Lý do nào khiến VNX tăng trần 16 phiên liên tiếp?
Lý do nào khiến VNX tăng trần 16 phiên liên tiếp?
Sau 16 phiên tăng trần liên tiếp, kết phiên 12/04, cổ phiếu VNX của CTCP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại đã vươn tới mức giá 10,800 đồng/cp.
* Đừng thấy cổ phiếu liên tục kịch trần mà ham
Đều như đếm, từ phiên giao dịch ngày 22/03 tới nay (12/04) cổ phiếu VNX luôn được giao dịch với khối lượng 100 cp mỗi phiên. Điểm đáng chú ý ở đây là khối lượng giao dịch này là khối lượng giao dịch tối thiểu để nhà đầu tư muốn thực hiện giao dịch với VNX. Và còn đáng chú ý hơn khi, giao dịch 1 lô 100 cp này lại đủ sức đẩy cổ phiếu VNX tăng trần tới 16 phiên liên tiếp. Với biên độ dao động tới 15% trên sàn UPCoM, cổ phiếu nhanh chóng nhảy vọt từ mức giá 1,200 đồng/cp lên 10,800 đồng/cp.
VNX liên tục tăng trần với khối lượng giao dịch 100cp/phiên
Nguồn: VietstockFinance
|
Diễn biến kể trên đặt ra không ít câu hỏi về cổ phiếu VNX: Ai là chủ nhân của những giao dịch 1 lô VNX trong 16 phiên liên tiếp? Động lực nào khiến những người này định giá cổ phiếu cao đến vậy? Chừng nào, chuỗi tăng trần của VNX mới kết thúc?
CTCP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (UPCoM: VNX) tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, được ra đời từ năm 1975. Năm 2006, Công ty đã thực hiện cổ phần hóa và chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. VNX hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực tổ chức hội chợ triển lãm, tổ chức sự kiện, cho thuê biển quảng cáo và quảng cáo phương tiện truyền thông; cho thuê bất động sản.
Về cơ cấu cổ đông, trong báo cáo thường niên 2018, VNX ghi nhận cổ đông lớn nắm giữ 52% vốn của Công ty. Mặt khác, các thành viên trong Ban lãnh đạo của Công ty nắm trong tay 48.57%. Lượng cổ phiếu VNX hiện đang lưu hành chỉ hơn 1.2 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ hơn 12 tỷ đồng.
Xét nền tảng tài chính, Công ty cho thấy dấu hiệu khá ổn định. Trong giai đoạn 5 năm trở lại đây (2014 - 2018), VNX ghi nhận doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng. Từ mức 3.5 tỷ đồng năm 2014, tới năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt gần 12.5 tỷ đồng. Bình quân, lợi nhuận của Công ty tăng trưởng 37.4%. Tổng tài sản của Công ty theo đó tăng qua các năm.
Đi kèm với đó, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản của Công ty luôn ở mức dưới 40%, duy chỉ có năm 2014 là lên tới gần 46%. Đồng thời, nợ phải trả của VNX hoàn toàn là các khoản ngắn hạn. Hơn nữa, trong suốt giai đoạn này, Công ty chỉ ghi nhận khoản vay nợ từ cá nhân gần 23 triệu đồng.
Về mặt phần phối lợi nhuận, Công ty cũng liên tục chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tăng dần đều qua các năm. Năm 2018, Công ty dự kiến sẽ chi cổ tức với tỷ lệ lên tới 50%, tương ứng 5,000 đồng cổ tức/cp.
Kết quả doanh thu và lợi nhuận của VNX giai đoạn 2014 - 2018
|
Cơ cấu tổng tài sản và nợ phải trả của VNX giai đoạn 2014 - 2018
Nguồn: BCTC của VNX
|
Kế hoạch năm 2019, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 9.6 tỷ đồng, giảm 23% so với năm trước. Khá khó hiểu là trong bối cảnh kế hoạch đi lùi, ngược lại đà tăng trưởng của Công ty trong năm 5 trở lại đây, cổ phiếu lại liên tục được nhà đầu tư đua nhau khớp lệnh, đẩy cổ phiếu tăng trần liên tiếp.
FILI