11 năm và hàng loạt lần lỡ hẹn của đường sắt Cát Linh - Hà Đông
11 năm và hàng loạt lần lỡ hẹn của đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Kéo dài gần 11 năm, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có hơn 8 lần lỡ hẹn, lùi tiến độ.
11 năm liên tục lùi ngày vận hành
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức được khởi công từ ngày 10.10.2011 do Bộ Giao thông vận (Bộ GTVT) tải làm chủ đầu tư. Mốc ban đầu dự kiến đến tháng 6.2014 dự án này sẽ hoàn thành toàn bộ công trình. Từ tháng 10.2014 - 6.2015, sẽ tổ chức chạy thử và chính thức khai thác từ ngày 30.6.2015.
Tuy vậy, từ mốc khởi công, dự án đã liên tục 4 lần phải điều chỉnh tiến độ do nhiều nguyên nhân như: vướng mặt bằng, ngừng thi công vì xảy ra tai nạn lao động hay xác định lại tổng mức đầu tư và đợi nguồn vốn vay.
Tháng 7.2015, tổng thầu EPC (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) tiếp tục xin lùi tiến độ do mới đạt 30 - 50% khối lượng dự án. Bộ GTVT khi đó đã yêu cầu tổng thầu phải quyết liệt đưa dự án vào vận hành vào mốc 30.6.2016.
Đầu năm 2016, Bộ GTVT tiếp tục "thúc" tổng thầu thực hiện tiến độ chạy thử tàu từ tháng 9.2016 và khai thác toàn tuyến từ 31.12.2016.
Đến tháng 6.2016 do dự án lại tiếp tục chậm trễ, Bộ GTVT đưa ra thời hạn cuối cùng đến 31.12.2016 hoàn thành xây lắp dự án, cuối quý 2/2017 sẽ vận hành chính thức.
Tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông chạy thử liên động ngày 20.9.2018. Ảnh: Hải Nguyễn.
|
Lần thứ 5, tới tháng 12.2016, Bộ GTVT trình và Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh tiến độ do chờ xác định lại tổng mức đầu tư, nên lùi thời điểm chạy thử vào tháng 10.2017. Nhưng mốc 10.2017 cũng nhanh chóng bị vỡ do việc vay vốn bổ sung 250 triệu USD của Ngân hàng Eximbank Trung Quốc gặp trục trặc về pháp lý dẫn tới giải ngân chậm.
Lần thứ 6, tháng 5.2017, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị khẩn trương xử lý các vướng mắc, đặc biệt về vốn để dự án vận hành thương mại vào quý 2/2018. Tuy nhiên, việc chờ đợi giải ngân khoản vốn vay bổ sung 250 triệu USD đã kéo dài tới hơn 1 năm so với dự kiến, và mốc tiến độ này tiếp tục bị phá vỡ.
Lần thứ 7, cuối tháng 12.2017, trong cuộc họp tiến độ, sau khi Ngân hàng Eximbank thông qua thủ tục giải ngân vốn bổ sung, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu cuối 2018 dự án phải vận hành thương mại.
“Tiền đã có, đường đã xong, thiết bị đang về nên không thể nói là vướng cái này, cái kia, không có lý do gì để chậm trễ thêm nữa. Chúng tôi nói với phía Trung Quốc là dự án đã trải qua 3 đời bộ trưởng, phải đẩy nhanh tiến độ”, lãnh đạo Bộ GTVT khi đó đã yêu cầu.
Dù vậy, dự án này vẫn tiếp tục bị lùi tiến độ.
Tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông chạy thử liên động ngày 20.9.2018. Ảnh: Khánh Hoà.
|
Lần thứ 8, mốc tiến độ được lùi lại sau khi vận hành thử nghiệm từ tháng 9.2018, chính thức vận hành tháng 4.2019 cũng đã bị phá vỡ.
Đáng nói, trong khi thời điểm "về đích" còn mịt mờ, thì nhiều hạng mục phụ trợ của dự án đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Sau khi báo chí phản ánh, những hư hỏng này mới đang được nhà thầu khắc phục dần.
Vì đâu nên nỗi?
Báo cáo gửi Bộ GTVT cuối tháng 4, Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đến cuối tháng 4.2019, dự án vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc nên không thể đủ điều kiện đưa vào vận hành thương mại từ cuối tháng 4. Đặc biệt, dự án chưa được cấp chứng nhận an toàn hệ thống và Hội đồng nghiệm thu nhà nước.
Tổng thầu thiếu kinh nghiệm triển khai dự án, không bố trí nhân lực có trình độ bao quát, cũng như chậm trễ hoàn thành các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật, hồ sơ nghiệm thu hoàn thành, hồ sơ hoàn công...
Dù chưa đi vào vận hành, thế nhưng nhiều hạng mục tại hệ thống đường sắt trên cao xuất hiện nhiều dấu hiệu hư hỏng - Ảnh: TPO.
|
Dù Ban quản lý dự án đường sắt đã chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ giải quyết các vướng mắc nhưng Tổng thầu vẫn chậm trễ hoàn thiện hồ sơ, ở hầu hết các hạng mục đang tồn tại, cần giải quyết.
Đến thời điểm hiện tại, Tổng thầu Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện hạng mục kiến trúc các nhà ga và các đơn thể khu Depot; mái che thang cuốn các nhà ga; đấu nối thoát nước khu gian ga vành đai 3, cảnh quan, cây xanh... trong khu Depot; điện, thẻ vé và hoàn thiện các thủ tục để đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao dự án.
Theo quy định, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước khi đưa vào vận hành chính thức phải có đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, được thực hiện độc lập bởi Liên danh nhà thầu quốc tế Apave-Certifier-Tricc và được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật. Sau đó, dự án còn được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối.
TRẦN TUẤN