HĐQT TIS: Công ty bên bờ vực phá sản vì khủng hoảng tài chính
HĐQT TIS: Công ty bên bờ vực phá sản vì khủng hoảng tài chính
Tuy đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao cho năm 2019 với doanh thu tăng 30% và lợi nhuận sau thuế cao gấp 2.5 lần so với thực hiện năm 2018, nhưng HĐQT CTCP Gang Thép Thái Nguyên (TISCO, UPCoM: TIS) cho rằng Công ty đang trên bờ vực phá sản vì khủng hoảng tài chính nghiêm trọng từ dự án cải tạo mở rộng gang thép giai đoạn 2. Liệu rằng Gang Thép Thái Nguyên có thoát khỏi tình trạng khó khăn này để đạt được mục tiêu kinh doanh mà mình đề ra hay không?
*Năm 2019, Gang thép Thái Nguyên đặt kế hoạch lãi 90 tỷ đồng dù gặp khó khăn về tài chính
Theo báo cáo của HĐQT TISCO dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, tình hình tài chính của Công ty lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản là đang hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các Ngân hàng và các cấp có thẩm quyền.
Từ năm 2015, Công ty đã thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho SCIC với số vốn được phát hành thêm là 1,000 tỷ đồng, mục đích phát hành tăng vốn nhằm để thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án cải tạo mở rộng gang thép giai đoạn 2.
Được biết, dự án cải tạo mở rộng gang thép giai đoạn 2 với tổng chi phí đầu tư toàn dự án theo dự toán ban đầu là 3,849 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là 8,105 tỷ đồng.
Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2007 nhưng đến thời điểm hiện tại, các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành.
Theo đó, tổng chi phí đầu tư của dự án thời điểm 31/12/2018 là 5,093 tỷ đồng với chi phí lãi vay được vốn hóa là 1,888 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cuối tháng 4/2017, SCIC đã rút 1,000 tỷ đồng, tương đương với 100 triệu cổ phần khỏi TISCO làm giảm quy mô vốn điều lệ của TISCO xuống còn 1,840 tỷ đồng. Đồng thời các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh đã đánh giá khả năng tài chính của TISCO thấp vì dự án này bị tạm dựng và chưa có hướng giải quyết, dẫn đến các ngân hàng đã giảm hạn mức cho vay và đồng loạt tăng lãi suất lên 8%/năm làm cho TISCO khó khăn trong cân đối dòng tiền phục vụ sản xuất, chi phí tài chính cao.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO vẫn đang gặp nhiều khó khăn và chưa có kết quả cụ thể trong việc tháo gỡ khó khăn từ Thủ tướng Chính phủ, vì vậy dự án tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện sản xuất kinh doanh của Công ty và tư tưởng người lao động.
Nói rõ hơn về tình trạng khủng hoảng tài chính của Công ty, Ban kiểm soát TISCO cho biết, nợ phải trả của TISCO hiện đang là 8,568 tỷ đồng, gấp 4.65 lần vốn chủ sở hữu và chiếm đến 82% tổng nguồn vốn trong khi nguồn vốn của chủ sở hữu là 1,849 tỷ đồng, chỉ chiếm 18% trên tổng nguồn vốn. Đây là một tỷ lệ rất thấp, thấp hơn năm 2017 khi Công ty mất cân đối tài chính.
Ngoài ra, khả năng thanh toán hiện hành của TISCO năm 2018 chỉ bằng 0.7 lần cho thấy Công ty đang trong tình trạng tài chính đặc biệt khó khăn, có khả năng không trả được các khoản nợ khi đến hạn.
Đồng thời, số dư công nợ phải thu khó đòi gần 852 tỷ đồng và giá trị có thể thu hồi hơn 393 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2018 vẫn chiếm tỷ lệ cao dẫn đến rủi ro về mặt tài chính, việc thu hồi nợ khó đòi chậm đã ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính của Công ty.
Nguồn: BCTC riêng đã kiểm toán năm 2018 của TIS
|
Trước tình hình này, Ban kiểm soát đề nghị Công ty cần phải tăng vốn chủ sở hữu và thu hồi nợ xấu để ổn định tình hình tài chính và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
FILI