HVA vùi dưới hố sâu bĩ cực?
HVA vùi dưới hố sâu bĩ cực?
Ngày 30/05/2019, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Đầu tư HVA (HNX: HVA) sẽ được tổ chức. Tính đến thời điểm hiện tại, HVA có vẻ vẫn đang mắc kẹt trong hố sâu của những vấn đề tồn đọng.
Tại đại hội, Ban lãnh đạo mới của HVA sẽ có những trao đổi với cổ đông về hoạt động kinh doanh. Một phần nội dung Đại hội là thông báo và cập nhật tình hình hiện tại của HVA cho các cổ đông về công tác bàn giao phối hợp của Ban lãnh đạo cũ. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối tại HVA sau quá trình chuyển giao quyền lực.
Cụ thể, Ban lãnh đạo cũ của HVA không hề hỗ trợ, hợp tác trong việc bàn giao quyền hành, giải quyết các vấn đề tồn đọng và do đó dẫn đến nhiều hệ lụy cho Công ty. Theo lời từ phía HVA, những hành động này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi cổ đông, hoang mang nhà đầu tư và giảm uy tín HVA trên thị trường chứng khoán.
Một vấn đề “dở khóc dở cười” tại HVA là do Ban lãnh đạo cũ không thanh toán tiền thuê văn phòng nên đã bị tòa nhà đặt trụ sở chính Công ty (tại Hà Nội) thu hồi văn phòng cho đơn vị khác thuê. Hiện, Ban lãnh đạo mới đang làm thủ tục chuyển về TP HCM, nhưng vì không có hồ sơ sổ sách nên Công ty không thể quyết toán thuế để chuyển trụ sở.
Về tình hình tài chính của doanh nghiệp, Ban lãnh đạo mới cho biết Công ty đang thiếu nghiêm trọng nguồn vốn hoạt động do Ban lãnh đạo cũ không bàn giao số dư quỹ tiền mặt và các tài khoản ngân hàng của HVA. Và vì không có tài liệu đối chiếu, Ban lãnh đạo mới cũng bế tắc trong việc xác định tính hợp lý, hợp pháp của các khoản này. Hiện nay, để duy trì hoạt động thì HVA phải vay tiền cổ đông nội bộ. Công ty cho biết sẽ thông qua các bảng chi tiết các chi phí mà trong thời gian qua Ban lãnh đạo mới đã tạm ứng ra cho HVA vay để trả nợ ngân hàng và duy trì hoạt động.
Theo thông tin từ HVA, còn nhiều vấn đề nổi cộm khác tại Công ty như: nợ lương cán bộ nhân viên nhiều kỳ chưa thanh toán; cá nhân Thành viên Ban lãnh đạo cũ đầu tư dự án không hiệu quả, gây thâm hụt ngân sách; tồn tại nhiều chứng từ chuyển tiền không rõ ràng, ký nhiều hợp đồng tín dụng với các công ty và tổ chức, cho vay cá nhân không còn khả năng trả nợ, ủy thác đầu tư không đúng quy định.
Nói thêm về hiện trạng các khoản đầu tư, theo BCTC các năm trước và BCTC soát xét đầu năm 2018, phía HVA cho biết Công ty có khoản đầu tư vào 3 công ty liên kết với tổng giá trị gần 50 tỷ đồng, chiếm gần 80% vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. Tuy nhiên,Ban lãnh đạo mới hiện cũng không có các tài liệu để đối chiếu tính hợp lý, hợp pháp của các khoản đầu tư trên nên HVA chưa thể tiến hành tái cơ cấu các khoản đầu tư này.
Tại Đại hội tới đây, HVA khẳng định sẽ tiến hành thảo luận phương án tái cấu trúc tài chính nhằm thu hồi tài sản đang bị chiếm giữ trái phép của Ban lãnh đạo cũ và các khoản đầu tư không hiệu quả. Có khả năng, HVA sẽ thực hiện thủ tục cần thiết để khởi kiện ra tòa theo quy định pháp luật đối với trường hợp của Nguyên Chủ tịch Nguyễn Khánh Toàn. Ban lãnh đạo mới cho biết sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra và khởi tố để đòi lại quyền lợi cho các cổ đông.
Và cuối cùng nhưng lại đáng chú ý hơn cả, HVA muốn trình cổ đông thông qua việc bổ sung nguồn vốn bằng hình thức vay hoặc phát hành cổ phiếu để duy trì hoạt động kinh doanh của Công ty. Nhưng ngẫm lại, với bộn bề là tồn đọng, cùng với việc giá cổ phiếu giảm sâu chỉ còn 1,700 đồng/cp và đang bị kiểm soát giao dịch, mong muốn đó của các vị lãnh đạo mới liệu có thành hiện thực?
FILI