Điện mặt trời Bình Thuận khó về đích đúng hạn
Điện mặt trời Bình Thuận khó về đích đúng hạn
Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11 (ngày 11-4-2017) quy định các cơ chế khuyến khích, trong đó nổi bật có giá bán điện ở mức 2.086 đồng/KWh.
Ngày 30-6-2019 là thời hạn chót các nhà máy điện mặt trời phải hòa lưới điện quốc gia để được hưởng mức giá ưu đãi. Tuy nhiên, đến thời điểm này tỉnh Bình Thuận vẫn còn hàng chục dự án chậm tiến độ, thậm chí chưa thể triển khai vì nhiều nguyên nhân.
Mặc dù rất muốn đẩy nhanh tiến độ để đóng điện đúng thời hạn nhằm được hưởng giá ưu đãi nhưng ông Phạm Hùng Sơn, Giám đốc Công ty CP Năng lượng Thiên Niên Kỷ, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện mặt trời Hồng Phong 5.2 (ở xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình), cho biết lực bất tòng tâm. Nguyên nhân do dự án nằm trong khu vực dự trữ quốc gia khoáng sản titan nên chưa thể triển khai thi công, tác động vào đất đai cũng như vướng một số thủ tục liên quan khác. "Chúng tôi cũng muốn nhanh chóng thi công đẩy nhanh tiến độ lắm nhưng do vướng quy hoạch titan nên đành lỡ thời cơ hưởng ưu đãi" - ông Sơn tiếc nuối.
Tương tự, một chủ đầu tư dự án điện mặt trời ở huyện Bắc Bình cho biết nguyên nhân dự án của ông chậm là do mặt bằng dự án đang vướng bồi thường nên chưa giải phóng được. Theo chủ đầu tư, đến thời điểm này vẫn còn vài hộ dân có đất nằm trong khu vực dự án chưa đồng ý với mức giá đền bù. Họ biết sự cấp thiết về thời gian nên ra điều kiện rất cao.
Nhiều dự án điện mặt trời ở Bình Thuận đang chạy nước rút để kịp đóng điện đúng thời hạn hưởng giá ưu đãi
|
Ông Phạm Phú Lộc - Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tuy Phong, khu vực có nhiều dự án chưa thể hòa lưới - cho biết nguyên nhân chính là do các dự án còn vướng giải tỏa đền bù, nhất là khâu thỏa thuận giá cả làm chậm tiến độ triển khai. Còn theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận, ngoài việc vướng giải tỏa đền bù, còn do mạng lưới hạ tầng điện quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu đấu nối và truyền tải của các nhà máy, vấn đề chồng lấn quy hoạch điện lực với titan nên phải mất thời gian để xử lý dẫn đến các dự án chậm tiến độ hòa lưới điện quốc gia.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Bình Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng mặt trời thuộc loại cao nhất nước, với bức xạ nhiệt cao và ổn định, vì vậy có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở lĩnh vực năng lượng mặt trời. Toàn tỉnh hiện có 94 dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư, với tổng công suất hơn 5.347,72 MWp, tổng vốn đầu tư trên 137.000 tỉ đồng. Hiện 28 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển. Trong đó, 26 dự án với tổng công suất 1.346,7 MWp, tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỉ đồng đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng mới có 21 dự án điện mặt trời triển khai thi công. Ông Dương Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công Thương Bình Thuận), cho biết qua theo dõi, kiểm tra thực tế, khả năng chỉ có 16 dự án hoàn thành, đóng điện trước ngày 30-6, còn lại nhiều dự án khó đạt tiến độ.
Để gỡ khó cho các nhà đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách giá điện theo quy định tại Quyết định số 11 đến hết năm 2020. Đối với các dự án điện mặt trời đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tổ chức họp thẩm định, tỉnh đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng và thực hiện phê duyệt bổ sung các dự án này vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, kể cả các dự án đang nằm trong vùng khu vực dự trữ quốc gia khoáng sản titan. Còn những dự án điện mặt trời mà UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương, tỉnh đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ Công Thương tiếp tục xem xét thẩm định, báo cáo Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực theo quy định hiện hành.
Việt Khánh