ĐHĐCĐ BMP: Duy trì chiết khấu cao, chấp nhận lợi nhuận rất thấp để giữ và giành thị phần
ĐHĐCĐ BMP: Duy trì chiết khấu cao, chấp nhận lợi nhuận rất thấp để giữ và giành thị phần
Tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) sáng ngày 19/04/2019, cổ đông đã thông qua các kế hoạch cho năm 2019 và bổ sung mới thành viên HĐQT.
ĐHĐCĐ thường niên 2019 của BMP sáng ngày 19/04.
|
Saraburi đã nâng sở hữu lên đến 54.39%
Thay đổi lớn nhất trong năm 2018 là việc Tổng công ty kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước (SCIC) đã bán phần vốn nhà nước tại BMP cho nhà đầu tư nước ngoài Tập đoàn The Nawaplastic Industries (Saraburi) của Thái Lan. Từ sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, Saraburi tiếp tục mua thêm cổ phần và hiện tại đã nắm 54.39% vốn BMP, trở thành cổ đông kiểm soát và BMP trở thành công ty thành viên của Saraburi.
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua việc bổ sung ông Poramate Larnroongroj vào vị trí thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2018 – 2023 thay cho việc từ nhiệm của ông Sumphan Luveeraphan. Được biết, ông Poramate Larnroongroj là giám đốc điều hành của Saraburi với 15 năm kinh nghiệm quản trị cấp cao tại các công ty.
Nhiều cổ đông thắc mắc liệu rằng Saraburi có dự tính nâng tỷ lệ sở hữu thêm không thì Chủ tịch HĐQT - ông Sakchai Patiparnpreechavud cho rằng đến thời điểm này Saraburi vẫn chưa có kế hoạch cụ thể gì, Saraburi đang rất hài lòng với khoản nắm giữ tại BMP.
Năm 2019 đặt kế hoạch lợi nhuận tăng nhẹ 2%, dự định mở rộng thị phần miền Bắc
Ông Nguyễn Hoàng Ngân – Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT BMP cho rằng năm 2019 là một năm đầy khó khăn với chính Công ty do thay đổi mô hình tổ chức, cấu trúc lại chức năng và bổ sung nhân sự mới nên sẽ cần thời gian để ổn định. Hơn nữa, khách hàng của BMP chủ yếu là ngành địa ốc và vật liệu xây dựng, nhưng dự báo tăng trưởng địa ốc sẽ chậm lại do chính sách quản lý chặt chẽ hơn và việc siết chặt lại về chính sách tài chính.
Bên cạnh đó, sự xâm nhập của nhiều đối thủ cạnh tranh mới gia nhập ngành nên Công ty sẽ duy trì chính sách mức chiết khấu cao, chấp nhận lợi nhuận thấp hoặc rất thấp để giữ và giành thị phần.
Với những thông tin đó, BMP đặt kế hoạch cụ thể cho doanh thu tăng 4% và kế hoạch lợi nhuận trước thuế và sau thuế đều tăng gần 2%.
Nguồn: BMP
|
Trong quý 1 vừa rồi, liên tiếp ghi nhận thêm nhiều thông tin bất ổn như thực trạng thị trường bất động sản và địa ốc có nhiều biểu hiện “đóng băng”, các hiệp hội doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đều đang “kêu cứu” với địa phương và Chính phủ. Hơn nữa thì giá điện tăng 8.36%, xăng dầu tăng 14.5%, biên độ tăng rất lớn dẫn đến chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng và làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2019, BMP có tổng doanh thu 932 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 91 tỷ đồng, tăng lần lượt 41% và 5% so với kết quả của cùng kỳ năm trước.
Ông Ngân giải thích thêm quý 4/2017, BMP có hàng loạt chương trình liên quan đến chiết khấu, tung sản phẩm mới trong thời gian kỷ niệm thành lập Công ty cho nên quý 1/2018 dù lượng sản phẩm khá cao nhưng kết quả khá thấp. Điều này dễ hiểu vì sao quý 1/2019 tăng trưởng khá cao so cùng kỳ.
Giải bày thêm, ông Ngân cho biết sắp tới sẽ làm việc với Nhựa Bình Minh tại Hà Nội để có thể phân tích được thói quen tiêu dùng và nâng cao thị phần của thương hiệu Nhựa Bình Minh ở miền Bắc, trong năm 2018 qua, doanh thu ở miền Bắc đạt 400 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ có 44 tỷ đồng.
Nhiều tranh luận về mức cổ tức dự kiến tối thiểu 20% mà không phải là tỷ lệ nào cao hơn để thu hút nhà đầu tư với mức cổ tức hấp dẫn, ông Ngân cho biết những năm qua, BMP luôn trình như vậy nhưng luôn thực hiện trả cổ tức với tỷ lệ là 40% bằng tiền mặt trong nhiều năm, có năm Công ty trả cổ tức đến 120%, trong đó 40% bằng tiền mặt và 80% bằng cổ phiếu. Sau cùng, cổ đông cũng thông qua mức trả cổ tức dự kiến tối thiểu 20% như tờ trình.
Năm 2018 cổ tức chi trả 40%, hụt hơi với kế hoạch cả về doanh thu và lợi nhuận
Năm 2018, BMP đã đạt doanh thu hợp nhất là 4,130 tỷ đồng, tăng nhẹ 1.8% so với năm 2017 song vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường thấp hơn dự kiến và tình trạng dư cung dẫn đến kết quả của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành không đạt dự kiến tăng trưởng, thậm chí nhiều doanh nghiệp giảm sâu so với kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế đạt 530 tỷ đồng, chỉ bằng 91% so năm 2017, vì giá nguyên vật liệu tăng so với bình quân cùng kỳ và không đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, năm 2018, BMP còn đối mặt với sự “lôi kéo” hệ thống phân phối của Công ty nên phải thực hiện chính sách chiết khấu cao, điều này kéo lợi nhuận của Công ty xuống.
Cổ tức 2018 được chia với tỷ lệ 40% vốn điều lệ bằng tiền mặt, trong đó BMP đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15% vào ngày 28/12/2018 tương đương gần 123 tỷ đồng, dự kiến Công ty sẽ thanh toán cổ tức phần còn lại tỷ lệ 25%, dự kiến chi ra khoảng 205 tỷ đồng.
Bức xúc về “hàng nhái, hàng giả” trên thị trường
Liên quan đến vấn đề gần đây xuất hiện hàng loạt lùm xùm hàng giả mang thương hiệu BMP trên thị trường, ông Ngân cho rằng sẽ xử lý nghiêm minh với các trường hợp này, trong năm 2017 thì Công ty cũng đã đưa nhiều vụ làm hàng giả ra tòa án để giải quyết.
Ông cũng chia sẻ rằng HĐQT đang có kế hoạch đề nghị ĐHĐCĐ thành lập quỹ chống hàng giả để thưởng cho cá nhân, tập thể, phát triển, xử lý hàng giả và chi phí cho các hoạt động chống hàng giả.
FILI