Chạy lòng vòng xin cấp phép đầu tư
Chạy lòng vòng xin cấp phép đầu tư
Các công ty sản xuất thép không gỉ ở VN gửi đơn kiến nghị xoay quanh việc cấp phép đầu tư cho dự án của Công ty YongJin Metal.
Sản xuất thép không gỉ tại VN được đánh giá là đã dư thừa - ẢNH: M.P
|
Đồng Nai từ chối, Tiền Giang cấp phép
Theo đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công thương và Hiệp hội Thép VN, các công ty cho biết, mới đây Công ty sản xuất thép không gỉ cán nguội YongJin Metal (Trung Quốc) đã được tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trước đó, Công ty YongJin Metal đã hai lần tiến hành các thủ tục đăng ký giấy phép đầu tư tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6, tỉnh Đồng Nai vào tháng 4.2017 và tháng 8.2018 nhưng đều bị chính quyền tỉnh Đồng Nai từ chối vì thừa nguồn cung nghiêm trọng và lo ngại các vấn đề về môi trường.
“Tuy nhiên, chỉ trong vòng 8 tháng kể từ khi nhận quyết định không được cấp phép đầu tư vào ngày 23.8.2018, Công ty YongJin Metal đã lại tiến hành thủ tục đăng ký giấy phép đầu tư dự án này tại tỉnh khác và đã được phê duyệt cấp phép đầu tư. Việc này làm cho các doanh nghiệp thép không gỉ chúng tôi rất bất ngờ và không thể hiểu được”, đơn kiến nghị nêu.
Đáng chú ý, dự án này được đầu tư vào Khu công nghiệp Long Giang, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc H.Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) nên được hưởng các ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó là thuế thu nhập doanh nghiệp hằng năm là 10% trong thời gian 15 năm (áp dụng từ năm đầu tiên có doanh thu); doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đồng thời, dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong quá trình sản xuất hoặc hàng hóa làm mẫu theo quy định tại Nghị định 134 ngày 1.9.2016 của Chính phủ hướng dẫn luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu...
Cần thiết cải tiến quy trình cấp phép
TS Nguyễn Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), thừa nhận: Thực tế có hiện tượng một số doanh nghiệp nước ngoài “chạy” dự án. Khi xin đầu tư vào một tỉnh thành nào đó không được thì chuyển sang địa phương khác. Trong khi đó, mối liên kết hay việc kết nối thông tin giữa các tỉnh thành khá yếu kém. "Để có thể ngăn chặn được tình trạng chạy dự án trong việc cấp giấy phép đầu tư nước ngoài, hiện cơ quan quản lý đang xây dựng Hệ thống thông tin về đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa xong nên việc liên kết thông tin giữa các địa phương chưa thể thông suốt. Do vậy, các tỉnh thành cần phải thận trọng, xem xét kỹ hơn nữa trước khi cấp phép dự án đầu tư nước ngoài", TS Nguyễn Hữu Thắng nói.
Chỉ ra rằng đây là lỗ hổng trong cơ chế cấp phép đầu tư của VN, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, nhận xét việc phân cấp cho các địa phương để cấp phép đầu tư nước ngoài là hợp lý nhưng lại thiếu quản lý chặt chẽ cũng như thiếu quy hoạch chung. Tỉnh thành nào cũng muốn thu hút các dự án công nghiệp để làm tăng thành tích công nghiệp hóa của mình. Vì vậy, sẽ có tình trạng một tỉnh sẵn sàng chấp nhận ngay dự án dù tỉnh khác đã từ chối trước đó. Vụ việc trên cũng cho thấy liên kết vùng không chặt chẽ. Do đó, TS Lê Đăng Doanh cho rằng Bộ Kế hoạch - Đầu tư ngoài việc công bố thông tin các dự án đã cấp phép, cũng phải cung cấp thông tin về các dự án đã bị từ chối với lý do gì. Bên cạnh đó, công bố thông tin về cung cầu của các ngành sản xuất tại VN để các tỉnh thành tham khảo trong quá trình cấp phép đầu tư.
Dự án của YongJin Metal tại Tiền Giang có quy mô 250.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư hơn 3.085 tỉ đồng. Dự án có thời hạn hoạt động đến tháng 11.2057. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất từ tháng 7.2020. |
Mai Phương