Sẽ có nhiều hơn một “đối thủ” cạnh tranh với cá tra Việt Nam
Sẽ có nhiều hơn một “đối thủ” cạnh tranh với cá tra Việt Nam
Năm 2018, ước tính, tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu đạt 2.8 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, riêng Việt Nam (tập trung chủ yếu ở ĐBSCL) chiếm khoảng 45% tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu với sản lượng thu hoạch năm 2018 đạt dưới 1.3 triệu tấn.
Những thách thức về chất lượng con giống vào đầu năm 2018 là một nguyên nhân khiến nguồn cung bị thắt chặt, giá con giống và cá tra thương phẩm trong năm này tăng mạnh kỷ lục. Nhiều doanh nghiệp và người nuôi tiếp tục mở rộng quy mô ao nuôi, đẩy mạnh công nghệ nuôi. Đầu năm 2019, một dự án nuôi cá tra công nghệ cao tập trung với quy mô lớn 600 ha tại tỉnh An Giang đã được khởi công. Dự án này sẽ bắt đầu vào quý IV/2019. Khi đi vào hoạt động, mỗi năm khu nuôi cá tra thương phẩm này sẽ cung cấp khoảng 200,000 tấn cá tra nguyên liệu chất lượng cao, phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Cá tra Việt Nam đang có ngày càng nhiều “đối thủ” cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Trên tổng sản lượng cá tra toàn cầu thị phần Việt Nam đang giảm chậm, ngược lại là mức tăng trưởng dương đang diễn ra với Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh. Mỗi quốc gia này hiện chiếm 15 - 20% sản lượng cá tra nuôi toàn cầu. Hiện nay, tại Trung Quốc, một ngành nuôi cá tra nhỏ vẫn đang phát triển nhanh chóng song song với một ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc hùng mạnh, đã bắt đầu đáp ứng nhu cầu cá tra nội địa trong khi đó trước đây nguồn cung này phần lớn từ Việt Nam. Các báo cáo của ngành hiện cho thấy có 20 nhà máy chế biến cá tra nuôi được sản xuất tại Nam Trung Quốc. Năng lực sản xuất ước tính của Trung Quốc hiện tại chỉ khoảng 30,000 tấn. Điều này cho thấy, Trung Quốc sẽ phải mất thêm một thời gian chuẩn bị nữa trước khi nước này trở thành một đối thủ cạnh tranh thực sự với cá tra Việt Nam trước hết về khối lượng.
Tạ Hà