Nút thắt trong đầu tư BT sẽ sớm được gỡ bỏ
Nút thắt trong đầu tư BT sẽ sớm được gỡ bỏ
Những nút thắt trong đầu tư BT (đổi đất lấy hạ tầng) sẽ sớm được gỡ bỏ khi Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, và sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT.
* Đầu tư BT theo nguyên tắc thị trường, không hồi tố
Tuyến đường nối Nguyễn Xiển (Q.Thanh Xuân) với Xa La (Q.Hà Đông, Hà Nội) là một trong nhiều dự án theo hình thức BT - Ảnh: NAM TRẦN
|
"Vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án BT là xác định cơ chế chọn và thanh toán cho nhà đầu tư. Nhà nước có thể tính đến phương thức phát hành trái phiếu công trình để làm các dự án BT." PGS.TS Võ Trí Hảo (trưởng khoa luật Đại học Kinh tế TP.HCM) |
Sự đình trệ của hàng loạt dự án BT diễn ra khi Bộ Tài chính ban hành văn bản yêu cầu bộ, ngành, địa phương dừng việc sử dụng tài sản công - đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư BT kể từ thời điểm 1-1-2018 tới khi nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT chính thức ban hành.
Hơn một năm đình trệ
Yêu cầu dừng thực hiện các dự án BT của Bộ Tài chính thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ tháng 1-2018. Yêu cầu này đã khiến hàng loạt dự án BT do bộ, ngành, địa phương triển khai trong hơn 1 năm qua đình trệ, không thể triển khai vì thiếu quy định.
Tại Hà Nội, có 22 dự án BT được đề xuất đầu tư từ cuối năm 2017 phải dừng triển khai.
Cụ thể, dự án khép kín đường vành đai 2,5 có tổng mức đầu tư 4.681 tỉ đồng, dự án khép kín đường vành đai 3,5 có tổng mức đầu tư gần 26.000 tỉ đồng, dự án khép kín vành đai 4 có tổng mức đầu tư gần 36.000 tỉ đồng.
Các dự án đường trục hướng tâm Ba La - Xuân Mai tổng mức đầu tư 6.300 tỉ đồng, các dự án cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống tổng mức đầu tư dự kiến 38.000 tỉ đồng.
Để thực hiện những dự án BT nhiều nghìn tỉ đồng này, TP Hà Nội dự kiến dành hàng nghìn hecta đất tại các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên, quỹ đất 2 bên sông Hồng và đất tại các huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh... để đổi cho nhà đầu tư.
Tương tự, vào tháng 4-2018, TP Hà Nội cũng không thể thực hiện đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị: tuyến số 2 Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, tuyến số 3 ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc theo hình thức đầu tư BT.
Tổng mức đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị khoảng 137.500 tỉ đồng, TP dự kiến huy động 95.900 tỉ đồng vốn tư nhân, phần vốn còn lại được huy động từ nguồn ngân sách TP.
Theo tính toán của TP Hà Nội, quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư BT thực hiện 3 tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2018 - 2024 khoảng 7.690ha. Trong đó có 1.340ha đất tại 16 dự án đô thị trên địa bàn các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín và khoảng 6.352ha đất lấy từ các dự án đô thị quy mô trên 10ha tại các quận, huyện ở địa bàn.
Ách tắc vì thiếu quy định
Kể từ thời điểm các bộ, ngành, địa phương dừng thực hiện các dự án BT đến nay đã hơn 1 năm, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa thể hoàn tất dự thảo nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT.
Vì vậy, trong cuộc họp thường trực Chính phủ sáng 11-4, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính phải sớm hoàn thiện dự thảo nghị định để trình Chính phủ ban hành theo hướng sát với thực tiễn.
Tại cuộc họp này, đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng cho rằng việc hàng loạt dự án BT đình trệ hơn 1 năm qua nếu không tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng năm nay và các năm tiếp theo.
Trên thực tế, việc sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT đang quy định tại nhiều luật khác nhau và việc ban hành một nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, chống thất thoát tài sản công không dễ dàng.
Vì thế, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo nghị định theo nguyên tắc thị trường, minh bạch, bảo đảm mọi loại hình doanh nghiệp đều có thể tham gia dự án BT. Và không hồi tố các dự án được phê duyệt trước ngày 1-1-2018.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng quy định về đầu tư BT theo hướng nhà đầu tư bỏ tiền làm dự án BT trước, sau đó Nhà nước giải phóng mặt bằng, bán đấu giá quyền sử dụng đất, lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư BT.
Cách làm này được kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để tình trạng chênh lệch giá đất từ hình thức giao đất chỉ định không qua đấu giá thời gian qua, dẫn tới giá trị sử dụng đất lớn hơn giá trị dự án BT nhiều lần.
Nhiều dự án BT ở TP.HCM ngưng trệ Trên địa bàn TP.HCM hiện có nhiều dự án được triển khai đầu tư theo hình thức BT, trong đó phải kể đến như dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Từ tháng 10-2017, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các dự án BT đang thảo luận đàm phán phải đình lại chờ xây dựng quy trình thực hiện dự án theo hình thức này được chặt chẽ, công khai minh bạch. Một số dự án dự kiến đầu tư theo hình thức BT lớn của TP như dự án cầu Thủ Thiêm 4, dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng, một số dự án đường tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đều ngưng trệ. Ngoài ra, một số dự án quan trọng trong lĩnh vực giao thông như: nâng cấp đường Nguyễn Cư Trinh, nạo vét tuyến sông Tắc và mở rộng đường Trần Đại Nghĩa cũng phải dừng. Ngày 8-3-2019, UBND TP.HCM có văn bản yêu cầu các sở, ngành khẩn trương rà soát, điều chỉnh các dự án đầu tư theo hình thức BT. Theo đó, UBND TP yêu cầu đối với hợp đồng BT nằm trong các dự án đã ký kết trước ngày 1-1-2018 chưa hoàn thành việc thanh toán thì Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, tham mưu, đề xuất việc thanh toán theo hợp đồng đã ký kết. Việc thanh toán đảm bảo đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai... UBND TP cũng giao giám đốc Sở Tư pháp rà soát lại các hợp đồng BT đã ký kết và đang thực hiện nhằm đảm bảo các hợp đồng được ký kết công khai minh bạch, đúng quy định, không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm. TIẾN LONG |
Kiểm soát chi phí dự án BT sát với thực tế
Việc thực hiện các dự án BT trước đây đang tạo ra sự thiếu minh bạch từ cả hai phía. Khi lập chi phí xây dựng công trình BT, các nhà đầu tư thường đẩy lên cao, ngược lại khi tính toán quỹ đất để thanh toán cho dự án họ lại hạ thấp giá trị đất đai. Như vậy, nhà đầu tư BT sẽ được hưởng giá trị cao hơn những gì họ đáng được nhận, họ thu về một quỹ đất lớn hơn, rất không minh bạch. Điều Nhà nước cần kiểm soát là chi phí dự án BT phải gần sát với chi phí thực tế, nói cách khác khi không có sự cạnh tranh thì rất khó xác định mức chi phí nào là hợp lý để thực hiện dự án BT. Nhà nước cần đảm bảo chi phí đầu tư công trình BT hợp lý, đồng thời bảo đảm đất đai đền bù cho nhà đầu tư BT cũng phải tính đúng, tính đủ, không thấp hơn giá trị thực để tránh thất thoát tài sản nhà nước. Việc không hồi tố các dự án BT phê duyệt trước ngày 1-1-2018 có mục đích quản lý nhà nước hơn là động cơ về mặt kinh tế. Nếu hồi tố các dự án, buộc phải thực hiện lại từ đầu, phải xây dựng lại phương án chi phí, đền bù, đó là một mớ bòng bong, quá phức tạp. Nên với những dự án đã làm rồi, dù biết không minh bạch, có thất thoát cũng phải chấp nhận. Xác định rõ dự án được đầu tư BT
Do khoảng trống pháp lý lớn nên việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT trước đây gây thất thoát quá lớn cho ngân sách nhà nước. Việc triển khai dự án thiếu chặt chẽ, buông lỏng nhiều khâu, từ quy hoạch ban đầu tới phê duyệt, ký hợp đồng đến nhận bàn giao công trình, thanh toán cho nhà đầu tư. Do vậy, nghị định về BT lần này cần được xem xét quy định cụ thể điều kiện quy hoạch, triển khai dự án theo hình thức BT. Xác định rõ những dự án nào được phép đầu tư BT, đó có thể là những dự án thiết yếu, phục vụ sự phát triển toàn diện, đầy đủ cho nền kinh tế cả nước hoặc một vùng, khu vực kinh tế, ngành mũi nhọn. Nghị định cũng cần làm rõ việc sau khi có quy hoạch các dự án đầu tư BT, Nhà nước có trách nhiệm lập phương án đầu tư, tổng mức đầu tư, yêu cầu kỹ thuật, tiến độ thi công... để đưa ra đấu thầu dự án công khai minh bạch. Nhà thầu nào đủ năng lực, đưa giá thầu hợp lý sẽ trúng thầu. T.LONG - B.N. thực hiện |
Bảo Ngọc