Chuyển sang kinh doanh nước, DNP hy sinh lợi nhuận trước mắt
Chuyển sang kinh doanh nước, DNP hy sinh lợi nhuận trước mắt
Với định hướng trọng tầm là phát triển mảng kinh doanh nước, năm 2019, CTCP Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP) sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động M&A trong mảng nước sạch và triển khai dự án nhà máy nước sạch tại địa phương.
Đặt mục tiêu doanh thu ngành nước tăng mạnh
Năm 2019, DNP đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2,481 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với thực hiện năm trước. Trong đó, ngành nhựa vẫn sẽ là ngành đóng góp chính với chỉ tiêu 1,831 tỷ đồng. Song, Công ty đặt mục tiêu doanh thu đi lùi 2% so với thực hiện 2018. Đối với ngành nước, Công ty đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng tới 172% lên 850 tỷ đồng.
Trong năm, DNP đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 15 tỷ đồng, bằng với thực hiện năm trước. Nếu loại bỏ ảnh hưởng bút toán hợp nhất phân bổ lợi thế thương mại và giá trị tài sản tăng lên sau M&A thì chỉ tiêu lãi trước thuế của Công ty sẽ là 102 tỷ đồng.
Về mặt định hướng, năm 2019, Công ty sẽ tiếp tục phát triển kinh doanh trong ngành nhựa, hoàn thành và đưa vào khai thác tối ưu các dự án đã đầu tư, đặc biệt là mảng ống nhựa dân dụng và nhựa gia dụng. Củng cố hoạt động của các đơn vị trong ngành nước, đồng thời, Công ty tiếp tục thực hiện các hoạt động M&A trong mảng nước sạch và triển khai dự án nhà máy nước sạch tại các địa phương.
Bên cạnh đó, DNP sẽ tiếp tục tái cấu trúc dư nợ và nguồn vốn của toàn DNP Corp và các đơn vị thành viên.
Chuyển hướng sang ngành nước, DNP hy sinh lợi nhuận trước mắt
Tại ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức gần đây, việc chuyển đổi mô hình sang kinh doanh ngành nước của Công ty là một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm.
DNP cho biết việc chuyển đổi sang lĩnh vực nước sạch được đưa ra trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố và nhìn nhận thách thức của ngành nhựa. Công ty nhận định rằng: Với chiến lược đầu tư mở rộng ngành nước, doanh thu của Công ty sẽ tăng, lợi nhuận gộp tăng nhưng chi phí lãi vay tăng và kết quả đầu tư có độ trễ nên lợi nhuận bị sụt giảm. Đồng nghĩa, Công ty phải hy sinh lợi nhuận trước mắt để đột phá trong tương lai.
Nói về việc đầu tư vào ngành nước, DNP cho biết, khác với ngành điện, ngành này không có sẵn mạng lưới quốc gia để phát mà chỉ có thể phát cục bộ tại 1 địa phương. Do đó, Công ty cần thời gian phát triển mạng lưới để tăng công suất. Vấn đề quan trọng là phải lựa chọn các khu vực địa bàn đầu tư. Trên cơ sở phân tích, DNP lựa chọn các khu vực phát triển công nghiệp và du lịch như Long An, Bắc Giang, Bình Thuận, Cần Thơ…
Hiện Công ty đã khánh thành 2 nhà máy nước tại Bắc Giang và Long An. Cả hai nhà máy này đều đang lỗ theo kế hoạch do khấu hao, chi phí lãi vay lớn và tỷ lệ khai thác công suất chưa cao. Theo như trao đổi với cổ đông, Công ty cho biết dự án nước thường mất 4-5 năm đầu lỗ kế toán, và thời gian thu hồi vốn dài tư 8-10 năm. Kết quả này sẽ phản ánh và ảnh hưởng đến kết quả hợp nhất của Công ty.
Chí phí quý 1/2019 tăng mạnh do mở rộng quy mô hoạt động
Kết thúc quý 1/2019, doanh thu thuần hợp nhất của DNP đạt gần 540 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 8.6 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Các khoản mục doanh thu tài chính và chi phí tài chính tăng mạnh so với quý 1 năm trước.
Theo giải trình của Công ty, doanh thu quý 1 tăng trưởng do quy mô hợp nhất mở rộng, với sự gia tăng về số lượng của các đơn vị thành viên ngành nước. Đồng thời, doanh thu tài chính tăng mạnh nhờ lợi nhuận từ các khoản đầu tư M&A.
Song song đó, chi phí của Công ty tăng, nhất là ở chi phí tài chính, là do sự mở rộng nhanh chóng về quy mô, số lượng các đơn vị thành viên đòi hỏi nhu cầu vốn lớn, trong điều kiện lãi suất vay có sự điều chỉn tăng bởi các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Điều này dẫn tới chi phí lãi vay hợp nhất quý 1 tăng mạnh so với cùng kỳ.
FILI