Liên doanh, liên kết: Quả ngọt hay trái đắng?
Liên doanh, liên kết: Quả ngọt hay trái đắng?
Khi chấp nhận đổ tiền đầu tư thì bạn sẽ có hai khả năng xảy ra - một là sinh lời hai là thua lỗ. Trên thương trường, ngoài hoạt động kinh doanh chính thì đầu tư vào liên doanh liên kết đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp, vậy doanh nghiệp nào nhận được quả ngọt và doanh nghiệp nào nhận lại trái đắng từ “trò chơi” này trong quý 1/2019?
Thành quả ngọt ngào từ liên doanh liên kết
Nhận được nhiều trái ngọt nhất chính là Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (UPCoM: VEA) với hơn 1,209 tỷ đồng từ lãi liên doanh, liên kết, các khoản lợi nhuận này được đóp góp từ các khoản lợi nhuận từ liên doanh với các hãng xe lớn như Honda, Toyota, Ford.
Trong BCTC quý 1/2019, VEA ghi nhận khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết với giá trị gần 8,158 tỷ đồng, trong đó VEA đầu tư vào Công ty Honda Việt Nam hơn 6,195 tỷ đồng, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam gần 1,139 tỷ đồng, Công ty TNHH Ford Việt Nam gần 713 tỷ đồng,...
Nếu không có khoản lãi liên doanh, liên kết đều đặn thì những năm qua (2016-2018) thì VEA có thể sẽ lỗ hay lãi chỉ vài trăm tỷ thay vì con số hàng ngàn tỷ. Liệu là VEA đã hoạt động kinh doanh có hiệu quả?
Nguồn: VietstockFinance
|
Mới đây, Bộ Công Thương (BCT) đã tiến hành thanh tra toàn diện các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại VEA kể từ năm 2010 đến hiện tại.
Theo kết luận Thanh tra của Bộ Công thương thì VEA hoạt động kinh doanh không hiệu quả, mua linh kiện không có trong kế hoạch cũng như bổ nhiệm cán bộ sai quy định. Và Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ về sai phạm phát hiện trong quá trình thanh tra tại VEA sang Bộ Công an.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 được công bố, VEA dự kiến doanh thu 2019 của công ty mẹ giảm tốc 18% so với kết quả 2018, ứng với con số 2,398 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi ròng mà Công ty dự kiến tăng trưởng đến 23%, lên 6,402 tỷ đồng, mức tăng này có lẽ tiếp tục được kỳ vọng đến từ mức tăng trưởng của các công ty con, công ty liên doanh liên kết tại VEA.
Một tập đoàn trong lĩnh vực dệt may là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) cũng ghi nhận được khoản lãi từ liên doanh, liên kết hơn 128 tỷ đồng trong quý 1/2019, dù vậy thì lãi ròng của VGT chỉ ở mức 116 tỷ đồng.
Khoản đầu tư vào liên doanh liên kết vào 31 công ty của Vinatex được ghi nhận tại BCTC quý 1/2019 hơn 2,053 tỷ đồng, trong đó có một số công ty “có tiếng” như Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP (HOSE: TVT), Tổng Công ty May 10 - CTCP (UPCoM: M10) hay là Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (UPCoM: VGG),… những công ty này hằng năm đều làm ăn ổn định và có lãi, góp phần mang lại phần lãi từ liên doanh không hề nhỏ cho Vinatex.
Ngoài ra còn một số doanh nghiệp hưởng lợi, ghi nhận trăm tỷ đồng từ hoạt động đầu tư liên doanh, liên kết như là MSN, VGI, PPH.
Một số doanh nghiệp ghi nhận khoản lời từ liên doanh, liên kết
Nguồn: VietstockFinance
|
CTCP Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) và Tổng Công ty Công Nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam - CTCP (UPCoM: VOC) là hai đại diện cho ngành thực phẩm ghi nhận khoản lãi khá lớn từ đầu tư liên doanh, liên kết.
Nếu trong quý 1/2019, VOC ghi nhận khoản lãi liên doanh, liên kết gần 81 tỷ đồng thì KDC ghi nhận khoản này chỉ hơn 74 tỷ đồng và VOC chính là một trong những công ty liên kết của KDC.
Được biết, khoản đầu tư vào liên doanh liên kết của KDC là hơn 3,623 tỷ đồng, chiếm gần 29% tổng tài sản còn giá trị này ở VOC là 1,458 tỷ đồng, chiếm đến 47% tổng tài sản.
Trái đắng từ liên doanh liên kết tại HHG
Ngoài những khoảnh khắc được nếm mật ngọt như những doanh nghiệp trên còn có có những doanh nhiệp phải đau đầu và ngậm vị đắng từ chính khoản đầu tư liên doanh, liên kết của mình.
Một số doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ từ liên doanh, liên kết
Nguồn: VietstockFinance
|
Một số ông lớn như VIC, VNM hay VJC dù có những ghi nhận khoản lỗ liên doanh, liên kết nhưng không thấm vào đâu so với con số lãi ròng hàng tỷ đồng.
CTCP Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) trong quý 1/2019 cũng ghi nhận khoản lỗ hơn 24 tỷ đồng cho khoản liên doanh liên kết. Thoạt nhìn, danh sách SGP đầu tư liên kết phần là những công ty trong ngành vận tải biển hay logistics. Trong cả năm 2018, SGP cũng có khoản lỗ cho liên doanh liên kết hơn 108 tỷ đồng, kéo lãi ròng của Công ty cả năm còn 176 tỷ đồng.
Tuy vậy còn có trường hợp của CTCP Hoàng Hà (HNX: HHG), cũng là doanh nghiệp trong ngành vận tải. Khoản đầu tư liên doanh liên kết của HHG trong quý 1/2019 ghi nhận lỗ hơn 1.4 tỷ đồng, hơn nữa trong tình hình lãi gộp chỉ bù đắp đủ cho các loại chi phí (chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp) do vậy khoản lỗ 1.4 tỷ đồng được xem như là “tội đồ” làm HHG phải gánh lỗ hơn 1.3 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/03/2019, HHG chỉ ghi nhận giá trị tại đầu tư liên doanh, liên kết thành CTCP Thương mại Thái Bình Xanh là 23.6 tỷ đồng. Được biết, khoản đầu tư này có giá trị góp vốn 25 tỷ đồng, tương đương 45.45% vốn Thái Bình Xanh. Từ đó có thể thấy, con số lỗ đầu tư liên kết 1.4 tỷ đồng đều đến từ hoạt động kém sắc của Thái Bình Xanh.
Trước đó, HHG có thêm khoản đầu tư vào CTCP Bến xe khách trung tâm Cẩm Phả với giá trị gốc gần 17 tỷ đồng (theo BCTC quý 1 năm 2019), vào ngày 21/03 HĐQT của HHG đã có Nghị quyết thoái toàn bộ vốn tại Cẩm Phả.
ĐHĐCĐ thường niên 2019 của HHG đã thông qua kế hoạch doanh thu hơn 270 tỷ đồng cùng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5.3 tỷ đồng. Kết thúc quý 1/2019, kết quả HHG có lẽ chả mấy khả quan và còn đi ngược so kế hoạch, trong thời gian 3 quý tiếp theo, HHG có thật sự bứt phá trong chính hoạt động kinh doanh hoặc nhận được quả ngọt hay trái đắng từ công ty liên kết?
FILI