Giá heo hơi 23/4: Giá chênh lệch cao, lợn miền Bắc "chạy" vào Nam
Giá heo hơi 23/4: Giá chênh lệch cao, lợn miền Bắc "chạy" vào Nam
Bình thường mỗi ngày chỉ có 2 xe chở khoảng 300 con lợn vận chuyển từ miền Bắc vào qua tỉnh Đồng Nai, thế nhưng theo ghi nhận của PV, hiện nay, con số này đã tăng lên gấp 10 lần, mang theo nỗi lo dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát tại các tỉnh phía Nam.
Chênh lệch giá heo hơi 2 miền tăng cao
Theo Trạm kiểm dịch động vật Ông Đồn (huyện Xuân Lộc, Đống Nai), khoảng 1 tuần qua, lượng xe vận chuyển lợn từ các tỉnh miền Bắc vào Nam tăng mạnh. Bình quân mỗi ngày có khoảng 20 xe chở trên 3.000 con lợn đi qua trạm kiểm dịch này.
Lượng xe vận chuyển lợn từ các tỉnh miền Bắc vào Nam tăng mạnh gần đây. Ảnh: Nguyễn Vy
|
Nguyên nhân được cho là chênh lệch giá lợn hơi giữa 2 miền đang tăng cao. Ở các tỉnh phía Bắc, giá vẫn thấp hơn so với miền Trung và miền Nam, dao động từ 37.000 - 40.000 đồng/kg. Trong khi tại các tỉnh miền Nam, mức giá đang dao động từ 45.000 - 48.000 đồng/kg.
Một tuần trước đó, tại huyện Thống Nhất – địa phương có quy mô tổng đàn lớn ghi nhận nguồn lợn ngoại tỉnh đi qua địa bàn huyện theo QL20 khoảng 24 xe (tương đương 2.400 con) mỗi tuần.
Đàn lợn và nông hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất sụt giảm do ảnh hưởng DTLCP. Ảnh: Nguyễn Vy
|
Cũng tại địa bàn huyện Thống Nhất, thống kê của UBND huyện cho biết tổng đàn lợn toàn huyện hiện còn gần 300.000 con, giảm hơn 20.000 con so với hồi đầu năm. Đàn lợn giảm chủ yếu ở các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng giảm khoảng 300 hộ so với hồi đầu năm, hiện còn hơn 1.750 hộ. Nguyên nhân do nhiều hộ bán hết đàn heo để chạy dịch, chạy giá và tạm ngưng tái đàn.
Với số lợn di chuyển từ Bắc vào Nam theo đường QL1A qua trạm Ông Đồn, hầu hết đều xuất chuồng tại các tỉnh đã kiểm soát được DTLCP hoặc các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã được chứng nhận an toàn.
Người dân ở tỉnh Bắc Ninh phải nhờ hàng xóm chích điện các con lợn đem đi tiêu hủy vì lực lượng thú y rất ít, không xử lý xuể. Ảnh: Trần Quang
|
Tuy nhiên, cơ quan chức năng dự báo với diễn biến giá lợn như hiện nay, những ngày tới, lợn được đưa từ Bắc vào Nam sẽ còn tiếp tục tăng. Vì DTLCP dù đang được kiểm soát nhưng nguy cơ lây lan vẫn còn lớn. Nhất là tình trạng lơ là hoặc thiếu nhân lực kiểm soát dịch bệnh mà Báo Dân Việt/NTNN liên tục phản ánh gần đây ở một số địa phương.
Theo ông Phạm Mạnh Hùng – Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn, đơn vị sẽ huy động toàn bộ lực lượng, tăng cường kiểm tra, đảm bảo tất cả lợn qua trạm đều có xuất xứ, nguồn gốc và đã được kiểm dịch.
Theo kế hoạch, từ tháng 5.2019, tỉnh Đồng Nai sẽ chính thức triển khai áp dụng công nghệ Blockchain của hệ thống Te-food để quản lý và kiểm soát dịch bệnh đối với đàn lợn trên địa bàn tỉnh.
Hiện đã có 3,5 triệu mã code sẵn sàng cấp cho người chăn nuôi đăng ký tham gia. Chương trình sẽ hỗ trợ miễn phí 5 năm.
Sở NNPTNT tỉnh Đống Nai cho biết đã xây dựng kế hoạch triển khai công nghệ Blockchain, trước mắt áp dụng cho đàn lợn ở tất cả các địa phương. Mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ có 100% trang trại và 85% cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ báo cáo số liệu chăn nuôi, dịch bệnh qua phần mềm này. Đến cuối năm 2020, tất cả các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm báo cáo số liệu chăn nuôi, dịch bệnh qua phần mềm. |
Nguyễn Vy