Indonesia tính chi 33 tỷ USD di dời thủ đô khỏi Jakarta
Indonesia tính chi 33 tỷ USD di dời thủ đô khỏi Jakarta
Indonesia có dự định di dời thủ đô hành chính của nước này khỏi Jakarta...
Tổng thống Jokowi trong một cuộc vận động tranh cử ở thủ đô Jakarta - Ảnh: Bloomberg.
|
Indonesia có dự định di dời thủ đô hành chính của nước này khỏi Jakarta, một kế hoạch có thể mất thời gian cả thập kỷ và tiêu tốn tới 33 tỷ USD để thực thi, hãng tin Bloomberg cho hay.
Tổng thống Joko Widodo ngày 29/4 đã yêu cầu các Bộ trưởng trong nội các của ông lên kế hoạch tài chính cho việc di dời thủ đô, trong đó đầu tư của khu vực tư nhân sẽ giữ một vai trò then chốt. Theo dự kiến, trụ sở của Chính phủ, các bộ và Quốc hội của Indonesia sẽ được chuyển khỏi Jakarta, trong khi trụ sở Ngân hàng Trung ương cũng như các cơ quan về thương mại và đầu tư vẫn sẽ được giữ ở thủ đô hiện tại.
Việc chuyển trung tâm hành chính của Indonesia đã không ít lần được bàn đến trong mấy thập kỷ qua. Tuy nhiên, tính cấp bách của vấn đề đã gia tăng trong thời gian gần đây do Jakarta đã trở thành một đô thị quá tải. Vùng Jakarta hiện có khoảng 30 triệu dân, và nạn tắc đường ước tính gây thiệt hại khoảng 100 nghìn tỷ Rupiah, tương đương 7 tỷ USD, mỗi năm do năng suất lao động suy giảm.
Tổng thống Widodo, người thường được gọi là Jokowi, dẫn chứng Malaysia, Hàn Quốc, Brazil và Australia như những ví dụ điển hình cho thấy sự phát triển của một quốc gia trở thành nhân tố trong việc quyết định vị trí của thủ đô hành chính, và trong một số trường hợp dẫn tới việc dịch chuyển thủ đô.
Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử ngày 17/4 cho thấy ông Jokowi sẽ giành thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Phát biểu ngày thứ hai, ông Jokowi nói rằng một muốn đạt được sự phát triển "có tầm nhìn" cho Indonesia, bắt đầu với "ý tưởng lớn" về dịch chuyển thủ đô khỏi Jakarta.
"Khi chúng ta đồng lòng tiến lên để trở thành một quốc gia phát triển, câu hỏi đầu tiên cần phải trả lời là liệu trong tương lai, Jakarta với tư cách thủ đô hành chính có thể chịu được gánh nặng vừa là trung tâm của các dịch vụ công, vừa là trung tâm của các hoạt động kinh doanh", ông Jokowi nói với nội các.
Chính phủ Indonesia dự kiến thành lập một cơ quan để giám sát kế hoạch di dời thủ đô và ông Jokowi nói rằng ông muốn một chương trình gọi vốn không gây gánh nặng lên ngân sách quốc gia. Một kịch bản đang được cân nhắc là tỷ lệ phân chia 50-50 về vốn nhà nước và tư nhân.
Theo ước tính, việc di dời thủ đô sẽ tiêu tốn của Indonesia 466 nghìn tỷ Rupiah, tương đương 33 tỷ USD, nếu dự án thủ đô hành chính mới được xây dựng trên một diện tích 40.000 hectare và đủ chỗ cho 1,5 triệu cư dân. Chi phí sẽ giảm còn 323 nghìn tỷ Rupiah nếu chỉ một phần của thủ đô hành chính được di dời tới một khu vực rộng 30.000 hectare.
Chính phủ Indonesia chưa đưa ra một danh sách rút gọn các địa phương là "ứng cử viên" cho thủ đô hành chính mới. Tuy nhiên, vùng Palangkaraya ở tỉnh Trung Kalimantan đã được đề cập như một địa chỉ có thể được chọn. Quan chức Indonesia nói rằng thủ đô mới sẽ nằm ngoài đảo Java, và cơ quan quốc phòng và an ninh, tòa án tối cao, cùng các đại sứ quán nước ngoài sẽ di chuyển tới thủ đô mới.
"Indonesia có lý do hợp lý cho việc di dời thủ đô", nhà phân tích chính trị Kevin O’Rourke của trang tin Reformasi Weeky nhận xét. "Jakarta sẽ đối mặt với rủi ro lớn về mức nước biển dâng và cạn nguồn nước ngầm trong vài thập kỷ tới. Ít nhất, việc chuẩn bị trước một kế hoạch di dời cũng hợp lý".
Tiêu chuẩn để lựa chọn địa điểm cho thủ đô hành chính mới sẽ là vị trí trung tâm và ít rủi ro thiên tai. Nằm trên "Vành đai lửa" ở Thái Bình Dương, Indonesia dễ xảy ra động đất, núi lửa phun trào và sóng thần.
Tăng trưởng dân số chóng mặt không chỉ gây nên tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở Jakarta, mà còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đến nỗi dẫn tới rủi ro lớn về bệnh dịch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Indonesia, ông Bambang Brodjonegoro, cho hay.
"Là một nước thành viên G20, một quốc gia với GDP tiềm năng lớn thứ 5 thế giới tính theo đồng giá sức mua (PPP), Indonesia chắc chắn cần một thủ đô theo tiêu chuẩn quốc tế", ông Brodjonegoro nói với các nhà báo.
An Huy