Dư nợ cho vay đánh bắt xa bờ vượt 10 nghìn tỷ đồng
Dư nợ cho vay đánh bắt xa bờ vượt 10 nghìn tỷ đồng
Dư nợ cho vay chuyển sang nợ xấu ngày càng tăng đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của các ngân hàng tham gia cho vay theo Nghị định 67...
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình cho vay theo Nghị định 67 vẫn gặp không ít vướng mắc.
|
Tính đến cuối tháng 3/2019, tổng số dư nợ cho vay chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67 đạt khoảng 10.580 tỷ đồng.
Thông tin trên được Ngân hàng Nhà nước cho biết tại báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội sau chất vấn, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Báo cáo nêu rõ, đến hết ngày 31/12/2017, thời điểm dừng ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu, các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.178 tàu. Trong đó gồm 1.032 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp.
Số tàu này chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phân bổ cho các địa phương và chiếm trên 58,2% tổng số tàu các địa phương đã phê duyệt.
Tổng số tiền cam kết cho vay tại thời điểm trên đạt hơn 11.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2019, dư nợ cho vay theo chương trình vẫn còn khoảng 10.580 tỷ đồng.
Qua tình hình vốn cho vay và cơ cấu số nợ đọng nêu trên, báo cáo phân tích, nợ xấu có xu hướng ngày càng gia tăng tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển (đến cuối năm 2018, nợ xấu chiếm 17% tổng dư nợ cho vay).
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, ngoài một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì còn do nhiều ngư dân có thái độ chây ì, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng, coi đây là ưu đãi của Nhà nước.
Còn nhớ cách đây 5 năm, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được giới chuyên giá đánh là hệ thống các chính sách toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ có giá trị kinh tế cao, tạo cú huých đối với ngành thủy sản.
Bằng việc tham gia tích cực, các ngân hàng đã thực hiện tốt mục tiêu có trách nhiệm với đất nước. Nhưng còn về mục tiêu sinh lời thì không hề được như mong muốn. Hiện, hai ngân hàng có dư nợ lớn nhất theo Nghị định 67 chiếm khoảng 90% tổng dư nợ.
Trước thực trạng dư nợ cho vay chuyển sang nợ xấu ngày càng tăng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã kịp thời rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất đẩy nhanh việc thực hiện một số giải pháp đồng bộ từ các bộ, ngành trung ương đến chính quyền địa phương các cấp, các hiệp hội nhằm hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ ngân hàng thương mại thu hồi nợ vay, tránh phát sinh nợ xấu.
Được biết, theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng đã có văn bản số 10048/VPCP-KTTH ngày 16/10/2018 chỉ đạo các địa phương, bộ ngành và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
ĐÀO HƯNG