TP HCM chi 8.000 tỷ đồng chống ngập năm nay
TP HCM chi 8.000 tỷ đồng chống ngập năm nay
Tình trạng ngập ở trung tâm thành phố và 5 lưu vực ngoại vi rộng 550 km2 được ưu tiên giải quyết.
Trong kế hoạch giảm ngập vừa ban hành, UBND TP HCM cho biết năm nay sẽ đầu tư tổng cộng 218 dự án với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng, bao gồm 77 dự án chuyển tiếp (kinh phí gần 5.000 tỷ), khởi công 47 dự án (gần 2.000 tỷ) và chuẩn bị đầu tư 94 dự án (819 tỷ).
Tình trạng ngập nước tại trung tâm và 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam và một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân sẽ được ưu tiên giải quyết dứt điểm. Trước mắt, thành phố tập trung hoàn thành hai dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Mai Thị Lựu (quận 1) và nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7); hoàn thành dự án chống ngập do triều cường khu vực trung tâm thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (dự án chống ngập 10.000 tỷ) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án thu gom và xử lý nước thải, thành phố cũng chốt các thủ tục để thực hiện 4 dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Quý (quận Tân Phú); đường Bàu Cát, Trương Công Định (cùng quận Tân Bình); đường Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam (quận Thủ Đức) và đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp).
Đường Huỳnh Tấn Phát được kỳ vọng không còn là "rốn ngập" sau khi dự án cải tạo hoàn thành. Ảnh: Hữu Khoa.
|
Ngoài ra, thành phố sẽ xây thêm nhiều hồ điều tiết ngầm ở những khu vực có khả năng ngập nặng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ. Hơn 200 vị trí lấn chiếm cửa xả, hầm ga, cống thoát nước... sẽ được xử lý dứt điểm.
Chi phí thực hiện việc chống ngập được cân đối từ nguồn vốn ngân sách, theo thứ tự ưu tiên; mời gọi đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP); ưu tiên kết hợp các dự án đa mục tiêu...
Theo các chuyên gia, nhìn số lượng các dự án trong kế hoạch của TP HCM thì thấy rất lớn, nhưng nếu nhìn vào tiến độ đang được triển khai, rất khó hy vọng người dân sẽ thoát ngập trong mùa mưa năm nay. Chẳng hạn như dự án giải quyết "rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng đã được thành phố phê duyệt, nhưng phải mất thêm thời gian để hoàn thành các thủ tục, mất thêm một năm để xây dựng, nếu làm nhanh cũng phải đến mùa mưa năm sau mới hoàn thành.
Còn dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng sau thời gian bị tạm ngưng do vướng một số thủ tục cũng như bất đồng giữa nhà đầu tư và đơn vị giám sát, dự án đã được thi công trở lại. Chủ đầu tư cam kết hoàn thành phần xây dựng công trình vào cuối năm nay, nếu các địa phương bàn giao mặt bằng đúng hạn 30/6. Như vậy, sớm nhất cũng phải đến năm 2020, công trình mới có thể phát huy tác dụng.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch) cho rằng, thành phố cần nhìn vào thực tế, các công trình chống ngập theo các quy hoạch chỉ giải quyết một số khu vực, nên dù có tiền làm tất cả các dự án đó cũng không thể đảm bảo hết ngập. Việc chống ngập không hoàn toàn phụ thuộc vào các công trình như đê, cống thoát nước hay hồ điều tiết vì có nhiều khu vực cao vẫn ngập do bêtông hóa, nước không còn lối thoát hoặc có thể do quy hoạch, quản lý sai lầm.
"Chống ngập đòi hỏi phải có một chiến lược tổng hợp, đa ngành gồm: quy hoạch, quản lý đô thị, giao thông, xây dựng, trong khi thành phố đang làm lẻ tẻ, cục bộ và vẫn đang ở mức đối phó, thấy ngập chỗ nào thì giải quyết chỗ đó. Làm như lâu nay, ngập chỉ chạy từ chỗ này sang chỗ kia chứ không thể hết", ông Sơn nói.
Hữu Nguyên