Fed giữ nguyên lãi suất vì vắng bóng áp lực lạm phát
Fed giữ nguyên lãi suất vì vắng bóng áp lực lạm phát
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất vào rạng sáng ngày thứ Năm (02/05 – giờ Việt Nam) vì vắng bóng áp lực lạm phát.
Sau hai ngày họp chính sách tiền tệ, Fed quyết định giữ nguyên phạm vi lãi suất chuẩn ở mức 2.25-2.5%, trùng khớp với kỳ vọng của thị trường, nhưng lại khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump thất vọng vì ông vừa mới kêu gọi Fed giảm bớt lãi suất 1 điểm phần trăm trong tuần này.
Ông Trump đã đề cập tới chuyện thiếu vắng áp lực lạm phát là lý do chính để Fed hạ lãi suất, đồng thời cho biết trong một dòng tweet ngày thứ Ba (30/04) rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn nếu Fed nới lỏng chính sách tiền tệ.
Không hề nao núng trước những lời kêu gọi từ Tổng thống Mỹ, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hoàn toàn nhất trí giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang Mỹ. Tuy nhiên, Ủy ban lại thực hiện một thay đổi về kỹ thuật nhằm giữ lãi suất quỹ liên bang Mỹ (Fed fund rate) – vốn là lãi suất các ngân hàng tính cho nhau khi vay qua đêm để bảo đảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc – gần hơn với điểm giữa của phạm vi mục tiêu.
Lãi suất dự trữ vượt trội (IOER) sẽ được thiết lập ở mức 2.35%, tức giảm 0.05 điểm phần trăm so với trước đây. Trước hai đợt điều chỉnh tương tự trong năm 2018, Fed đã nâng lãi suất quỹ liên bang Mỹ và lãi suất IOER cùng nhau, trong đó lãi suất IOER đóng vai trò là chốt chặn đối với đà tăng của lãi suất quỹ liên bang.
Tuy nhiên, lãi suất quỹ liên bang đã và đang tiến dần tới mức cao nhất của phạm vi mục tiêu, gần đây nhất là ở mức 2.45% (phạm vi là 2.25-2.5%).
Dưới góc độ kinh tế, Fed đã điều chỉnh một số từ ngữ trong tuyên bố để cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn mạnh.
Tuyên bố tuần này đề cập rằng “hoạt động kinh tế tăng trưởng vững chắc”, đồng thời lưu ý việc làm cũng “tăng trưởng mạnh” và tỷ lệ thất nghiệp “vẫn ở mức thấp”. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện ở mức 3.8%, quanh mức thấp nhất trong 50 năm.
Ngoài ra, Ủy ban thay đổi thêm từ ngữ để thể hiện bức tranh lạm phát yếu ớt hiện tại. “Xét trên cơ sở 12 tháng, lạm phát tổng thể và lạm phát lõi (ngoại trừ giá thực phẩm và năng lượng) đã suy giảm và dưới mức 2%”, trích từ tuyên bố. Sau cuộc họp tháng 3/2019, FOMC cho rằng sự suy yếu của lạm phát bắt nguồn từ giá năng lượng thấp hơn.
Quyết định trên được đưa ra sau khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý 1/2019, vượt xa những dự báo từ các chuyên gia kinh tế. GDP tăng trưởng 3.2% trong quý 1/2019, trong khi một số chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ hoặc thậm chí là không có tăng trưởng.
Ngoài ra, thị trường lao động cũng tăng trưởng mạnh. Trong tháng 4/2019, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Mỹ có thể tạo ra thêm 180,000 việc làm. Báo cáo việc làm sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu (03/05).
Thị trường tài chính Mỹ dạo gần đây cũng có thành quả tốt, trong đó Dow Jones đã tăng 14% (tính từ đầu năm), sau một năm 2018 đầy thảm khốc vì nỗi lo Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Dù vậy, tăng trưởng lạm phát vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu cân xứng 2% của Fed. Chỉ số đo lường lạm phát ưa thích của Fed chỉ tăng trưởng ở mức 1.6% khi loại trừ giá thực phẩm và giá năng lượng.
Ông Trump và các quan chức Nhà Trắng tin rằng lạm phát thấp để ngỏ cánh cửa nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khi đó, thị trường cho rằng Fed sẽ giữ nguyên chính sách trong một khoảng thời gian và sau đó sẽ có một đợt hạ lãi suất trong năm nay với xác suất là 67%.
Fed đang nới lỏng chính sách tiền tệ đôi chút. Bắt đầu từ ngày thứ Năm (02/05), FOMC sẽ hạ mức giới hạn thoái vốn hàng tháng đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ từ mức 30 tỷ USD trước đó xuống 15 tỷ USD. Trong khi đó, mức giới hạn thoái vốn đối với chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS) sẽ là 20 tỷ USD mỗi tháng. Số dư trên bảng cân đối kế toán của Fed hiện còn chưa tới 3.9 ngàn tỷ USD, phần lớn bao gồm trái phiếu Chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp.
FiLi