Sacombank (STB) liên tục đi xuống. Từ mức giá xoay quanh 15.000 đồng/cổ phiếu cùng kỳ năm trước đến nay STB chỉ còn 11.950 đồng/cổ phiếu, mất đi 20%. Còn cổ phiếu MSN của Masan, một năm trước ở giá gần 100.000 đồng/cổ phiếu thì nay chỉ còn 86.900 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư đã bị lỗ gần 15%...
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (Vafi) - nhận định việc giữ lại lợi nhuận để phát triển hay chia cho cổ đông là quyền của các công ty. Tuy nhiên, có thể chính sách này đâu đó cũng bị lạm dụng. Bởi các lãnh đạo, hội đồng quản trị đã có những lợi ích khác nên không quan tâm đến cổ tức. Tuy nhiên cổ đông bên ngoài cần được chia sẻ lợi ích khi bỏ vốn ra đầu tư. Đặc biệt thời gian không chia cổ tức quá dài khiến thiệt thòi của cổ đông nhỏ lẻ càng lớn. “Cổ tức là một trong các tiêu chí mà nhà đầu tư nên xem xét trong quá trình lựa chọn cổ phiếu. Xem thử quá trình phát triển, nguồn lợi nhuận để lại có được sử dụng hợp lý, có xứng đáng với sự hy sinh của mình hay không?”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Thanh Xuân