Dệt may lúng túng trước CPTPP và EVFTA
Dệt may lúng túng trước CPTPP và EVFTA
Ngành dệt may đang đứng trước nguy cơ không tận dụng được ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) khi không giải quyết được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Trong khi đó, vai trò hoạch định ngành này vẫn bị Chính phủ và các địa phương bỏ lửng.
Khó hưởng lợi nếu thiếu nguyên liệu
Năm 2018, ngành dệt may trong nước có kết quả tăng trưởng ấn tượng, tăng hơn 16% so với năm 2017, đạt hơn 36 tỉ đô la Mỹ, nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu cao nhất nhóm mặt hàng này trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là mức tăng trưởng rất cao trong điều kiện tổng cầu thế giới chỉ tăng trưởng 3% và tốp 10 nước xuất khẩu dệt may cũng tăng dưới 5%. Kết quả quí 1-2019 cũng thể hiện sự tăng trưởng cao, xuất khẩu trên 8,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Với những con số ấn tượng này, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) bày tỏ sự lạc quan với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm nay.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may và nguyên phụ liệu nước ngoài đang xem Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn. Ảnh: QUỐC HÙNG
|
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hiện nay đơn hàng đến với các doanh nghiệp may đang ổn định theo chiều hướng có tăng trưởng từ 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho quí 2 và quí 3 tới. Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy ngay ở thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành này đã có đủ đơn hàng sản xuất cho sáu tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019.
Theo các doanh nghiệp, tình hình đơn hàng ngành may tương đối tốt là vì trong “thực đơn” áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc chưa có hàng may mặc, khách hàng vẫn tiếp tục đặt hàng bình thường ở Việt Nam và Trung Quốc. Và trong trường hợp hàng may mặc Trung Quốc bị áp thuế, thì có khả năng một phần đơn hàng sẽ dịch chuyển sang Việt Nam. Mặt khác, các mặt hàng may xuất khẩu đi các thị trường khác nằm ngoài cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng ít ảnh hưởng.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch, Tổng thư ký VITAS, EVFTA được kỳ vọng ký kết trong năm nay, mang lại tiềm năng xuất khẩu sản phẩm may mặc với giá trị trên 100 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Hiện thuế suất xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực thì thuế suất sẽ giảm dần về 0% (trong vòng bảy năm).
Trong khi đó, CPTPP đã có hiệu lực với Việt Nam từ tháng 1-2019, giúp xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc có lộ trình). CPTPP được xem là cơ hội để mở ra các thị trường lớn mới như Canada, Úc, New Zealand, Peru, Chile. Trước đây, hàng Việt Nam xuất sang các quốc gia này đều phải thông qua các đối tác thứ ba.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội khi EVFTA và CPTPP có hiệu lực thì thách thức cũng không nhỏ. Khác biệt của CPTPP so với các hiệp định khác là dệt may có chương riêng, đứng riêng, độc lập, cho thấy tầm quan trọng của ngành hàng dệt may trong hiệp định này. Cụ thể, nếu như trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã tham gia chỉ áp dụng nguyên tắc từ 1-2 công đoạn thì CPTPP áp dụng nguyên tắc ba công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may. Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên nằm trong hiệp định CPTPP. Quy tắc xuất xứ từ vải trở đi đánh vào khâu yếu của dệt may trong nước khi phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu, trong đó gần 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc không tham gia các FTA lớn, đặc biệt là CPTPP, có nghĩa là Việt Nam không tận dụng được ưu đãi về thuế quan.
“Dị ứng” với dệt may
Nhờ lợi thế sẵn có về ngành và cơ hội sẽ mang lại từ EVFTA và CPTPP, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may và nguyên phụ liệu nước ngoài đang xem Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn. Sau nhiều năm hoạt động hai nhà máy may ở Hải Dương, Công ty TNHH May Tinh Lợi, doanh nghiệp thành viên của tập đoàn Crystal Hồng Kông, gần đây đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy thứ ba tại địa phương này với số vốn 39 triệu đô la Mỹ. Doanh nghiệp này có thế mạnh về sản xuất, xuất khẩu mặt hàng dệt kim, dệt len, với các nhãn hiệu như JC Penney, Ann Taylor, Mango, Uniqlo...
Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, mới đây một doanh nghiệp Đài Loan đã ký thỏa thuận đầu tư vào khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico, tỉnh Bình Phước với diện tích 5 héc ta chuyên về dệt nhuộm, vốn đầu tư khoảng 30 triệu đô la Mỹ. Hay tập đoàn chuyên về dệt chỉ, sợi và phụ liệu ngành dệt KyungBang (Hàn Quốc) vừa tăng thêm 84 triệu đô la Mỹ để nâng tổng vốn đầu tư tại nhà máy sản xuất trong khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương lên 179,2 triệu đô la Mỹ.
Tại các triển lãm về ngành này, Việt Nam cũng thu hút sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp ngoại. Đơn cử Saigon Tex & Saigon Fabric 2019, triển lãm ngành công nghiệp dệt may diễn ra vào tháng 4 rồi, thu hút hơn 1.000 nhà cung ứng đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại đây, Liên đoàn Dệt may Đài Loan (Taiwan Textile Federation) có hơn 30 doanh nghiệp tham gia, tăng gấp 3 lần so với năm năm trước. Theo bà Marisa S. Kuo, Quản lý phát triển thị trường nước ngoài của liên đoàn, các doanh nghiệp dệt may Đài Loan đánh giá thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển do chi phí sản xuất còn thấp, lao động dồi dào và có lợi thế xuất khẩu khi tham gia các FTA. “Khoảng 50% số doanh nghiệp Đài Loan tham gia triển lãm này đã có cơ sở sản xuất ở Việt Nam và họ không ngừng mở rộng sản xuất, cũng như nhiều doanh nghiệp dệt may Đài Loan có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc cũng có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam”, bà Marisa chia sẻ.
Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu từ sợi trở đi hiện gặp nhiều khó khăn, đáng chú ý là các dự án liên quan đến dệt nhuộm thường bị một số địa phương từ chối vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường. Năm ngoái, tỉnh Vĩnh Phúc đã từ chối dự án nhà máy dệt nhuộm của tập đoàn Hồng Kông TAL có vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ. Trước đó, Đà Nẵng cũng từng lắc đầu với một dự án nhà máy dệt nhuộm của nhà đầu tư Hồng Kông trị giá 200 triệu đô la Mỹ cũng với lý do lo ngại về việc sẽ gây ô nhiễm.
Lãnh đạo VITAS cho rằng nếu các địa phương không cấp phép thì sẽ không có sợi, vải mà xuất khẩu và như thế ngành dệt may vẫn chủ yếu thuần gia công. Theo VITAS, khâu nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu dự án được đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt thì nên xem xét cấp phép. Các địa phương cần tạo điều kiện ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư dệt nhuộm có công nghệ hiện đại xử lý nước thải.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 mới đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, cũng đã nêu nỗi khó khăn để phát triển nguyên liệu vải khi một số địa phương “dị ứng” với các ngành dệt may, đặc biệt hóa nhuộm. Theo ông, quy hoạch ngành này hiện đã lỗi thời và không được ai đả động đến. “CPTPP là xương sống của ngành dệt may Việt Nam nhưng xương sống không lôi được cả cơ thể vì cần có nền tảng. Vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường rất quan trọng vì nếu không thống nhất, hiệp định sẽ không mang lại lợi ích. Vai trò của Chính phủ phải hoạch định, không để các địa phương tự cho các nhà đầu tư vào mở”, ông nói.
Khâu nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu dự án được đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt thì nên xem xét cấp phép. Các địa phương cần tạo điều kiện ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư dệt nhuộm có công nghệ hiện đại xử lý nước thải. |
Quốc Hùng